- Năm qua, anh được nhớ đến nhiều nhất với live concert của Hồ Ngọc Hà. Năng lượng cho "cú ăn cả" đó được anh tích trữ trong bao lâu?
- Trên thực tế, đó là một trong nhiều dự án của ê-kíp chúng tôi năm qua. Điểm đặc biệt của Hồ Ngọc Hà live concert 2014 được triển khai trong một thời gian ngắn kỷ lục. Lý do rất đơn giản là cả ê-kíp ai cũng bận, đặc biệt là Hà.
Tôi không có khái niệm tích lũy năng lượng cho một việc cụ thể, mà chỉ có khái niệm luôn sẵn sàng năng lượng cho bất kỳ công việc gì, trong bất cứ thời điểm nào. Và cũng như một thói quen, với guồng công việc hiện tại, tôi cũng không có thời gian “ngủ” sau mỗi dự án - cho dù lớn hay nhỏ - để mà “tỉnh”.
- Anh luôn ca ngợi Hồ Ngọc Hà như một cô em xuất sắc trong nghề và ngược lại, cô ấy cũng ưu ái anh với nhiều mỹ từ. Vậy hai người giải quyết mâu thuẫn công việc như thế nào?
- Đó chỉ đơn giản là một thói quen của những người chơi thân với nhau, không có gì đặc biệt. Cho dù là cô em, hay ông anh, quan trọng nhất trong mọi mối quan hệ chính là được việc. Có lẽ cả tôi và Hà đều hiểu và hướng đến điều đó. Trong công việc, nếu tôi nhớ không lầm thì chưa có vướng mắc gì giữa tôi và Hà. Về cơ bản, người này tin tưởng người kia tuyệt đối. Bên cạnh đó, tôi nghĩ mình có khả năng thương lượng, dàn xếp với các “ca khó” nên không có vấn đề gì.
Việt Tú là người đứng sau thành công của live show Hồ Ngọc Hà. |
- Người ta bảo, chỉ Việt Tú mới "cân" được Hồ Ngọc Hà. Dù cô ấy là người cầu tiến, thích theo đuổi cái mới vẫn phải "dính" lấy anh. Anh nghĩ sao?
- Tôi nghĩ đơn giản là người ta có duyên với nhau. Có thể Hà thấy ở tôi một điểm gì đó phù hợp với chiến lược phát triển của cô trong thời gian này nên chúng tôi đồng hành. Giống như trước đây tôi hợp tác với Hà Trần hay Tùng Dương. Phải thừa nhận một điều, trong những ca sĩ tôi đã làm việc cùng, có hai người tôi thấy hợp nhất với mình ở nhiều khía cạnh là Hà Trần và Hà Hồ.
- Có ý kiến cho rằng anh là người bảo thủ, quyết liệt đến đáng sợ, đã thích là chơi đến cùng. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Tôi không bảo thủ, nhưng quyết liệt và cực đoan thì có. Tôi áp dụng sự cực đoan, khắc nghiệt với chính bản thân mình đầu tiên. Tôi luôn nghĩ, thà mình chết vì cái sai của mình còn hơn là chết vì cái sai của người khác.
Tôi vẫn nói với toàn bộ thành viên trong ê-kíp rằng mình sẵn sàng lắng nghe, thậm chí tranh luận bình đẳng với họ bất kỳ lúc nào. Chỉ cần họ chấp nhận với tôi một nguyên tắc: "Cãi không được thì phải làm". Ngược lại từ phía tôi, nếu không đủ lý luận để chứng mình với họ, tôi sẽ phải lắng nghe.
- Theo anh, với người làm nghệ thuật, cực đoan có gì tốt và xấu?
- Tôi luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có giá trị thương mại cao nhất. Cái gì cũng có hai mặt tốt xấu của nó, chứ không riêng gì việc cực đoan hay không. Mỗi người sẽ sử dụng “công cụ” cực đoan theo cách của riêng mình và cũng tuỳ bối cảnh để có được thành công hay thất bại.
Đối với dư luận, tôi luôn cố gắng giữ sự cân bằng, không cho phép mình quá lên với bất cứ lời khen chê nào. Tôi cho rằng dù đúng hay sai, thiện chí hay ác ý, những “viên đá” của dư luận luôn giúp mình có cơ hội nhìn nhận lại công việc. Chỉ có điều, tôi hy vọng khen hay chê, chúng ta cần cùng nhau thực hiện nó trên một nền tảng văn hoá cho phép.
Đạo diễn Việt Tú. |
- Đạo diễn chương trình ở Việt Nam, một là làm nhiều, hai là thương mại “lúc được, lúc không”; sự tôn trọng hay "quyền lực" cũng vô chừng. Nhìn ra thế giới, anh có thèm không?
- “Ăn cây nào, rào cây nấy”, tôi không có thói quen nhìn ra xung quanh để so sánh vì điều đó làm mình xao lãng, mất tập trung. Trong nghề này, tôi nghĩ thứ “quyền lực” lớn nhất mà bạn có thể tạo ra được chính là sản phẩm. Chừng nào còn tạo ra được sản phẩm, chừng đó bạn có thể yên tâm về “quyền lực” của mình.
- Hiện, nhà nhà "làm công ăn lương" trên ghế giám khảo, có người nói công việc này nhàn. Sao anh không "buông" ghế đạo diễn một thời gian để làm giám khảo?
- Tôi nghĩ nghề giám khảo giống như một phần thưởng nho nhỏ, thú vị cho những thành công mình có trong công việc đạo diễn. Nếu không làm đạo diễn, tôi cũng không biết làm gì khác. Chính vì vậy, đầu tiên phải giữ lấy nghề. Sợ nhất là lên tivi nói người khác thì hay, nhưng công việc của mình làm lại dở thì không ổn.
Bên cạnh đó, ở ta, nghề giám khảo vẫn mang nặng tính thời vụ, chủ yếu phục vụ cho việc làm hình ảnh của một nghệ sĩ hơn là thu nhập mang tính đảm bảo cuộc sống. Tôi nghĩ “đi bằng hai chân” vẫn tốt hơn “nhảy lò cò”.
- Hiện, anh và Tùng Dương là hai người đang giữ kỷ lục đề cử Cống hiến, cũng như kỷ lục số lần đoạt giải. Cảm nhận của anh thế nào?
- Tôi nghĩ đơn giản thế này, không nhất thiết phải đoạt mọi giải thưởng để chứng minh giá trị của một người nghệ sĩ. Nhưng thực tế, có vẫn tốt hơn không. Với mọi công việc, thường khi thực hiện, tôi không nghĩ đến chuyện sẽ lọt vào đề cử hay đoạt giải thưởng. Bởi điều đó làm chúng ta bị mất tập trung.
Cứ làm tốt, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật tử tế, tự khắc bạn sẽ được ghi nhận. Cá nhân tôi may mắn là không bị "vô duyên" với các giải thưởng. Những lời khen của mọi người nhắc nhở tôi rằng không phải ai cũng có được may mắn, vì vậy mình phải luôn trân trọng những gì đạt được.