Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đạo diễn Phùng Tiểu Cương: Đường dài mới biết ngựa hay

Bên cạnh Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca, Phùng Tiểu Cương được xem là một trong ba trụ cột của thế hệ điện ảnh thứ 5 tại Trung Quốc.

Trong thập niên 90, nếu Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca chinh phạt ở các liên hoan phim quốc tế, mang về các giải thưởng danh giá thì Phùng Tiểu Cương trở thành ông vua không ngai của phòng vé trong nước. Ông là đạo diễn phim Tết thành công số một của điện ảnh nước này trong những năm cuối thập niên 90.

Phùng Tiểu Cương sinh năm 1958, con trai của một giáo sư đại học và một y tá bệnh viện. Đam mê nghệ thuật và diễn xuất nhưng không có hình thức nên Phùng tham gia Đoàn Nghệ thuật Quân đội của Bắc Kinh với vai trò là... thiết kế sân khấu.

Dao dien Phung Tieu Cuong anh 1
Đạo diễn Phùng Tiểu Cương. Ảnh: SCMP

Ông vua phim Tết

Sau đó, ông trở thành nhà thiết kế mỹ thuật của Trung tâm truyền hình Bắc Kinh. Chỉ vài năm sau, Phùng chuyển sang làm biên kịch rồi lấn sân sang đạo diễn, thực hiện những bộ phim truyền hình dài tập. Một trong những phim truyền hình thành công nhất của Phùng Tiểu Cương là Người Bắc Kinh ở New York (1993).

Trong những năm đầu 90, khi hai đàn anh Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca gặt hái các giải thưởng quốc tế, Phùng Tiểu Cương chỉ lặng lẽ với danh phận một biên kịch, đạo diễn của các bộ phim nội địa, chủ yếu chinh phục khán giả trong nước.

Điểm nổi bật ở Phùng Tiểu Cương có lẽ là chất hài bình dân rất gần gũi với đời sống, con người và khiến khán giả luôn thấy mình ở trong đó. Trong cuối những năm 90, Phùng Tiểu Cương bắt đầu chuyển sang làm phim chiếu rạp để tung ra chiếu trong dịp tết Nguyên đán.

Một loạt phim nối tiếp nhau, từ Lost My Love (1994), The Dream Factory (1997), Be There or Be Square (1998), Sorry Baby (1999) đến Big Shot’s Funeral (2001), Cell Phone (2003) đều rất thành công về doanh thu trong dịp Tết.

Phùng Tiểu Cương khẳng định thương hiệu tại phòng vé nội địa Trung Quốc, thời thị trường điện ảnh nước này vẫn còn rất nhỏ bé và ít sự cạnh tranh. Hầu hết các bộ phim Tết của Phùng đều là phim hài trào lộng và thâm thúy.

Và phần lớn đều có sự tham gia diễn xuất của Cát Ưu, một “xú nam” từng đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại LHP Cannes năm 1994 với phim bi Phải sống của Trương Nghệ Mưu, nhưng chủ yếu lại kiếm tiền nhờ những bộ phim hài của Phùng Tiểu Cương.

Dao dien Phung Tieu Cuong anh 2
Phùng Tiểu Cương và diễn viên Cát Ưu. Ảnh: GQ

Jason McGrath, một giáo sư của trường Đại học Minnesota, cho rằng với những thành công đạt được tại thị trường đại lục và cạnh tranh trực tiếp với các bộ phim của Hollywood, Phùng Tiểu Cương đã thiết lập một mô hình giải trí kiểu mới cho thị trường điện ảnh lớn với tiềm năng chưa được khai phá này.

Đạo diễn triệu USD thời thị trường bùng nổ

Trong những năm đầu 2000, thị trường điện ảnh Trung Quốc bắt đầu phát triển với chính sách bảo hộ của nhà nước cho điện ảnh nội địa và sự gia tăng của các hệ thống rạp chiếu phim hiện đại. Các đạo diễn Trung Quốc chớp lấy thời cơ để chinh phục phòng vé, thiết lập các kỷ lục doanh thu.

Trong số đó có Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca với những bộ phim giả tưởng và càng ngày càng lạm dụng kỹ xảo, bắt chước các bộ phim bom tấn của Hollywood.

Khác với nhiều đạo diễn nội địa cuống cuồng để tìm chỗ đứng trong dòng chảy cuồng loạn của thị trường điện ảnh rồi dần dần mất chất, Phùng Tiểu Cương vẫn ung dung tự tại, mỗi năm chỉ làm một phim và chỉ chọn những đề tài gần gũi với thời cuộc hay bản sắc văn hóa của người dân.

Sau khi đã thành công với một loạt phim hài chiếu Tết, Phùng Tiểu Cương bắt đầu thử sức ở nhiều dòng phim khác nhau, từ hình sự tội phạm (Thiên hạ vô tặc) đến dã sử (Dạ yến), từ hài hước lãng mạn (Chỉ tiếp người thành ý), đến phim về đề tài chiến tranh (Hiệu lệnh tập kết), thảm kịch thiên tai (Đường Sơn đại địa chấn) hay thảm kịch lịch sử (Nạn đói 1942)...

Các bộ phim nói trên của Phùng Tiểu Cương đều thành công vang dội và đoạt các giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ trong nước.

Năm 2008, bộ phim hài lãng mạn Chỉ tiếp người thành ý với diễn xuất của Cát Ưu và Thư Kỳ ăn khách nhất năm nhờ những màn chọc cười trào lộng và duyên dáng kể về mối tình đũa lệch giữa anh chàng xú nam mới phất lên thành triệu phú (Cát Ưu) và cô nữ tiếp viên hàng không thất tình xinh đẹp (Thư Kỳ).

Dao dien Phung Tieu Cuong anh 3
Đường Sơn đại địa chấn của Phùng Tiểu Cương gây tiếng vang năm 2010. 

Năm 2010, Phùng Tiểu Cương khiến khán giả khóc hết nước mắt với bộ phim bi kịch Đường Sơn đại địa chấn, kể câu chuyện một gia đình phải ly tán sau trận động đất thảm khốc tại Đường Sơn vào năm 1976, thu về tới 108 triệu USD tại thị trường nội địa.

Các bộ phim sau đó của Phùng trở thành thương hiệu hốt bạc, dù là hài hay bi cũng thành công, như Personal Tailor (2013) thu về 115 triệu USD hay Tôi không phải Phan Kim Liên (2016) kiếm được hơn 70 triệu USD.

Khi xú lão đi làm diễn viên

Năm 2016, ngoài bộ phim Tôi không phải Phan Kim Liên góp phần đưa tên tuổi của Phạm Băng Băng thoát khỏi danh hiệu “bình hoa di động” trên màn ảnh, Phùng Tiểu Cương còn đóng vai chính trong một bộ phim có tên là Lão Pháo Nhi.

Cho dù Phùng không lạ với diễn xuất và đã đóng khá nhiều vai phụ trong các bộ phim hài do mình đạo diễn, việc xuất hiện với vai chính trong một bộ phim do người khác đạo diễn vẫn khiến nhiều khán giả bất ngờ.

Lão Pháo Nhi của đạo diễn Quản Hổ thành công rực rỡ về doanh thu, thu về 137 triệu USD tại thị trường Đại lục và đoạt khá nhiều giải thưởng điện ảnh, trong đó có giải Kim Tượng Nam diễn viên chính xuất sắc cho Phùng Tiểu Cương.

Trong phim này, Phùng Tiểu Cương đóng một vai dường như sinh ra để dành cho ông, một nhân vật giang hồ chọc trời khuấy nước trong quá khứ, nay về già trở thành kẻ thất thời lạc thế nhưng tuyệt nhiên vẫn không đánh mất khí chất của mình. Bộ phim là một ẩn dụ cho những kẻ như ông và đồng môn trong cơn đảo điên của thời thế.

Dao dien Phung Tieu Cuong anh 4
Không chỉ thành công trong vai trò đạo diễn, Phùng Tiểu Cương còn ghi dấu ấn diễn xuất với Lão Pháo Nhi

Cuối năm 2017, Phùng Tiểu Cương tiếp tục tung ra bộ phim mới, thu về 225 triệu USD.

Phùng Tiểu Cương là một chân dung kỳ lạ của điện ảnh Trung Quốc. Một kẻ xuất thân là thiết kế sân khấu trở thành biên kịch và đạo diễn lừng danh, một anh hề “xú nam” lại đoạt giải Kim tượng cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Một kẻ khiến khán giả được giải trí với những tiếng cười trào lộng, thâm thúy nhưng cũng có thể khuyến mãi khăn giấy để họ lau nước mắt trong một bộ phim sau đó. Phùng vẫn là một đạo diễn rất bình dân, nhưng bước đường sự nghiệp đang vượt qua Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca.

Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca: Cặp đạo diễn tài ba cùng ngã ngựa

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, nói đến điện ảnh Trung Quốc là nói đến Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca, hai đạo diễn lừng danh có công đưa phim nước này ra ngoài biên giới.





Lê Hồng Lâm

Bạn có thể quan tâm