Đạo diễn Derek Nguyễn được sinh ra ở Việt Nam, từ nhỏ anh theo mẹ sang Mỹ định cư. Nhưng Derek mang khát khao được trở về quê nhà để làm phim. Câu chuyện bà nội anh kể từ thuở nhỏ đã thôi thúc Derek đến khi anh có cơ hội hợp tác với nhà sản xuất Timothy Linh Bùi (từng đầu tư làm phim Cú và chim se sẻ, Âm mưu giày gót nhọn, Đoạt hồn).
Với vốn tiếng Việt khá ít ỏi, Derek Nguyễn mang theo kịch bản về Việt Nam. Trong buổi giới thiệu bộ phim, đạo diễn trẻ dành cho Zing.vn cuộc trò chuyện khá cởi mở.
Đạo diễn Derek Nguyễn (thứ 2 từ phải sang) trong buổi ra mắt đoàn phim. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc |
- Nhiều đạo diễn Việt kiều đã về Việt Nam làm phim suốt những năm qua. Vì sao giờ anh mới quyết định trở về?
- Từ lâu tôi đã mơ ước được trở về quê nhà làm phim nhưng đến giờ mới có cơ hội với Cô hầu gái. Ở Mỹ, công việc chính của tôi là sản xuất phim. Tôi cũng từng có những phim ngắn được quay ở New York. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội làm đạo diễn cho một dự án lớn.
Lúc chuẩn bị quay phim kinh dị Cô hầu gái, tôi đã về Việt Nam khoảng 3, 4 lần để khảo sát và nghiên cứu bối cảnh, đặc biệt là vào những năm Pháp thuộc. Lúc đó tôi nhận ra nguồn cảm hứng mãnh liệt trong mình, nhất định phải quay bộ phim này ở Việt Nam.
- Anh được hỗ trợ như thế nào trong việc chọn diễn viên cho phim?
- Trong đầu tôi đã luôn có suy nghĩ, nhất định phải chọn dàn diễn viên tốt nhất của Việt Nam vào phim. Tôi đã xem rất nhiều bộ phim của các diễn viên trong Cô hầu gái và cảm nhận tình cảm, tâm huyết họ dành cho vai diễn nhiều như thế nào. Khi lần đầu gặp và trò chuyện với họ, tôi quyết định ngay đây là ông Châu, đây là bà Hạt cho bộ phim của mình.
Tôi đã casting nhiều người cho vai diễn Linh nhưng tôi đặc biệt ấn tượng về Nhung Kate. Cô ấy không lo lắng nhiều về hình ảnh bên ngoài của mình. Cô ấy thật sự là diễn viên tài năng. Bởi vai Linh đòi hỏi cao về kỹ năng diễn xuất, tôi muốn cô ấy thể hiện sự yếu đuối lẫn mạnh mẽ trong tính cách. Nhung Kate làm được điều đó vì cô ấy đa chiều.
Sau buổi ra mắt báo chí, Derek Nguyễn trở về Mỹ để tiếp tục công đoạn hậu kỳ trước khi phim công chiếu. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc |
- Dòng phim kinh dị của Việt Nam vốn không được thị trường trong nước ưu ái. Anh làm thế nào để thuyết phục khán giả quê nhà?
- Ở vai trò đạo diễn, tôi luôn muốn làm ra bộ phim tốt nhất. Đôi lúc, tôi cũng lo lắng về lợi nhuận và phản ứng của khán giả. Nhưng tôi dần nhận ra, công chúng yêu điện ảnh ở Việt Nam khá hứng thú với dòng phim kinh dị. Ở Cô hầu gái không đơn giản chỉ hù dọa người xem, trong đó còn có câu chuyện tình lãng mạn. Với sự kết hợp 2 trong một, tôi tin khán giả sẽ hào hứng đón nhận nó và chúng ta sẽ biết được doanh thu của phim sau khi công chiếu.
Những nỗi lo bên lề tôi tạm gác lại và để cho phía sản xuất lo vì tôi tin họ biết mình đang làm gì.
- Tại sao anh không chọn thể loại hài, sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hồi vốn?
- Tôi đang có nhiều kịch bản với những thể loại khác. Nhưng nhà sản xuất lại muốn bắt đầu với bộ phim Cô hầu gái. Đạo diễn không có quyền chọn làm phim nào, tất cả đều do phía đầu tư quyết định. Nhưng điều đó không quan trọng, tôi đang được làm điều mình thích.
Khi nào tôi đã có những bộ phim thành công, lúc đó tôi sẽ có quyền lựa chọn làm những gì mình thích. Còn bây giờ, tôi đang cố gắng để tạo ra điều đó.
Derek đánh giá cao khả năng diễn xuất của Nhung Kate. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc |
- Kinh phí của phim “Cô hầu gái” được đầu tư thế nào?
- Khi viết kịch bản, tôi đã cố gắng hạn chế kinh phí của bộ phim. Nhưng khi đến TP HCM, chúng tôi không tìm được địa điểm như mong muốn. Thế là ê-kíp phải bắt đầu tìm kiếm ở những nơi xa hơn và điều này khiến kinh phí bắt đầu dội lên cao. Thú thật, ban đầu tôi không nghĩ chi phí lại nhiều đến mức ấy nhưng may mắn nhà đầu tư vẫn tiếp tục theo đuổi dự án này.
- Nếu muốn làm việc lâu dài ở quê nhà, anh có nghĩ mình sẽ phát triển thêm vốn tiếng Việt để thuận tiện hơn?
- Khi tôi còn nhỏ, mẹ có dạy tiếng Việt nhưng sau này bà tái hôn với người Mỹ da trắng. Trong nhà, tôi được khuyến khích nói tiếng Anh để phù hợp với hoàn cảnh sống. Tôi mất dần vốn tiếng Việt ít ỏi.
Khi ở Mỹ, người ta luôn muốn tôi nói tiếng Anh và khi về Việt Nam, mọi người cũng muốn tôi nói chuyện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Thật khó khăn nhưng tôi hy vọng mình có thể đạt đến trình độ thuần thục cả hai thứ tiếng (cười to). Trong khoảng thời gian làm phim Cô hầu gái, tôi được học thêm tiếng Việt. Tôi có thể nói và hiểu những câu cơ bản. Sau này tôi sẽ cố gắng nhiều hơn.