Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đạo diễn Quang Dũng: 'Trí Nguyễn không khôn khéo'

Ngoài những khác biệt căn bản: quá cao và quá thấp, quá đẹp và quá... xấu, Việt kiều và “thuần Việt”…, đạo diễn Quang Dũng và diễn viên Johnny Trí Nguyễn có nhiều điểm chung khá thú vị.

Đạo diễn Quang Dũng: ''Trí Nguyễn không khôn khéo''

Ngoài những khác biệt căn bản: quá cao và quá thấp, quá đẹp và quá... xấu, Việt kiều và “thuần Việt”…, đạo diễn Quang Dũng và diễn viên Johnny Trí Nguyễn có nhiều điểm chung khá thú vị.

>>Dũng ''Khùng'': ''Tôi đang ở giai đoạn khó khăn''
>>ĐD Dũng khùng né tình cảm với dân trong giới
>>Dũng Khùng: ''Tính tôi dại gái số một''
>>Johnny Trí Nguyễn: ''Gu của tôi bắt đầu bị đồng hóa''

Khi Quang Dũng chưa làm đạo diễn, tên tuổi đã nổi như cồn, còn Trí Nguyễn chưa kịp định cư ở Việt Nam, tên tuổi và hình ảnh cũng đã “phủ” đầy các báo. Quang Dũng mời Trí Nguyễn tham gia bộ phim đầu tay của mình, còn Trí nguyễn đóng phim đầu tay do Quang Dũng đạo diễn. Không những thế, họ còn là những người bạn chí cốt. Nên chỉ cần nói đến Johnny Trí Nguyễn, Quang Dũng đã “khai pháo” trước, tất nhiên, luôn là những lời khen…

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng "“Làm dự án gì tôi cũng nghĩ đến Trí đầu tiên".

“Làm dự án gì tôi cũng nghĩ đến Trí đầu tiên. Với tôi, Trí có đầy đủ yếu tố của một diễn viên chuyên nghiệp và sự ổn định phong độ. Đạo diễn chọn Trí, chắc chắn đảm bảo được 7-8 điểm. Vì thứ nhất, diễn viên rất quan trọng ngoại hình, và Trí là người có ngoại hình tốt so với mặt bằng chung, điều đó không thể bàn cãi. Thứ hai, Trí làm việc rất chuyên nghiệp, biết lo và đầu tư cho vai diễn. Thứ ba, thường diễn viên phải có một kỹ năng nào đó, Trí có kỹ năng đặc biệt là võ thuật. Khi có kỹ năng đặc biệt, đạo diễn dễ xây dựng nhân vật đặc biệt… Ngoài ra, tôi thấy Trí có khả năng diễn hài tốt. Khi có ý nghĩ chọn Trí đóng vai hài ai cũng nghi ngờ. Vì xem những phim trước đây, nhiều người nghĩ Trí hợp với vai phản diện hơn, nhưng ẩn trong Trí là người có tố chất hài hước…”

“Làm cảnh hành động không có Trí, tôi rất bối rối”

- Anh khẳng định Johnny Trí Nguyễn có đầy đủ yếu tố của một nam diễn viên chuyên nghiệp. Vậy chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn của anh là gì?

- Trí chưa đóng phim ở Việt Nam, nhưng đã có tên tuổi. Tôi nhớ lúc đó mọi người sôi nổi bàn tán việc có anh Việt kiều từng đóng thế vai Người nhện về Việt Nam làm phim. Tôi muốn có một buổi casting để thử Trí cho vai Trương Ba (trong phim Hồn Trương Ba da hàng thịt).

Nhưng trước đây và cả bây giờ, mời những người có tên tuổi ở Việt Nam đi casting, họ thường bị shock, vì họ coi casting giống đi thi vậy. Trong khi làm việc chuyên nghiệp, ai cũng phải casting, không phải anh hay hay dở, mà xem anh có hợp với nhân vật đó không. Kể cả diễn viên cũng xem có hợp với cách làm việc của đạo diễn không. Nhưng tôi vẫn quyết định gặp Trí và đưa kịch bản tóm tắt.

Tôi nói Trí cố gắng đọc, nếu quan tâm thì tới casting, còn không thì khỏi tới mất công. Lúc đó Trí đọc tiếng Việt không rành, còn tôi mới làm phim đầu tay, chắc gì đã có uy tín với Trí. Nhưng không ngờ Trí phản hồi ngay. Điều đó làm tôi phục Trí.

Sau khi nhận lời đóng phim, chính Trí yêu cầu tôi có những buổi tập trước rất dài với các diễn viên khác. Khi làm việc, tôi lại phát hiện ra một khả năng nữa của Trí: Trước khi làm cái gì cũng tính toán rất kỹ, để khi ra trường quay đỡ mất thời gian. Trí rất siêng năng, lúc nào cũng nghĩ đến công việc và trách nhiệm của mình.

Đạo diễn Quang Dũng và Thanh Hằng, Trí Nguyễn

- Sự chuyên nghiệp rất cần. Tuy nhiên, với một nền giải trí chưa chuyên nghiệp, nếu vì chuyên nghiệp mà đi trước quá xa, có thể anh sẽ… không giống ai - điều khó chấp nhận ở thị trường Việt Nam. Anh “bênh” Trí Nguyễn xem?

- Không riêng Trí mà những người ở thị trường khác vào Việt Nam đều gặp khó khăn. Tôi có nghe một số người phàn nàn Trí hỏi tiền khi chụp hình cho báo chí. Đó là chuyện bình thường. Nhưng ở mình lại quan niệm được lên báo là may rồi. Thực ra chuyện này không bên nào đúng, cũng không bên nào sai, mà là thị trường của mình đang sai. Trí không dở, mà do không được khôn khéo.

Khi làm Nụ hôn thần chết (sau sự thành công của Dòng máu anh hùng), Trí cũng đòi mức lương rất cao, lương kiểu Hollywood. Lúc đầu mọi người bị “dội”, tôi casting thêm những diễn viên khác, nhưng không ai hợp vai. Đạo diễn làm công việc trả giá rất kĩ, nhưng vì diễn viên thường tin vào đạo diễn nói hơn, nên tôi phải đi làm công việc trả giá với Trí.

Tôi có gặp Trí và nói mức cát xê Trí đưa ra và mức mình có thể trả dược cách xa nhau rất nhiều, và nhấn mạnh: thứ nhất, đứng ở vai trò đạo diễn, tôi rất cần Trí. Thứ hai, tôi nghĩ tôi là người hiểu thị trường Việt Nam, và có thể yêu cầu trả cho Trí mức lương cao nhất so với các diễn viên khác ở Việt Nam. Tôi nói hết lòng, Trí hiểu và nhận lời. Tôi nghĩ, quan trọng là hai bên hiểu nhau và có cố gắng tìm đến nhau.

- Anh luôn nhấn mạnh sự chuyên nghiệp của Trí Nguyễn, nhưng lại ít khi đề cập đến khả năng diễn xuất. Trong khi khả năng diễn xuất của Trí nguyễn có rất nhiều bàn cãi: khen cũng có, chê cũng nhiều, trung dung cũng không ít. Anh nghĩ sao?

- Mình hay bị ác cảm với người đẹp, kiểu như đẹp bình thường diễn dở. Một ví dụ điển hình, chưa cần nghe Hồ Ngọc Hà hát, chỉ cần nói Hồ Ngọc Hà, nhiều người sẽ nói “Ôi người mẫu đi hát!”. Tôi thấy người đẹp thường bị thua thiệt ở điểm đó.

Phim hành động vốn được coi là thế mạnh của Trí Nguyễn.

- Là “con ghiền” phim hành động Mỹ, anh đánh giá thế nào về khả năng đóng phim hành động, vốn được coi là thế mạnh của Trí Nguyễn (Lưu ý: Sẽ không đánh giá theo chiều hướng “chột làm vua xứ mù”)?

- Trí là diễn viên hành động đẳng cấp quốc tế. Điều đó đã được chứng minh bằng những bộ phim Hollywood mà cậu ấy đã tham gia. Tuy nhiên, đặc điểm của phim hành động là phải đồng bộ. Người quay phim phải biết quay phim hành động, đạo diễn phải biết đạo diễn hành động, bạn diễn phải có khả năng tương thích, kỹ thuật phải hỗ trợ tối đa… Giống như có 10 ngàn, anh đập được cái lu, nhưng có 5 ngàn, anh chỉ đập được cái cốc.

Những ai hay xem phim Việt Nam, gần đến cảnh hành động là biết ngay, vì mấy gương mặt cascader quen thuộc bắt đầu xuất hiện. Nên khả năng đóng phim hành động của Trí đạt ở mức nào vẫn là điều bí ẩn. Nó có thể vượt qua Dòng máu anh hùng hay không, không ai biết, vì bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tôi tin, nếu Thành Long đóng phim với ê-kíp Việt Nam chắc cũng không làm được gì, vì không có người đánh võ cùng. Bản thân tôi cũng không nắm rõ diễn tiến của cảnh hành động, trong khi những pha đẹp rất quan trọng, nhưng sự an toàn còn quan trọng hơn. Nên khi làm cảnh hành động không có Trí, tôi rất bối rối.

“Trí thấy được điểm yếu của mình”

- Nói theo chiều hướng của anh, thì thế mạnh của Trí Nguyễn đã không hòa nhập được với môi trường điện ảnh Việt Nam?

- Chúng ta sẽ phải xây dựng. Không phải anh không hòa nhập được thì nhảy ra nước ngoài. Chưa chắc ra nước ngoài anh đã hòa nhập được. Có thể cả đời Trí không làm được điều cậu ấy hài lòng, nhưng có thể Trí xây dựng được ý thức ngoài năng khiếu diễn xuất, phải đi tập thể hình và học võ ở một số diễn viên?

"Trí làm việc rất chuyên nghiệp, biết lo và đầu tư cho vai diễn"

- Không chỉ đóng phim, Trí Nguyễn còn viết kịch bản "Dòng máu anh hùng” và lên sườn kịch bản “Bẫy Rồng”. Ở góc độ này, anh đánh giá thế nào về khả năng của Trí Nguyễn? Liệu nó có bị rơi vào tình trạng ngô nghê hay gồng cho ra bản sắc Việt Nam như những Việt kiều khác?

- Tôi và Trí cùng phát hiện ra một điều rất thú vị: Khi làm phim, hầu như Việt kiều nào cũng muốn làm sao cho giống Việt Nam. Còn những người làm phim Việt Nam lại cố gắng làm sao cho đừng giống Việt Nam, mà giống Hollywood, Hàn Quốc… Còn khán giả xem phim Việt Nam đã ngán, và chờ đợi những Việt kiều cho những món mới. Nhưng họ lại cho những món mà người xem đã có rất lâu. May mắn là Trí thấy được điều đó và Trí khôn ngoan khi chọn phim hành động. Vì phim hành động cả thế giới đều xem được: mắt nhìn đã, âm thanh hấp dẫn, ngôn ngữ vượt qua được nhiều phim đối thoại.

Điều này giải thích tại sao phim hành động luôn ăn khách nhất thế giới. Trong khi phim hài, tâm lý xã hội mang tính địa phương hơn, mà mỗi địa phương cách nhau rất xa về văn hóa. Minh chứng là phim hài của Pháp, người Việt coi rất khó. Khi viết kịch bản, mời người khác làm phó đạo diễn, ngồi chỉnh thoại, điều đó chứng tỏ Trí đã thấy được điểm yếu của mình.

Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân trong phim hành động Bẫy rồng

- Còn trí Nguyễn trong vai trò nhà sản xuất?

- Hầu như nhà sản xuất nào cũng bị đi quá xa so với dự toán ban đầu. Dòng máu anh hùng lúc đầu tính 800 ngàn đôla, cuối cùng ra 1,5 triệu đôla. Huyền thoại bất tử lúc đầu tính 300 ngàn đôla, nhưng lại ra 800 ngàn đôla. Thị trường Việt Nam rất kỳ cục. Nếu anh không phải người trong thị trường sẽ rất khó. Ngay cả tôi đi làm chương trình ở Hà Nội cũng gặp vấn đề này.

"Điểm yếu lớn nhất của Trí là cái gì cũng biết”

- Từ đầu cuộc phỏng vấn đến giờ, anh một mực, hết lòng, và dùng tất cả ngôn ngữ “chắc nịch” để khen Trí Nguyễn. Điều này rất dễ khiến nhiều người nghĩ anh đang không khách quan. Vì ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, và chắc chắn Trí Nguyễn không phải ngoại lệ?

- Điểm yếu lớn nhất của Trí Nguyễn là trong ngành điện ảnh, cái gì Trí cũng biết. Trí từng là quay phim, cascader, viết kịch bản, tổ chức sản xuất, và Trí còn có cả cái đầu đạo diễn. Cái gì cũng biết rất phù hợp với thị trường Việt Nam, vì khi thị trường chưa đồng bộ, chưa có người giỏi giúp những chuyện khác, coi như mình phải “bao sân”. Cái hay là mình sẽ làm được một số đúng ý và phụ được những khâu chưa chuyên nghiệp, nhưng nó rất nguy hiểm, vì bị mất sức và mất sự tập trung.

Tôi không so sánh chất lượng hai phim, nhưng so với Dòng máu anh hùng, Trí làm phim của tôi sẽ thoải mái và tập trung cho vai diễn hơn. Nhưng khi vừa làm sản xuất, chỉ đạo võ thuật, vừa đóng phim, sức người bị chia ra. Đoạn phim nào có vấn đề, ảnh hưởng đến việc Trí phụ trách, gương mặt thể hiện trên màn ảnh rất rõ. Một điều nữa là, không riêng Trí, mà những người bắt đầu đóng bằng cảm xúc thường rất tự nhiên. Nhưng qua giai đoạn hiểu về nghề sản xuất, họ bị nghề lấn át cảm xúc.

Theo Bưu điện Việt Nam

Theo Đẹp

Bạn có thể quan tâm