Mong muốn của đạo diễn Việt Tú là đem sự kiện văn hóa Việt Nam trình diễn khắp thế giới.
Sự chuyển hướng trong sáng tạo nghệ thuật
Chuyển hướng từ các sự kiện thương mại sang làm show nghệ thuật dân tộc, cảm hứng của đạo diễn Việt Tú được bồi đắp bằng trải nghiệm cá nhân và cuộc gặp gỡ với nhân vật tầm thế giới.
Anh cho biết, ý niệm về văn hóa Việt Nam đã thấm nhuần nhờ những ngày thơ bé theo mẹ và đoàn múa rối nước Thăng Long (Hà Nội) lang thang vùng quê cổ tích của đồng bằng Bắc Bộ. Tuy vậy, ý niệm đó chỉ trở thành động lực để chuyển hướng sáng tạo khi anh gặp với nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới Tan Dun tại New York.
Tan Dun là người soạn nhạc bộ phim Ngọa hổ tàng long và cộng tác vô cùng thành công với Trương Nghệ Mưu ở Olypimpic Bắc Kinh). Trò chuyện cùng Tan Dun rồi tâm đắc với câu “Traditional is the world” (Truyền thống là thế giới), Việt Tú chọn việc quảng bá văn hóa Việt ra thế giới là kim chỉ nam.
“Tôi tâm niệm, văn hóa chính là quyền lực mềm. Và nhiệm vụ của người làm nghệ thuật không chỉ là giúp người nước ngoài nhận diện văn hóa Việt mà còn khiến họ thêm hiểu, yêu và đến với chúng ta nhiều hơn”, anh chia sẻ trong một buổi trò chuyện với sinh viên học viện Ngoại giao Việt Nam về văn hoá dân tộc.
Đạo diễn Việt Tú tại buổi nói chuyện với sinh viên học viện Ngoại giao Việt Nam về văn hoá dân tộc. |
Những ý tưởng còn ấp ủ
Đạo diễn Việt Tú đang từng bước thực hiện “nhiệm vụ” mà anh tự đặt ra cho bản thân thông qua nhiều hoạt động. Thực hiện vở Tứ Phủ, anh đã đưa lễ thờ Mẫu - di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận - làm trung tâm của tác phẩm.
Hình ảnh trong vở diễn "Tứ Phủ". |
Khi dàn dựng “Thuở ấy xứ Đoài”, anh đã mở ra cánh cổng ký ức nông thôn Bắc Bộ trên sân khấu.
Niềm khao khát của anh bây giờ là đem sự kiện văn hóa Việt Nam trình diễn khắp thế giới. “Tôi mong muốn một ngày nào đó dựng tượng chú Tễu tại quảng trường Trafalgar - thủ đô London, biến hồ nước ở quảng trường nổi tiếng này thành ao làng Việt cổ với luỹ tre, ruộng sen bát ngát”, anh hào hứng bật mí về mơ ước đang ấp ủ.
Hình ảnh trong vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam “Thưở ấy xứ Đoài”. |
Đạo diễn Việt Tú nói thêm: “Trong thời gian học tập về sân khấu và nghệ thuật đương đại tại New York, mỗi lần có sự kiện của các dân tộc khác diễn ra tại trung tâm của văn hoá thế giới, tôi luôn ước mơ một ngày nào đó cũng được thực hiện sự kiện văn hoá tương tự cho Việt Nam tại khắp nơi trên thế giới”.