Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã gây tác động xấu đến du lịch toàn cầu. Các nước đóng cửa biên giới, đường bay bị hạn chế, khách quốc tế sụt giảm mạnh khiến mọi hoạt động du lịch trì trệ. Hà Nội, trung tâm du lịch của Việt Nam, đang nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy này để phục hồi như trước khi có dịch.
Cân bằng lượng khách như trước dịch
Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát sau khi đợt dịch thứ 2 bùng phát từ 25/7. Tính đến nay, Hà Nội đã trải qua hơn 30 ngày không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Do đó, thị trường du lịch nội địa đang có điều kiện để tiếp tục phục hồi.
Đại diện Sở cho biết đơn vị kỳ vọng có thể đón lượng khách nội địa bằng khoảng 50-60% so với năm 2019 (tương đương 7,1-8 triệu lượt khách). Điều này sẽ tạo đà để ngành du lịch Hà Nội năm 2021 hoàn thành mục tiêu đón 70-100% khách so với năm 2019.
Hà Nội đặt mục tiêu cân bằng lượng khách nội địa như trước dịch. Ảnh: Duy Hiệu. |
Để làm được điều này, ngành du lịch đang tập trung tham mưu thành phố lựa chọn và ưu tiên những khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn. Qua đó, Sở Du lịch muốn biến các khu, điểm này thành nơi du lịch chất lượng cao.
Các sản phẩm thế mạnh của Hà Nội như du lịch di sản văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, làng nghề cần tiếp tục được xây dựng và khai thác. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch xây dựng các sản phẩm mới. Ngoài ra, đơn vị này cũng muốn đẩy mạnh phát triển du lịch về đêm và khai thác giá trị văn hóa, ẩm thực, ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử.
Những hướng đi cụ thể
Với mục tiêu đón lượng khách bằng 70-100% so với năm 2019, Sở Du lịch Hà Nội sẽ có nhiều điều cần làm trong thời gian tới.
Chất lượng nhân sự trong ngành du lịch được Sở chú trọng. Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Các khóa học này sẽ giúp cải thiện kiến thức, giáo dục thái độ, hành vi ứng xử cho người dân trên những địa bàn hoạt động du lịch.
Chia sẻ với Zing, đại diện Sở cho biết cơ quan này sẽ xây dựng các chùm tour kích cầu với các ưu đãi như hỗ trợ giảm giá, khuyến mại tặng quà, nâng cao chất lượng dịch vụ. Các sản phẩm thế mạnh của thủ đô sẽ được tập trung xây dựng và khai thác.
Trong thời gian tới, Sở cũng hỗ trợ một số điều kiện phù hợp để các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch. Hai huyện Mỹ Đức và Ba Vì có lợi thế lớn về cảnh quan, tài nguyên. Do đó, các sản phẩm kích cầu tại hai địa phương này cần được tập trung xây dựng dành riêng cho thị trường nội địa.
Ba Vì và Mỹ Đức là hai huyện có lợi thế cảnh quan ở Hà Nội. Ảnh: DulichBaVi. |
Một hướng đi khác cũng được Sở quan tâm là phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực. Các sản phẩm tại một số cơ sở ẩm thực tiêu biểu trên địa bàn thành phố sẽ giúp thu hút khách du lịch khám phá thủ đô.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ tập trung quảng bá các chương trình kích cầu, xây dựng ấn phẩm tuyên truyền về du lịch thủ đô an toàn.
Kế hoạch đón khách nước ngoài trở lại là một vấn đề lớn được nhiều người quan tâm. Sở Du lịch đã có kế hoạch hướng dẫn các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và điểm đến du lịch trên địa bàn chuẩn bị điều kiện đảm bảo phục vụ an toàn. Sản phẩm dịch vụ dựa trên lợi thế của từng đơn vị nhưng cần đổi mới và đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu của lượng khách quốc tế nhập cảnh thời gian tới.
Trong tương lai, các cơ sở lưu trú đủ điều kiện làm điểm cách ly trả phí có thể được mở rộng. Sở Du lịch cần tham mưu với UBND thành phố và Sở Y tế về vấn đề này.
Hiện tại, Chính phủ đã đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải. Các đường bay bao gồm: Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam - Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam - Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam - Đài Loan, Trung Quốc (Taipei), Việt Nam - Campuchia (Phnom Penh) và Việt Nam - Lào (Vientiane).
Các đường bay quốc tế mở lại tạo hy vọng khôi phục ngành du lịch. Ảnh: Việt Linh. |
Như vậy, thời gian tới, Hà Nội sẽ đón khoảng 6 chuyến bay quốc tế/tuần. Lượng khách khoảng 1.800-2.000 người. Mỗi người nhập cảnh sẽ cách ly trong 14 ngày. Do đó, thành phố cần đảm bảo ít nhất 5.000 giường khách sạn sẵn sàng làm nơi cách ly có trả phí.
Tính đến 15/9, thành phố đã có 8 khách sạn được phê duyệt làm nơi cách ly tập trung cho chuyên gia nước ngoài, tổ bay với số lượng 915 phòng, 1.354 giường. Công suất buồng phòng đạt gần 54%.
Ngoài ra, vấn đề phòng chống dịch bệnh cũng phải được đảm bảo nghiêm túc trong tình hình mới. Sở yêu cầu kiểm soát, theo dõi tình hình dịch bệnh gây ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ và quyền lợi cho du khách.
Thiệt hại nặng nề sau hai đợt dịch
Trong 9 tháng đầu năm, tổng thu từ khách du lịch tại Hà Nội chỉ đạt khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng. Con số này đã giảm gần 68% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm vào khoảng 50,5 nghìn tỷ đồng.
Sự sụt giảm về doanh thu của ngành du lịch đến từ việc mất lượng lớn khách quốc tế. Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm, lượng khách nước ngoài đến Hà Nội chỉ khoảng hơn 1 triệu lượt - giảm 77,6% so với cùng kỳ. Khách nước ngoài chủ yếu là khách công vụ, ngoại giao và người lao động. Trong giai đoạn này, khách nội địa đạt 5,68 triệu lượt - giảm 66,2%.
Du lịch Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng từ đợt dịch thứ hai. Ảnh: Duy Anh. |
Việc lượng khách sụt giảm kéo theo tình hình không mấy khả quan của các bên kinh doanh khách sạn. Giai đoạn 9 tháng đầu năm, công suất sử dụng phòng của khối khách sạn chỉ đạt 28% - giảm 42,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính tới 31/8, 950 cơ sở lưu trú đã dừng hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 16.000 lao động.
Các khách sạn cao cấp như Hilton, Hanoi Opera hay Melia... gặp khó khăn lớn do có đối tượng khách chính là người nước ngoài lưu trú. Tại các điểm du lịch, lượng khách sụt giảm đến 80% kể từ khi dịch bùng phát trở lại vào cuối tháng 7. Đa số đều là khách lẻ, không có khách đoàn.