Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đạo diễn 9X nói gì về vở nhạc kịch gây tranh cãi ở Hà Nội?

"Tôi bất ngờ khi mọi người không hiểu nhưng sòng phẳng mà nói thì 'Mộng ước không xa vời' có gì để phải hiểu nhỉ?", đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh nói về vở nhạc kịch gây tranh cãi.

Trích đoạn một ca khúc do nhân vật Benny thể hiện Các ca khúc nước ngoài sử dụng trong đêm nhạc đều được PPAN viết lời Việt.

Vở nhạc kịch Mộng ước không xa vời, ngay khi công diễn ở Hà Nội đã nhận nhiều phản hồi trái chiều. Hệ thống nhân vật rối rắm, mạch truyện nhiều sơ hở, kết thúc dang dở, thông điệp khó hiểu, đó là nhận xét của nhiều người.

Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng đây là vở nhạc kịch đánh dấu sự trưởng thành của Nguyễn Phi Phi Anh so với Đêm hè sau cuốiGóc phố danh vọng. Đó là một câu chuyện về tình yêu và mộng ước.

"Tình yêu ấy sống động, chuyển hóa không ngừng, trong cử chỉ yêu thương của người với người, như hoa xinh, như nắng hồng, như cây lá thay màu, như chiều về gió heo may qua…".

dao dien nhac kich 9X anh 1
Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh. Ảnh: NVCC.

Có gì để phải hiểu nhỉ?

- Xem “Mộng ước không xa vời” của anh lần đầu, nhiều khán giả cảm thấy hoang mang, không biết khen chê thế nào cho phải. Số khác thì bảo rằng họ chẳng hiểu anh muốn gửi gắm điều gì. Anh lý giải sao về điều này?

- Tôi cũng bất ngờ khi mọi người không hiểu. Nhưng sòng phẳng mà nói thì Mộng ước không xa vời có gì để phải hiểu nhỉ? Đó chỉ đơn giản là câu chuyện quay ngược thời gian để ngăn chặn đại dịch H-O-HO. Mọi người có quyền nghĩ theo cách của mình, miễn là hợp lý.

- Trong những đêm diễn cuối cùng, vở diễn của anh có vài thay đổi, từ nội dung đến tên nhân vật. Hồng được đổi thành Màu Hồng. Nhiều người đồn đoán rằng đây là động thái để khán giả dễ hiểu hơn?

- Quan điểm của tôi về một vở diễn hay là đáp ứng tiêu chuẩn của mình. Mỗi đêm diễn qua đi, tôi đều nhận ra vẫn còn điều gì đó gai mắt, tức chưa được mượt mà theo ý của mình muốn. Do vậy, tôi phải sửa đến khi nào không còn gai mắt nữa thì thôi. Những đêm diễn gần đây, tôi đã hài lòng.

Lúc viết vở này, tôi không nghĩ nhiều đến thông điệp hay tên nhân vật cụ thể. Nhân vật bà Hoài Bão được đặt một cách rất ngẫu hứng và nhân vật Hồng cũng vậy. Sau khi diễn, tôi thấy ở đâu đó, người ta gọi Hồng thành Màu Hồng, tôi thấy hay nên quyết định thay đổi để mọi người có cái mà nói.

- Một đạo diễn kiêm tác giả kịch bản lại không muốn gửi gắm điều gì qua “đứa con tinh thần” của mình, vì sao vậy?

- Không chỉ Mộng ước không xa vời mà 2 vở trước của tôi là Đêm hè sau cuối Góc phố danh vọng cũng vậy. Thông điệp của vở diễn được hình thành từ chính tác giả, sau khi tác phẩm đã công diễn rộng rãi. Tất nhiên, tôi cũng có những ý đồ của mình. Nhưng đó không phải là điều tôi dụng công.

Với Mộng ước không xa vời, tôi chọn một cái kết mở. Ai giết bà Hoài Bão? Anh Thanh Bình hay hôn nhân? Đó là lựa chọn suy nghĩ của khán giả. Khi xây dựng nhân vật, tôi cũng không đi lý giải nguyên nhân. Tôi chỉ làm điều đơn giản đó là tạo các tình huống theo nhân vật của mình.

- Kim Lân từng rất bất ngờ và hạnh phúc khi có một bài phê bình chỉ ra những ý nghĩa mà chính ông cũng không nghĩ đến khi viết “Vợ nhặt”. "Mộng ước không xa vời" cũng được bình luận khá nhiều trên báo chí – truyền thông. Anh thấy họ nói về tác phẩm của mình có đúng như ý anh?

- Có những bài viết khiến tôi “se khít” nhưng chúng ta cũng phải đồng ý với nhau rằng mỗi đêm diễn là một lần khác. Do vậy, mỗi người có quyền giữ cảm nhận của mình và không cần kiểm tra xem tác giả có ý nghĩ giống mình hay không vì sẽ rất khó có câu trả lời.

Tôi không muốn khăng khăng giữ thông điệp gì đó cho vở diễn của mình. Không có gì là đúng hay sai ở đây cả. Hiểu như thế nào thì mọi người cứ hiểu như vậy. Tôi không muốn huỵch toẹt hoặc đi rao giảng về ý nghĩa tác phẩm của mình.

dao dien nhac kich 9X anh 2
Một cảnh trong vở nhạc kịch Mộng ước không xa vời.

Nếu quá khứ khác đi, tương lai sẽ như thế nào?

- Như anh từng nói, "Mộng ước không xa vời" là một vở diễn thách thức khả năng cảm thụ của khán giả. Anh không sợ bị nhận xét là đang giỡn mặt với công chúng?

- Tôi đồng ý là có thể mình đã sắp đặt để trêu ngươi khán giả, vì tôi thấy mọi người không giống mình và tôi cũng không giống mọi người. Quan điểm của bản thân về xã hội cho phép tôi thoải mái làm những điều mình nghĩ.

Nhưng tôi nghĩ thay đổi cũng không có gì sai. Giỡn mặt được hiểu theo nhiều nghĩa, tôi muốn làm những thứ vui vẻ, các nhân vật có thể đùa cợt với nhau trên sân khấu. Còn tất nhiên, tôi rất trân trọng công chúng, họ là những người xếp hàng để thưởng thức vở diễn của tôi.

- Vậy trong vở diễn gây tranh cãi này, chi tiết nào mà anh nghĩ rằng mình đã dụng công, căng não và dành nhiều tâm sức nhất?

- Tôi phải dùng não để nghĩ ra chi tiết sau khi Thanh Bình giết bà Hoài Bão thì nhân vật này bước vào cỗ máy thời gian. Cũng có thể hiểu, đó là kết quả của sự dụng công nhất.

- Nhiều người vẫn không thôi thắc mắc tại sao vở diễn này lại có tên là “Mộng ước không xa vời”?

- Mộng ước không xa vời bắt nguồn từ suy nghĩ “nếu quá khứ khác đi thì tương lai sẽ như thế nào”. Đơn giản chỉ có vậy. Trong câu chuyện của vở này, có câu chuyện của chính tôi. Thế nên tôi luôn có cảm giác, mỗi đêm diễn là một lần mình bị “bóc tách”. Mộng ước không xa vời, đơn giản là một mộng ước không gần, cũng không xa.

Khi xem xong vở này, nhiều người nhận xét tôi trưởng thành hơn. Nhưng tôi không dám nhận vì biết đâu 3-4 năm nữa, tôi lại viết một vở khác và khéo lại tự cười mình vì lúc này mình quá trẻ, quá ngây thơ.

- Anh vốn là người kiệm lời và ngại bày tỏ cảm xúc về những lời khen – chê cho tác phẩm của mình trên mạng xã hội. Nhưng gần đây việc anh ca ngợi một nhà phê bình trên trang cá nhân khiến nhiều người “sốc”, thậm chí "thất vọng"?

 

 

 

 

 

 

 

- Tôi khâm phục PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái ở rất nhiều điểm trong bài bình luận tác phẩm của tôi. Thứ nhất, nhiều người bảo cô Thái chẳng làm gì ngoài việc kể lại tác phẩm của tôi. Tôi phải nói thẳng rằng đến tôi diễn đạt lại tác phẩm của mình tôi còn không làm được. Tôi chỉ kể được bằng lời thoại, còn cô Thái kể được bằng văn xuôi.

Thứ hai, khi xem vở diễn của tôi nhiều người chê sân khấu rất xấu nhưng khi tôi hỏi lại, người ta không biết xấu ở điểm gì. Cô Thái thì khác, cô đã chỉ ra điểm hạn chế của tôi chính là cỗ máy thời gian.

Tất nhiên, tôi có nhiều lý do, từ nghệ thuật đến kỹ thuật để giữ lại cỗ máy này, nhưng tôi thấy nhận định của cô Thái rất xác đáng.

Thứ ba, khi đọc bài phê bình của cô Thái, tôi mới nhận ra mình yêu dàn diễn viên của mình một cách mù quáng.

Thứ tư, cô không khen chê chung chung trong bài viết của mình. Cô Thái đi xem tới 3 lần và viết rất dài, rất tâm huyết. Dùng từ cũng rất chắt lọc, chứng tỏ vốn từ của cô rất rộng.

Cô đã xem rất kỹ rồi mới nói, và chọn từ rất kỹ rồi mới viết. Ở tuổi như vậy lại đang có bệnh tật trong người mà vẫn say mê với sân khấu - nghệ thuật thì không thể không trân trọng.

'La La Land' của nhạc kịch Việt: Kẻ mộng mơ không khờ

"Mộng ước không xa vời" của PPAN có điểm tương đồng với "La La Land" vì cùng khiến những ai đã và đang đi qua thời thanh xuân đều có thể soi chiếu bản thân trong đó.

Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh: ‘Tôi rất dị, sự thật là thế’

Tác giả của nhạc kịch "Đêm hè sau cuối" cho biết cách nghĩ của anh không giống người bình thường và cách hành xử cũng khác.

Quang Đức

Bạn có thể quan tâm