Cuộc gặp gỡ của người viết với đạo diễn Việt Tú diễn ra trong một chiều cuối năm, khi anh đang bận rộn với nhiều chương trình tổng kết năm cũ, chào năm mới. Những chia sẻ của người đàn ông sinh năm 1978 tưởng rất đơn giản nhưng lại khiến người ta phải suy ngẫm, trăn trở nhiều sau cuộc trò chuyện.
Việt Tú thẳng thắn trả lời mọi thắc mắc của người viết về việc sân chơi Bài hát yêu thích (BHYT) vừa khép lại khiến nhiều người tiếc nuối hay chuyện anh chẳng thèm dùng Facebook khi người người, nhà nhà đều có một trang mạng xã hội riêng hay chuyện thích giấu kín gia đình cho bản thân mình...
Đạo diễn Việt Tú sinh năm 1978. Anh học đàn clarinet từ nhỏ và đã tốt nghiệp ĐH Sân khấu - Điện ảnh ngành đạo diễn.
Chương trình lớn đầu tiên anh được giao trọng trách là dàn dựng lễ trao giải Sao Mai năm 2001. Sau đó, anh được chú ý khi làm đạo diễn chương trình giới thiệu album Nhật thực của Hà Trần, thực hiện các video của VTV Bài hát tôi yêu lần 1 cho các ca sĩ Thu Phương, Mỹ Linh... Giao thừa năm 2002-2003, Việt Tú đã đưa dàn nhạc giao hưởng gồm 150 nhạc công lên nóc khách sạn Melia (Hà Nội) để biểu diễn khi pháo hoa rực rỡ trên bầu trời.
Những năm vừa qua, anh là đạo diễn của những chương trình âm nhạc được nhiều người yêu thích như Con đường âm nhạc, Không gian âm nhạc, Bài hát yêu thích hay live show của Hồ Ngọc Hà...
Khán giả sẽ còn nhớ những phần trình diễn ấn tượng của BHYT
- Câu chuyện đầu tiên tôi muốn cùng anh chia sẻ là về chương trình BHYT. Anh cảm thấy như thế nào khi một chương trình gắn bó với tên tuổi của mình đã kết thúc sau 4 năm?
- Tôi cảm giác mình vừa kết thúc một cuộc hành trình rất thú vị. Trước BHYT, có nhiều người cho rằng tôi không thể hoặc không phù hợp với những dự án dài hơi. BHYT kéo dài 4 năm qua là câu trả lời cho những thắc mắc này.
Có thể nói cho đến thời điểm hiện tại, BHYT là một trong những chương trình rất quan trọng với tôi và ê-kíp của mình. Nó không chỉ mang lại cho chúng tôi cơ hội mỗi tháng được thể nghiệm những sáng tạo mới về chuyên môn, mà còn mang lại những giá trị về sự gắn kết không thể phủ nhận.
Bên cạnh đó, BHYT cũng là một phép thử với riêng cá nhân tôi về năng lực sáng tạo liên tục, trong một khoảng thời gian rất dài và không có quãng nghỉ. Có thể bạn không phải là người trong cuộc nên thấy mọi thứ rất bình thường, kể từ ngày tôi tiếp quản BHYT đã có gần 500 tiết mục của các nghệ sĩ được dàn dựng. Đó là chỉ với riêng BHYT, chưa kể các dự án khác mà tôi thực hiện song song.
Cho đến chương trình cuối cùng, tôi vẫn luôn bắt buộc bản thân mình làm theo nguyên tắc: mỗi chương trình BHYT cần có ít nhất từ 1-2 điểm nhấn được khán giả và nghệ sĩ tham gia chương trình nhớ đến.
- Anh có nghĩ rằng khán giả hiện tại thích xem và ngày càng bị hấp dẫn bởi các "chiêu trò" trong dàn dựng?
- Với tôi, nghệ thuật luôn mang trong mình những thông điệp của cá nhân. Cho dù sản phẩm nghệ thuât đó có như thế nào thì ngoài chuyện đẹp, nó phải mang một ý nghĩa nhất định. Các phần dàn dựng hay nói như cách phổ thông là "chiêu trò" luôn là một phần không thể thiếu với bất kỳ hình thức biểu diễn nào và BHYT cũng không phải là một ngoại lệ.
Có thể nói những phần dàn dựng đặc biệt, hay cách chúng tôi tạo ra những hình ảnh minh hoạ cho phần trình diễn (graphic) đã mang lại một nét riêng không thể trộn lẫn cho BHYT với bất kỳ chương trình nào khác.
Tôi tin rằng khán giả và các fan hâm mộ của các nghệ sĩ sẽ còn nhớ rất lâu những phần trình diễn ấn tượng của Đàm Vĩnh Hưng (Chiếc vòng cầu hôn), Tùng Dương (Chiếc khăn Piêu), Hồng Nhung (Ngẫu hứng sông Hồng) hay PAK Band (Chờ người nơi ấy)….trên sân khấu của BHYT.
Đạo diễn Việt Tú là người đã gắn bó với chương trình Bài hát yêu thích từ ngày đầu tiên tới chương trình cuối cùng. |
- Nhiều người nhận xét Việt Tú là đạo diễn rất đa năng khi góp mặt cả trong những chương trình có cá tính, rất sang trọng, hàn lâm lẫn những show bình dân. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Tôi nghĩ mình có thể làm bất kỳ dạng chương trình nào mà khách hàng đề nghị, bên cạnh các sản phẩm mang tính “nhận diện cá nhân”. Tôi cho rằng sự đa năng ở thời điểm hiện tại là một lợi thế của tôi trong thị trường giải trí.
Ở một khía cạnh khác, nếu tất cả chỉ chăm chăm làm những show hàn lâm, sang trọng thì ai sẽ làm chương trình đại chúng? Như thế mọi chuyện lại rơi vào vòng luẩn quẩn là những chương trình đại trà không thể nâng chất lượng lên được.
Tôi không có thói quen phân loại công việc kiểu hàn lâm hay bình dân mà chỉ phân loại giữa chương trình thành công hay thất bại. Tôi không giới hạn bản thân trong khung nào cả mà chỉ nỗ lực làm tốt nhất công việc của mình.
- Không "đóng khung" bản thân, vậy tại sao người hâm mộ hiếm khi thấy anh làm đạo diễn của các game show dù đây đang là trào lưu hot trên truyền hình?
- Thực ra nghề đạo diễn game show tôi đã làm từ lâu rồi. Năm 2006, tôi đã vào TP HCM làm đạo diễn hình ảnh cho các game show. Format chương trình đã có sẵn và công việc của mình chỉ làm chăm chút cho phần hình ảnh, dàn dựng. Nhưng lâu lắm rồi tôi không làm vì nhiều lý do, mà lý do chủ chốt là nó không nằm trong danh sách những hạng mục công việc mà tôi muốn phát triển.
- Anh là một trong số những đạo diễn được nhiều nghệ sĩ tên tuổi "chọn mặt gửi vàng" khi làm live show. Anh nghĩ nguyên do vì đâu mình được họ lựa chọn?
- Trên thực tế, hiện tại có ít đạo diễn nào đáp ứng được sức ép khủng khiếp của dạng công việc này, vì nó không phụ thuộc vào ý tưởng và kỹ năng chuyên môn đơn thuần.
Thị trường giải trí Việt Nam có những đặc thù rất riêng dẫn đến việc chỉ có một số ít người đủ khả năng mang đến thông số thành công cao cho mỗi chương trình. Trong công việc đạo diễn hiện tại, các kỹ năng quản trị và xử lý khủng hoảng cũng quan trọng không kém ý tưởng sáng tạo. Đây cũng là một trong những lý do chính dẫn đến việc trên thị trường không có nhiều đạo diễn thích nghi được với đặc thù này.
Bên cạnh đó, tôi chưa bao giờ sợ hãi khi sáng tạo, đồng thời không chấp nhận những sự lặp lại khi thực hiện các live concert. Đây cũng là điều mà các nghệ sĩ mong muốn khi họ tìm đến tôi cho dù họ là những nghệ sĩ hàn lâm, hay thị trường - theo cách mà mọi người vẫn đang định nghĩa.
- Anh có kén người để hợp tác không?
- Tôi có thể làm việc được với tất cả mọi người, và cho rằng kén chọn không phải là một ý tưởng tốt để phát triển công việc. Danh sách khách hàng của tôi vì vậy cũng rất đa dạng từ các doanh nghiệp nhà nước cho tới các thương hiệu cao cấp, từ các nghệ sĩ mà mọi người vẫn cho là hàn lâm cho tới các ngôi sao của thị trường. Bên cạnh đó tôi luôn cố gắng hoàn thiện kỹ năng quản trị và thương lượng và cho rằng đó cũng là một lợi thế của mình.
- Có phải vì thường cộng tác với những ngôi sao hàng đầu nên mức cát-xê của anh cũng ở khung hạng A?
- Tôi không biết người ta quy định từ bao nhiêu tới bao nhiêu là hạng A. Nhưng tôi tin chắc, bạn chẳng bao giờ biết được con số thật mà tôi hay bất cứ ai nhận được. Tôi chỉ biết là đã và đang nhận được đúng thứ mình muốn, còn ở hạng gì thì tôi không quan tâm lắm. Tôi hài lòng với những thứ mình nhận được vì nó xứng đáng với công sức lao động mình đã bỏ ra.
Facebook đem lại nhiều phiền toái
Đạo diễn Việt Tú là trường hợp hiếm hoi trong showbiz không sử dụng mạng xã hội. Ảnh: TL |
- Tại sao anh ít hé lộ chuyện đời tư, gia đình trên mặt báo?
- Nếu không nói về chuyện gia đình mà vẫn được quan tâm như hiện tại với tôi là quá đủ và như vậy chắc tôi sẽ tiếp tục... không nói gì (cười).
Trong cuộc sống, gia đình tôi có một số quy ước. Để cuộc sống gia đình bền chặt thì mình phải tôn trọng những quy ước chung. Tôi làm truyền thông cho bản thân mình để phục vụ công việc vì vậy mọi chuyện chỉ dừng lại khía cạnh công việc. Tôi không thích gia đình mình bị phơi bày trên mặt báo. Cảm giác không được riêng tư nó lạ lắm. Người lạ vào nhà tôi đi qua phòng khách, bước sang phòng bếp tôi đã không thích rồi chứ đừng nói là những vấn đề khác.
- Anh hình như là nghệ sĩ hiếm hoi không dùng Facebook hay mạng xã hội nào?
- Đôi khi tôi cũng thấy thiệt thòi khi không sử dụng Facebook. Ví dụ như khi đi xem một chương trình hay đâu đó mình có thể chia sẻ với bạn bè, hoặc cập nhật tình hình bạn bè ở xa.
Đôi khi tôi thấy mình rất lạc lõng vì bạn bè thì ầm ầm trên Facebook với nhau suốt còn mình thì lại trở nên lạ lẫm với họ. Có thể một ngày nào đó, tôi sẽ cần Facebook thực sự cho công việc của mình, tôi sẽ sử dụng chứ không máy móc. Còn hiện tại, với tôi, những gì phiền toái mà Facebook đem lại cũng nhiều không kém những thuận lợi nên tôi chưa sử dụng.
- Nhưng nói gì thì nói, Facebook hay mạng xã hội đôi khi còn là phương tiện cập nhật thông tin nhanh hơn cả báo chí?
- Đó là một sự thật không thế phủ nhận, chưa kể tiếng nói của bạn sẽ được lắng nghe nhiều hơn. Chỉ có điều đôi khi thế giới ảo làm cho bạn trở nên quên đi rằng điều không thể thay thế lại là những trải nghiệm thật.
Chúng ta sẽ không bao giờ có trải nghiệm thật nếu không từng đến không gian đó, nhìn ngắm và cảm nhận điều đó trực tiếp, nó giống như bạn đi đến tận nơi để xem một live concert thay vì xem qua DVD.
Tôi hay tranh luận với bạn bè về câu chuyện tôi thấy rất đơn giản trong vấn đề âm thanh. Ở nhà mình, tôi chỉ dùng âm thanh loa bluetooth nghe nhạc tải từ trên mạng xuống, còn các bạn bỏ ra rất nhiều tiền mua những bộ âm thanh hi-end để nghe nhạc. Kết quả cuối cùng cho thấy trên thực tế lúc ngồi nghe nhạc cùng nhau điều quan trọng là cảm xúc chứ không phải phương tiện kỹ thuật.
Quan điểm của tôi về nghệ thuật là trải nghiệm thật vì suy cho cùng hi-end cũng hướng đến mục đích tái tạo để mang đến cho chúng ta cảm xúc như thật đó. Như vậy, tôi chọn việc mình có dàn âm thanh vừa đủ để nghe nhạc và dành tiền đi vòng quanh thế giới để có được những trải nghiệm thật, cảm xúc thật.
- Anh không xài Facebook, vậy các con anh thì sao?
- Tôi không dùng chứ không cấm đoán mọi người phải theo mình. Cả nhà, trừ tôi đều có Facebook. Con gái lớn nhà tôi năm nay 12 tuổi cũng có một tài khoản riêng. Tôi nghĩ có Facebook không vấn đề gì nhưng các bậc phụ huynh cần giải thích kỹ với con cái lợi, cái hại nằm ở đâu và những gì cần đề phòng để các em bé có thể an toàn trên không gian mạng chỉ đơn giản vậy thôi.