Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Lê Hoàng
Diễn viên chính: Tim, Quỳnh Hương, Hải Triều, Song Ngư
Zing.vn đánh giá: 4/10
Điện ảnh thế giới không ít lần đề cập và lên án nạn ấu dâm với nhiều tác phẩm thành công, mang góc nhìn đa chiều như Mystic River (2003) của Mỹ, Silenced (2011) của Hàn Quốc hay The Hunt (2012) của Đan Mạch.
Tại Việt Nam, sau bê bối của diễn viên hài Minh béo và nhiều vụ ấu dâm gây xôn xao dư luận, đạo diễn Lê Hoàng là người đầu tiên chọn đưa đề tài lên màn ảnh rộng qua bộ phim [S.O.S.] Sói trắng.
[S.O.S.] Sói trắng là bộ phim đầu tiên xoay quanh nạn ấu dâm của điện ảnh Việt Nam và do đạo diễn Lê Hoàng thực hiện. |
Chuyện phim bắt đầu khi Ly (Quỳnh Hương) cùng em trai - bé Bi - tình cờ gặp gỡ ca sĩ Jimmy Trần (Tim) sau một trận cãi cọ ngoài đường. Nhân cơ hội đó, chàng trai lập tức tiếp cận và chiếm lấy trái tim người đẹp bằng vẻ ngoài thu hút của mình.
Nghe lời hai người bạn là Ngọc (Hải Triều) và Mai (Song Ngư), Ly nhờ Jimmy Trần đưa đón bé Bi. Cô gái không thể ngờ rằng chính mình đã tạo cơ hội cho tên ca sĩ giở trò đồi bại với em trai.
Một câu chuyện chắp vá, đầy lỗ hổng
[S.O.S.] Sói trắng có nhịp phim khá nhanh. Song, điều đó không giúp tạo ra sự gay cấn bởi hàng loạt chi tiết vụn vặt, phi lý xuyên suốt thời lượng tác phẩm. Điều này chủ yếu đến từ cách xây dựng nhân vật đầy mâu thuẫn của đạo diễn Lê Hoàng.
Ngay khi phát hiện ra việc em trai bị xâm hại, Ly thề thốt, nhất quyết đòi đưa Jimmy Trần vào tù. Nhưng chỉ bằng một tình huống giải thích đầy ngô nghê của chàng ca sĩ điển trai, cô gái lập tức tin tưởng, bỏ qua mọi chuyện.
Bước sang sóng gió tiếp theo, Ly tiếp tục chỉ trích và nhất mực cho rằng Jimmy là hung thủ chỉ bởi anh biến mất ngay giữa lúc hai người đang… ân ái. Cô gái đồng thời khẳng định Ngọc đã bị gài bẫy.
Nhưng thêm một lần nữa, nữ nhân viên quảng cáo lại làm lành với Jimmy Trần, quên luôn người bạn thân đang chịu oan trong tù.
Có quá nhiều điều vô lý trong diễn biến tâm lý nhân vật, cả chính lẫn phụ. |
Cách xây dựng nhân vật phản diện Jimmy Trần cũng phi lý không kém. Cách thức gây án và giải thích lý lẽ với Ly lộ liễu, thiếu thuyết phục đến mức khó tin. Ngay khi câu chuyện mới lắng xuống, hắn lại gây chuyện, rồi đổ oan cho Ngọc.
Bản thân cảm xúc của Jimmy Trần cũng rất mâu thuẫn. Gã chủ động tiếp cận, tán tỉnh các cô gái. Song, lúc cao trào nhất, nhân vật của Tim lại chối từ và muốn có một “tình yêu trong sáng”. Đến khi bị lộ, Jimmy Trần tỏ ra ăn năn, hối lỗi. Nhưng cách hắn “trở mặt như trở bàn tay” chỉ tạo ra cảm giác ngớ ngẩn.
Ngay cả các nhân vật phụ trong phim cũng không thoát khỏi sự mâu thuẫn, chẳng hạn như vị bác sĩ điều trị cho bé Bi. Ban đầu, ông khuyên Ly hãy để mọi chuyện lắng xuống, tránh gây tổn thương tinh thần lâu dài cho em trai. Nhưng đến cuối phim, nhân vật lại gợi ý rằng cô nên đưa thủ phạm ra trước pháp luật để bảo vệ những đứa trẻ khác.
Sự đối nghịch trong tâm lý nhân vật dẫn đến hàng loạt chi tiết vô lý trong kịch bản. Có cảm giác như Lê Hoàng đã cố gắng thu thập, chắp nối hàng chục câu chuyện ở ngoài đời thực, trên mạng xã hội vào trong tác phẩm của mình.
Lối làm phim cũ kỹ
Có thể hiểu tại sao đạo diễn Lê Hoàng lại chọn Tim - một người ăn hình - cho vai kẻ thủ ác. Ông hẳn muốn nói với khán giả rằng tội phạm ấu dâm có thể là bất kỳ ai, bất chấp thân thế, bề ngoài, tài năng. Nhà làm phim đồng thời muốn nhắn nhủ người xem rằng hãy đừng im lặng và lên tiếng chống lại cái ác.
Đó là thông điệp không mới, nhưng rất thời sự. Song, cách truyền tải nó lại quá cũ kỹ. [S.O.S.] Sói trắng hoàn toàn thiếu đi sự tinh tế giống như các tác phẩm cùng đề tài của điện ảnh nước ngoài.
Hàng loạt điểm yếu cố hữu của ông, như những cảnh khoe thân, hiệu ứng quay chậm không cần thiết, thêm một lần nữa lộ rõ.
Hàng loạt điểm yếu của Lê Hoàng lại được phô bày trong bộ phim. |
Lê Hoàng dành cho nhân vật của Tim trong phim tới bốn bài hát. Tất cả đều được dàn dựng công phu, trọn vẹn, không khác gì MV. Thậm chí, clip quảng cáo do Jimmy Trần thực hiện trong [S.O.S.] Sói trắng cũng được chiếu đi chiếu lại nhiều lần, với cảnh quay chậm gã trai thoa kem chống nắng lên lưng một đứa bé.
Đó là những chi tiết thừa thãi, có thể cắt bớt để tác phẩm trở nên ngắn gọn, súc tích hơn, hoặc dành đất cho những trường đoạn đắt giá hơn. Chưa kể, đôi lúc Lê Hoàng cố gắng thêm thắt một vài tình huống hài hước chen ngang. Nhưng chúng hoàn toàn lệch tông, tỏ ra thiếu hiệu quả.
Đa số diễn viên của [S.O.S.] Sói trắng đều còn trẻ, ít kinh nghiệm diễn xuất. Vai chính Ly được giao cho người mẫu Quỳnh Hương. “Gà cưng” của Vũ Khắc Tiệp chưa thể lột tả trọn vẹn tâm lý nhân vật bởi cách biểu lộ cảm xúc còn gượng gạo, khô cứng. Dù vui, buồn, hay tức giận, nữ diễn viên chỉ có đúng một kiểu khuôn mặt.
Tuy được ưu ái dành cho nhiều đất diễn, nhưng Tim không thể hiện được nhiều. Cũng khó để trách anh bởi cách xây dựng nhân vật Jimmy Trần với quá nhiều điều phi lý khó giúp chàng trai có thể tỏa sáng.
Cứu vãn duy nhất của bộ phim có lẽ đến từ nhân vật Ngọc do Hải Triều thể hiện. Anh khắc họa rất tốt nhân vật đồng tính có quá khứ đen tối. Những trường đoạn khóc hoặc chia sẻ của Ngọc rất nhập tâm, khiến người xem cảm động. Có lẽ Hải Triều chính là món tròn vị duy nhất trong “nồi lẩu thập cẩm” kém ngon của Lê Hoàng.
Những ai kỳ vọng vào sự trở lại của Lê Hoàng sau hai thất bại liên tiếp là Tối nay 8 giờ (2011) và Cát nóng (2012) hẳn sẽ cảm thấy chưng hửng khi theo dõi [S.O.S.] Sói trắng.
Rất nhạy bén trong đề tài, nhưng ông lại cho thấy tư duy làm phim của mình đã quá cũ kỹ, không theo kịp thời cuộc, nhất là trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, cả về chất và lượng.