Đạo diễn 'Cánh đồng bất tận': Im lặng trong tâm bão dư luận
"Với Cánh đồng bất tận, tôi cũng có tiên liệu về dư luận. Nhưng tôi lại tin khán giả sẽ ủng hộ nó, vì nó kể một câu chuyện cảm động về thân phận con người" - đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chia sẻ.
>>Dustin Nguyễn trao nhẫn cưới cho Tăng Thanh Hà
>>Hải Yến: 'Cánh đồng bất tận' không nhiều cảnh 'nóng''
Nguyễn Phan Quang Bình gần như không có thời gian nghỉ. Sau Liên hoan phim quốc tế Việt Nam, là lễ ra mắt bộ phim thứ hai của anh - Cánh đồng bất tận. Hàng ngày, anh lại lăn lộn tại phim trường để ghi hình Vietnam Idol và hàng loạt gameshow truyền hình. “Đó là lý do tôi im lặng trước quá nhiều dư luận. Vì thực sự tôi quá mệt và quá bận, tôi không có thời gian”. Dẫu vậy, bão dư luận vẫn đang ập đến và không phải dư luận nào cũng tốt lành.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình (áo sơ mi trắng) |
"Quá mệt nên không thiết tha với LHP nữa"
- Nỗ lực của BHD trong việc phối hợp với Cục Điện ảnh tổ chức Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất có vẻ như không được thành công cho lắm, khi mà điều chê lắm hơn tiếng khen. Anh có thấy rằng, những cố gắng của anh đã không được đền đáp?
-Thực sự là chúng tôi quá mệt. Bạn biết không, LHP Pusan có kinh phí tổ chức là 8 triệu đô la, còn LHP quốc tế Việt Nam chỉ có 8 tỷ, trong đó tiền mua vé máy bay và khách sạn cho khách quốc tế đã là 5 tỷ. Còn lại là tiền thuê mặt bằng, địa điểm, các chi phí cho việc chuẩn bị hết 2 tỷ. Chỉ còn 1 tỷ cho tất cả các hoạt động trong liên hoan. Chúng tôi phải đi vận động tài trợ từng món nhỏ một, cảm thấy cực khổ vô cùng. Hơn 100 nhân viên công ty và khoảng hơn 100 người là anh em bạn bè của chúng tôi đều xúm vào làm. Mọi người làm chương trình không lấy tiền. Các ngôi sao xuất hiện không đòi cát xê. Mà nếu có đòi thì tôi cũng chẳng có mà trả cho họ. Còn nhân viên của tôi, ngày nào cũng có người vào viện truyền nước biển. Ngày nào họ cũng phải làm từ 5h sáng đến 1, 2h đêm, không chỉ trong Liên hoan phim mà trước đó cả tháng rồi. Tôi không muốn họ vất vả như vậy nữa. Và đó là lý do tôi không còn thiết tha với việc tham gia tổ chức liên hoan phim.
- Nghĩa là anh khẳng định BHD sẽ không tham gia tổ chức Liên hoan phim quốc tế Việt Nam?
- Ít nhất lúc này tôi nghĩ vậy. Tất nhiên, đây là hoạt động của Cục Điện Ảnh, nên không có BHD thì có thể có những công ty khác.
- Nhiều người cũng cho rằng, sở dĩ LHP kỳ này bị đánh giá là không tốt bởi các giải thưởng có vấn đề. Nói thẳng ra là người ta nghi ngờ sự trung thực của việc trao giải. Quá nhiều ngỡ ngàng…
Bạn muốn nói đến giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc của Nhật Kim Anh và giải kịch bản của Vũ Ngọc Đãng phải không?
Về giải của Nhật Kim Anh thì cần phải thống nhất là không ai ép được ban giám khảo cỡ như vậy. Tôi chưa xem phim đó nên không biết được cô ấy diễn thế nào, nhưng việc cô ấy được trao giải cũng làm tôi bất ngờ vì tôi nghĩ có thể nó sẽ được trao cho một diễn viên nước ngoài nào đó. Tôi ở trong ban tổ chức và tôi có thể khẳng định là không có sức ép nào cả. Về ban giám khảo, chỉ có duy nhất đạo diễn Đặng Nhật Minh là người Việt Nam, thế nên chắc chắn ông ấy không thể ép được đạo diễn Phillip Noyce và những người khác. Nếu ông Phillip Noyce ưu ái Việt Nam thì tôi cũng không biết được. Nhưng tôi làm tổ chức, tôi khẳng định, không có sức ép hay sắp đặt nào ở đây cả.
- Còn giải thưởng của NetPac trao cho kịch bản “Hotboy nổi loạn, chuyện cô gái điếm, thằng Cười và con vịt”, một kịch bản mà BHD chuẩn bị đầu tư sản xuất? Ai cũng sẽ tin đó là giải được… o bế, để tăng sức nặng cho phim sau này?
- Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần tìm hiểu nhiều hơn về hệ thống hoạt động của liên hoan phim để không còn phẫn nộ bởi những điều không cần thiết. Trong bất cứ liên hoan phim nào, thì cũng có những hệ thống giải thưởng chính thức và nhiều giải thưởng bên lề. Chúng tôi tổ chức liên hoan phim này nhằm khuyến khích và trao giải cho các nhà làm phim châu Á, đó là lý do dù được chiếu trao đổi nhưng điện ảnh Pháp không hề có giải và cũng không được quảng bá mạnh. Giải NetPac cũng xuất hiện tại các liên hoan phim khác, họ độc lập và không xuất hiện trong hệ thống giải chính thức, cũng không bao giờ xuất hiện trên website của liên hoan phim này.
Đạo diễn Lê Hoàng cũng đã từng nhận giải NetPac nên anh hiểu rất rõ về việc này. Họ độc lập, tự chọn, tự trao giải cho bộ phim hoặc kịch bản mà họ cho rằng xuất sắc nhất. Chính vì thế, việc họ trao cho kịch bản của Vũ Ngọc Đãng là việc hết sức bình thường và đây là hoạt động bên lề. Nó không nằm trong hệ thống giải thưởng chính thức của Liên hoan phim quốc tế Việt Nam. Ban giám khảo phim truyện nhựa và Ban giám khảo phim tài liệu và phim ngắn đã họp và đề nghị không đưa vào lễ trao giải của VNIFF để tránh nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình trên phim trường Cánh đồng bất tận |
"Đã quá quen với việc… bị chửi trên báo"
- Quả là hiếm có bộ phim nào nhanh chóng tạo dư luận như “Cánh đồng bất tận”. Tất nhiên, vì nhiều lẽ. Nhưng anh có thấy hoảng vì rất nhiều ý kiến phản ứng với cách anh làm phim?
- Thực ra tôi không hoảng và cũng không ngại. Khi tôi chuyển thể phim 39 độ yêu từ phim video sang phim nhựa, rất nhiều người đã chửi tôi trên báo là giả dối, lừa đảo. Sáng nào cũng có ít nhất nửa trang báo chế giễu về điều đó. Nhưng sau đó thì rất nhiều người đã làm như vậy và đến giờ thì việc chuyển từ video sang phim nhựa thành phổ biến. Thực ra chuyện này ở nước ngoài đã làm từ lâu lắm. Tôi chỉ là người đầu tiên ở Việt Nam thôi. Mình làm đầu tiên thì dễ bị ném đá. Nhưng nếu không làm thì sẽ không bao giờ biết mình có thể làm được gì. Với Cánh đồng bất tận, tôi cũng có tiên liệu về dư luận. Nhưng tôi lại tin khán giả sẽ ủng hộ nó, vì nó kể một câu chuyện cảm động về thân phận con người.
- Trên một số diễn đàn, có ý kiến cho rằng, bộ phim “Cánh đồng bất tận” làm cho đời sống của người dân Nam bộ có phần đen tối. Anh có nghĩ rằng đó là những ý kiến cần phải suy nghĩ?
- Tôi phải suy nghĩ trước khi làm phim chứ không phải đợi phim chiếu, nghe ngóng dư luận rồi mới suy nghĩ. Truyện và phim có đời sống riêng. Còn hiện thực thì hàng ngày bạn đọc báo bạn sẽ thấy khủng khiếp rất nhiều so với phim. Tôi làm phim này muốn dành cho nhiều lớp khán giả xem và đặt cảm xúc lên trên chứ không chỉ để miêu tả hiện thực, thế nên hiện thực phim có phần nhẹ đi so với tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư. Bởi vì người xem sẽ không thể chịu được nếu phim quá đen tối, căng thẳng. Tôi không bôi đen. Nếu mọi người xem phim, mở lòng ra một chút, sẽ thấy nó có sự khốc liệt nhưng tính nhân văn vẫn được đặt lên hàng đầu. Cái kết phim đã thể hiện rõ điều đó. Nếu tác phẩm có vấn đề gì đó, như sự bôi đen mà mọi người đề cập, thì chắc chắn nó không thể xuất hiện đàng hoàng, không được đánh giá tốt. Hầu hết dư luận đều nhìn nhận đây là một tác phẩm mang tính nhân văn.
Một cảnh trong phim Cánh đồng bất tận |
- Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn có chia sẻ trên trang mạng xã hội rằng, bộ phim của anh đã làm cho giá trị của tác phẩm văn học bị giảm sút. Anh nghĩ sao?
- Cần phải để bộ phim có đời sống riêng và không thể làm phim giống y như truyện. Tôi nghĩ có thể đến khi bắt tay vào làm bộ phim đầu tiên của đời mình, anh Nguyễn Thanh Sơn sẽ chia sẻ được khó khăn cùng tôi. Nhiều người đã từng phê phán tôi. Nhưng sau khi họ làm phim, họ quay lại chia sẻ, phải thừa nhận là làm phim bao giờ cũng khó khăn hơn việc bình luận phim, nó có quá nhiều yếu tố tác động và không phải những gì mình nghĩ thì khi thể hiện lên phim cũng sẽ hiệu quả. Tôi đã từng có lúc bỏ mọi thứ, đi làm phim nghệ thuật, làm phim cho riêng mình, mong muốn làm được bộ phim mình thích, bộc lộ rõ cái tôi cá nhân. Nhưng sau nhiều năm suy nghĩ, tôi thấy rằng sứ mệnh của người nghệ sỹ là cần phải đưa được tác phẩm đến với khán giả. Và bộ phim này tôi thực hiện theo tiêu chí ấy. Tôi lấy khán giả làm trọng.
Nếu khi xem phim bạn mở lòng mình hơn, bạn sẽ thấy nhiều thứ ở bên trong những khung hình đẹp. Chúng tôi mất rất nhiều thời gian để thực hiện bộ phim. Như tôi đã nói: Mỗi lần tôi gặp biên kịch Ngụy Ngữ, thấy ông ấy cáu giận vô cớ, mệt mỏi, rũ rượi vì ông ấy phải hóa thân và phải tìm tích cách, từng câu thoại cho nhân vật. Suốt 6 năm ông ấy đã phải làm điều đó. Tôi cho rằng, sự sâu sắc không nằm ở những triết lý ghê gớm, mà nó nằm ở những chi tiết tưởng như giản dị nhất. Vì thế tôi mới nói, có lẽ nếu mọi người bớt soi mói hơn, thì sẽ cảm nhận được nhiều hơn. Còn soi mói, bạn sẽ không thể nhìn thấy sự tinh tế mà chẳng cảm nhận được gì.
Thực ra anh Sơn có những nhận định trái chiều cũng không quan trọng, bởi đó là quan điểm của cá nhân anh ấy. Khi tiếp thu những khen chê, tôi nghĩ mình cần phải hiểu được đâu đúng, đâu sai. Nếu không thì đời mình sẽ chẳng làm được gì. Tôi thiết nghĩ phê bình, khen hay chê đều cần phải có kiến thức, hiểu biết thực tế và thực sự công bằng chứ đừng vì cơ hội hay sự nổi tiếng cá nhân mà làm như vậy mới là những người tôi tôn trọng. Nhiều bài khen chê mà trên dưới bất nhất, cứ muôn áp đặt mọi người theo xuy nghĩ của mình cho cách làm phim của mọi người thì thật không hay. Người đọc đều hiểu cả đấy.
- Về hai diễn viên chính, nhiều người ngạc nhiên khi anh chọn cả hai diễn viên quá xa lạ với miền Tây kể cả ngoại hình cũng như cách diễn xuất. Và khi xem phim thì nhiều người cũng phản ứng. Một nhà phê bình có nói, Đỗ Hải Yến quá sang cho vai một cô gái điếm… hết thời, còn Dustin Nguyễn thì diễn thiên về kỹ thuật chứ chưa chạm vào sâu bản chất của nhân vật. Anh nghĩ sao?
- Khi bạn xem phim bằng sự soi mói, bạn sẽ không bao giờ thấy được. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng lần đầu xem phim cũng nói diễn viên Hải Yến chưa tốt. Nhưng khi anh ấy bỏ lớp áo lý trí, xem bằng cảm xúc thì lại nói rằng rất thích và cảm động. Tôi phải nói cảm ơn Dustin và Hải Yến. Phim này có 4 nhân vật chính, và xuyên xuốt là nhân vật Nương. Với những diễn viên gạo cội, chắc chắn họ sẽ không muốn nhường đất cho người khác. Nhưng cả hai diễn viên này đã có khi như một dàn bao để đẩy hai diễn viên trẻ lên. Chứ nếu nhân vật nào cũng muốn mình mạnh hơn, thì chắc chắn sẽ khó lòng mà phim hay được. Nếu hai diễn viên nhỏ bị hai diễn viên gạo cội cuốn đi thì cũng sẽ mờ nhạt ngay lập tức. Trước đây, trong phim Việt Nam, các diễn viên diễn rất đều nhau, vì họ không có đường dây tình cảm, tưởng hay mà hóa ra không có điểm nhấn. Bộ phim này tôi cố gắng làm điều đó. Và bạn sẽ thấy có những điểm nhấn trong diễn xuất của từng diễn viên.
Có rất nhiều ý kiến trái chiều về vai diễn của Đỗ Hải Yến trong Cánh đồng bất tận |
- Nhưng quả là chất giọng “ba rọi” pha tiếng Nam – Bắc của Đỗ Hải Yến trong phim làm nhiều người khó chịu. Vì yếu tố kỹ thuật hay vì anh muốn cố tình như thế?
- Tôi hoàn toàn có thể lồng tiếng cho Đỗ Hải Yến. Nhưng làm tiếng trực tiếp thì phải lồng lại toàn bộ phim. Thế nên tôi sửa kịch bản, để vai cô Sương ấy là từ ngoài Bắc vào. Bộ phim sau khi kiểm duyệt cũng sẽ có điểm khác với bộ phim nguyên bản. Tôi hy vọng là những người như anh Nguyễn Thanh Sơn hay chị Hồng Ánh sẽ chia sẻ với chúng tôi sau khi họ làm phim.
- Còn cái kết thì sao? Phải chăng anh cần phải có nó để bảo đảm bộ phim sẽ dễ dàng được duyệt hơn? Hay vì anh không đủ dũng cảm để đẩy mâu thuẫn lên tới tận cùng?
- Thực ra khán giả có thể lựa chọn vì phim có hai cái kết. Mà tôi muốn cái kết là sự giải thoát kho khán giả. Tôi cũng giải thoát cho chính mình. Tôi lớn lên trong một khu dân cư mà đời sống không lành cho lắm. Và đã thường xuyên bị nhận những trận đòn vô cớ. Khi ấy tôi nghĩ mình cần phải trả thù. Nhưng khi đánh lại được họ rồi mình cũng không thấy vui. Thế nên khi đọc được truyện này, tôi muốn làm phim, vì cảm giác nó được giải thoát. Sự tha thứ sẽ làm người ta sống tốt hơn và sẽ lớn mạnh hơn.
- Có ý kiến anh đã bám sát vào tác phẩm văn học. Ở truyện thì thoại rất hay. Nhưng đưa vào phim thì thấy nó gượng và giả…
- Không có thoại thật hay thoại giả. Mà quan trọng là nó có được đưa đúng chỗ và diễn viên có diễn được ra cái sự chân thật đó hay không. Tôi thì thấy nó rất có cảm xúc và tôi hài lòng. Tôi mong mọi người hãy xem phim bằng cảm xúc rồi hãy dùng lý trí để phân tích. Nếu xem hai lần thì thật tốt (cười).
- Dường như anh quá chênh vênh, anh đặt mình ở quá nhiều góc đứng, và rồi đôi khi khán giả không biết đường dây bộ phim đi theo đường nào?Và nhiều khi nó bị mông lung, cảm xúc khán giả cũng vì thế mà bị ngắt quãng…
- Truyện cũng vậy. Và cô Nương chính là người neo giữ câu chuyện ấy, kể tiếp câu chuyện ấy đi đến hồi kết thúc. Người xem phim để thưởng thức thì họ không bị mất mạch chuyện, người xem để so sánh với câu chuyện thì họ đâu có tập trung.
Lan Ngọc trong vai Nương |
- Anh từng nói trong bài phỏng vấn trước, nếu phim này không thành công thì nó sẽ là bộ phim cuối cùng. Đến giờ, anh có… tiếp tục làm phim nữa không?
- Tôi chưa tìm thấy kịch nào hấp dẫn và hoàn chỉnh để làm tiếp. Nhưng có một điều là khen chê thời gian vừa qua cũng cho thấy bộ phim rất được quan tâm. Khen nhiều mà chê cũng lắm. Nhưng quan trọng hơn là khán giả vẫn đến rạp và điều này là rất hiếm với phim nghệ thuật làm về đề tài nông thôn ở Việt Nam. Tôi có nên gọi đó là thành công không?
- Nhưng giới phê bình đã phân tích khá kỹ những điều chưa được từ bộ phim. Có nên hiểu đó là những điều đáng lưu tâm?
- Nhưng mà tôi không làm phim cho nhà phê bình mà tôi làm phim với khán giả. Trước nay người ta chứng kiến những bộ phim nghệ thuật chỉ có vài vé. Tôi muốn làm bộ phim nghiêm túc mà vẫn có khán giả nhiều tầng lớp, với tôi đó là giải thưởng lớn nhất. Ví dụ như những đã xem phim ở LHP Cannes, phim sẽ kén khán giả hơn, vì nó thường tôn trọng cái tôi tác giả. Nhưng tôi thì nghĩ, các nhà làm phim nên nghĩ đến khán giả nhiều hơn. Như ông Phillip Noyce, phim là vũ điệu của biên kịch, diễn viên, đạo diễn và khán giả. Với tôi, tôi nghĩ bộ phim này được thực hiện nghiêm túc và tôi nhận được những cảm xúc của khán giả. Khán giả sẽ quyết định việc phim thành công hay không.
- Và người ta hoàn toàn có thể lý giải, vì sao thân thiết và được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhưng “Cánh đồng bất tận” đã trắng tay tại LHP Pusan?
- Ngay từ đầu, tôi đã nói tôi không làm phim này cho các kỳ liên hoan phim quốc tế. BHD vốn đưa nhiều phim đi các liên hoan phim. Nên cũng biết tính toán và biết ra phim vào thời điểm nào là tốt nhất nếu thực sự muốn tham dự. Nhưng tôi chọn ra phim tháng 10 tháng lỡ cỡ cho mọi liên hoan phim quốc tế vì tôi biết thời điểm đó phim Mỹ sẽ yếu ở Việt Nam. Đó cũng là cơ hội lớn cho phim Việt ra rạp để cố mở ra thêm những thời điểm mới khác với phim tết (Tôi cũng khuyên Dustin Nguyễn rời phim tết ra đầu tháng 4 vậy). Chúng tôi làm tất cả để mong muốn khán giả Việt quay lại với Phim Việt nhiều hơn. Pusan giống như một món nợ của tôi với phía bạn, vì tôi đã hứa và họ… đòi nợ (cười). Ngay sau khi giao lưu với khán giả xong, tôi đã bay về nước. Tôi nói với Giám đốc liên hoan phim Pusan rằng:“Tôi nghĩ tôi làm phim vì khán giả nhiều hơn, và tôi muốn họ xem. Thế nên tôi không được giải tại Pusan là chuyện có thể hiểu được”.
Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng Cánh đồng bất tận vẫn là một bộ phim gây xúc động với khán giả Việt Nam |
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu