Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đạo nhạc' ở Việt Nam: Người Hàn cũng 'bó tay'

Tổ chức quyền tác giả âm nhạc Hàn Quốc có nghe đến một số trường hợp đạo nhạc của Việt Nam nhưng không can thiệp được bởi đây là vấn đề của tác giả, chủ sở hữu.

Công nghệ phần mềm quản lý về bản quyền âm nhạc của Hàn Quốc cách đây 5 năm được đầu tư 3 triệu USD và sắp bị thay thế vì lỗi thời. Đây là con số đầu tư mơ ước đối với lĩnh vực bản quyền tác giả Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng.

1. “Trước đây chúng tôi chỉ có những phần mềm xử lý nhỏ lẻ nhưng 5 năm trở lại đây, chúng tôi đầu tư 3 triệu USD cho phần mềm quản lý về bản quyền âm nhạc. Song, so với sự phát triển tinh vi của nạn vi phạm bản quyền như hiện nay, chúng tôi phải tiếp tục nâng cấp hơn nữa trong thời gian tới mới có thể đáp ứng được thực tế" - đó là chia sẻ của ông Son Do Joon, đại diện Tổ chức quyền tác giả âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA).

Về nạn “đạo nhạc”, “nhái nhạc” Hàn đang trở nên ngày càng phổ biến ở Việt Nam, ông Son Do Joon cho biết: Tại Hàn Quốc chúng tôi có nghe đến một số trường hợp đạo nhạc của Việt Nam nhưng chúng tôi không can thiệp được bởi đây là vấn đề của tác giả, chủ sở hữu. Theo luật pháp Hàn Quốc, bản quyền một tác phẩm âm nhạc thuộc về tác giả sáng tác lời và tác giả sáng tác nhạc. Nếu các tác giả không lên tiếng hoặc ủy quyền lên tiếng, chúng tôi đứng ngoài cuộc.

Sơn Tùng M-TP - ca sĩ gây nhiều tranh cãi về hành vi “đạo nhạc” Hàn Quốc.

Cũng theo ông Son Do Joon, quá trình hợp tác giữa hai nước thời gian qua có nhiều thành công nhưng cũng không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là việc thỏa thuận quản lý bản quyền các tác phẩm khi các nghệ sĩ Hàn Quốc sang Việt Nam trình diễn. Phía Hàn Quốc cho rằng bản quyền bài hát, ca sĩ lúc đầu thuộc phía nhà sản xuất của Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện nay Hàn Quốc trao quyền quản lý tác phẩm đó cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC).

2. Cùng với sự đầu tư về kỹ thuật, công nghệ, KOMCA có nhân sự lên đến 200 người, được kiểm soát chặt chẽ và rõ ràng với từng lĩnh vực quản lý khi chia từng bộ phận quản lý: karaoke, nhà hàng, khách sạn. Luật pháp của Hàn Quốc xác định rất rõ bản quyền tác giả đối với từng đối tượng sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp cũng như khi có vi phạm xảy ra, các cơ quan quản lý có liên quan sẽ hợp tác hỗ trợ xử lý đồng bộ.

Trong khi đó, tại Việt Nam, bộ máy hoạt động của VCPMC vẫn đang cố gắng hoàn thiện cả về mặt con người và kỹ thuật. Tuy nhiên, như thông tin của nhạc sĩ Phó Đức Phương - GĐ VCPMC - riêng việc đàm phán và xác định giá trị bản quyền thu phí các chương trình truyền hình gặp nhiều khó khăn đến mức hiện nay, trung tâm phải sử dụng kỹ thuật "thủ công" bằng việc cắt cử nhân viên ngồi trực tiếp xem các chương trình truyền hình hàng ngày. Trong lĩnh vực nhạc số, Trung tâm cũng mới chỉ quản lý theo số lượng các tác phẩm website đang cung cấp chứ chưa quản lý được tần số sử dụng.

Điều đó cho thấy trước mắt, công nghệ đang là yếu tố hàng đầu cần được đầu tư trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Và ông Son Do Joon cho biết, Hàn Quốc rất sẵn lòng tạo điều kiện chuyển giao công nghệ cho Việt Nam nếu nhận được lời đề nghị.

 

KOMCA: tổ chức quyền tác giả âm nhạc Hàn Quốc thành lập từ năm 1964 đến nay có hơn 50 năm hoạt động với hơn 10.000 thành viên. Những năm gần đây KOMCA đạt doanh thu hàng năm trên 100 triệu USD.

KOMCA và VCPMC có hợp đồng song phương giao trách nhiệm và quyền hạn cho nhau trong việc bảo vệ lợi ích theo quy định luật pháp của các tác giả hai quốc gia trong các lĩnh vực sao chép và biểu diễn. Đến nay VCPMC chuyển trả cho KOMCA 3 tỷ 580 triệu đồng và đợt này tiếp tục chuyển 73 triệu, tổng cộng là 3 tỷ 653 triệu đồng (gần 174.000USD). 

http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/dao-nhac-o-viet-nam-nguoi-han-cung-bo-tay-n20150418075232931.htm

Theo Lam Anh/Thể Thao Văn Hóa

Bạn có thể quan tâm