Thổ dân Maori sinh sống tại New Zealand nổi tiếng với điệu nhảy haka truyền thống. Đàn ông Maori còn có tập tục dùng răng hoặc xương cá mập xăm lên mặt để thể hiện sự mạnh mẽ và thu hút phái nữ. Người dân bộ tộc này còn có cách chào hỏi khách lạ bằng cách lè lưỡi và trợn mắt. Các lễ hội màu sắc, nét văn hóa ẩm thực độc đáo cũng là điều thu hút khách du lịch tìm hiểu về đời sống người dân thổ Maori. |
Sử dụng bếp hangi là kiểu nấu ăn truyền thống được người Maori lưu truyền hàng nghìn năm qua và vẫn duy trì đến tận ngày nay. Theo tiếng thổ dân, hangi nghĩa là lò đất. Người Maori tạo ra bếp hangi bằng cách đào một hố lớn, đốt lửa, xếp thêm đá núi lửa (giữ nhiệt khi lửa tắt), sau đó đặt thức ăn lên trên, phủ thêm một lớp lá, lấp kín hố và hấp thức ăn trong 3 giờ. |
Các loại thịt được sử dụng để nướng bằng bếp hangi thường là thịt cừu, heo, bò, đi kèm rau củ như khoai tây, khoai lang, cà rốt, bắp cải... Khi nướng bằng bếp hangi, thịt có hương vị đặc trưng với bề mặt vàng ruộm, thịt mềm, không bị khô như nướng bằng than. |
Theo The Culture Trip, các dấu tích bếp hangi cổ của người Maori nhỏ hơn so với các bếp nướng trong lòng đất ngày nay. Bộ tộc Maori rất tôn sùng tự nhiên. Họ coi nguồn thực phẩm từ thiên nhiên như món quà tạo hóa ban tặng. Dân Maori chỉ lấy nguồn thức ăn từ biển và đất, luôn cầu nguyện sau khi sử dụng thực phẩm mới săn bắt, thu hoạch. |
Khi thổ dân Maori nướng thức ăn bằng bếp hangi, không ai được phép đi lại gần khu vực nướng vì thức ăn sẽ dễ hư hỏng. Bộ tộc lâu đời ở New Zealand cho rằng việc thức ăn nấu bằng lò nướng hangi bị hư hỏng là nỗi ô nhục đối với cộng đồng. Họ cũng tin khi bếp hangi hoạt động kém là dấu hiệu sắp xảy ra thiên tai, thảm họa. |
Ngày nay, người Maori hiện đại không dùng lá cây phủ thức ăn mà thay bằng giấy bạc để đảm bảo vệ sinh. Du khách muốn thưởng thức món ăn nướng từ bếp hangi chuẩn công thức thổ dân Maori có thể ghé thành phố Rotorua (New Zealand). Đây là nơi tập trung nhiều nhất người Maori ở New Zealand, cũng là cái nôi văn hóa lâu đời của bộ tộc này. |