Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đào tạo tiến sĩ kém vì ‘chiều lòng’ thị trường

TS Trần Vinh Dự nhận định, nghiên cứu tiến sĩ khó nhất nhưng ở Việt Nam lại chủ yếu dành cho người đi làm và theo kiểu tại chức.

Liên quan câu chuyện đào tạo tiến sĩ ngành khoa học xã hội đang thu hút sự chú ý của dư luận thời gian qua, TS Trần Vinh Dự cho rằng: Quy định về đào tạo tiến sĩ hiện rất mang tính thị trường, nhất là đào tạo tại chức.

Tiến sĩ khoa học xã hội kém vì bị… trói chặt

- Sau vụ lùm xùm về đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam chất lượng chưa cao (phần lớn với các ngành khoa học xã hội), nhiều người cho rằng do lỗi hệ thống. Quan điểm của ông thế nào?

- Mặt bằng khoa học ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Ở nước ta, khoa học tự nhiên phát triển tốt hơn, còn khoa học xã hội yếu hơn nhiều.

Điều này do một bên được cởi trói từ lâu, còn một bên bị "canh" rất chặt. Mặt bằng khoa học chưa tốt dĩ nhiên chất lượng đào tạo tiến sĩ bị ảnh hưởng.

- Theo ông, vấn đề bất cập lớn nhất về đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam là gì?

- Mặt bằng chung của khoa học ở Việt Nam là thực tế phải chấp nhận, không thể và cũng không nên kỳ vọng một nền khoa học tiên tiến.

Điều đáng nói là chúng ta có muốn tìm cách nâng dần mặt bằng ấy lên hay kéo xuống.

Nếu cơ sở giáo dục có giấy phép đào tạo tiến sĩ “làm ăn”, biện minh rằng thị trường cần nhiều tiến sĩ, nên tuyển sinh, đào tạo tràn làn để "kiếm chác", mặt bằng đó sẽ đi xuống.

Chuyện này xuất hiện ở nhiều nơi. Tôi thấy ít ý kiến nêu chuẩn đầu vào thấp đối với tiến sĩ, chỉ nghe người ta than thở chuẩn đầu vào cao quá nên khó tuyển sinh, chẳng hạn như ngoại ngữ.

Thêm nữa, quy định về đào tạo tiến sĩ cũng rất mang tính thị trường, nhất là đào tạo tại chức. Tiến sĩ đáng lẽ là khó học nhất, lại chủ yếu dành cho người đi làm và học theo kiểu tại chức.

Đương nhiên ai cũng hiểu nếu không quy định như vậy sẽ khó tuyển sinh. Nhu cầu của nhiều cán bộ đương chức đủ các cấp, bậc cũng dẫn đến ra đời quy định kiểu như vậy để đáp ứng. Cả câu chuyện cho “nợ” đầu vào tiếng Anh khi nộp hồ sơ dự tuyển… Đó đều là quy định “chiều lòng” thị trường.

Đấy là chưa kể các vấn đề tối tăm hơn nhiều như học hộ, thi hộ, viết luận án hộ. Dĩ nhiên đây chỉ là thiểu số, nhưng nói các trường, đặc biệt là thầy cô đào tạo hoặc hướng dẫn, không biết thì chắc chắn không phải. Họ biết nhưng vẫn làm ngơ vì lợi ích của mình, hoặc bị buộc phải làm ngơ vì lý do khác nhau.

Khi tiêu chuẩn học thuật không còn tôn nghiêm, được bảo vệ, mặt bằng sẽ bị kéo xuống. Đó là điều đáng lo lắng nhất, chứ không phải mặt bằng hiện giờ thấp hay cao.

dao tao tien si o viet nam anh 1
TS Trần Vinh Dự từng 

được Quỹ học bổng Harvard Yenching, thuộc ĐH Harvard tài trợ toàn bộ chi phí khi nghiên cứu chương trình tiến sĩ.

- Dư luận cũng cho rằng nhiều đề tài nghiên cứu tiến sĩ chưa xứng tầm và không có công bố quốc tế. Có đơn vị đầu ngành, trong 5 năm, chỉ có 22 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học - Institute for Scientific Information - ISI. Thống kê này nói lên điều gì?

- Mỗi ngành, lĩnh vực nghiên cứu có ranh giới (frontier), là những nghiên cứu mới nhất, chưa từng được đào bới. Nó là ranh giới giữa cái biết rồi và cái chưa biết của nhân loại.

Một nhà nghiên cứu thực sự phải đào bới trong ranh giới ấy và đẩy ranh giới những điều đã biết đi xa hơn. Tiến sĩ cũng thế, phải nghiên cứu và viết những gì thuộc ranh giới ấy, chứ không phải sao chép những thứ loài người đã biết.

Người ta tạo ra các tạp chí nghiên cứu có peer-review (đọc duyệt) là để liên tục xuất bản nghiên cứu mới nhất. Quá trình đọc duyệt nhằm loại trừ nghiên cứu kém chất lượng hoặc chủ đề đã được nghiên cứu rồi.

Vì thế, nói về mặt thống kê, nhiều xuất bản hơn tức là năng động hơn, anh lặn ngụp nhiều hơn ở cái ranh giới của khoa học. Nếu so giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên bằng con số, dĩ nhiên sẽ dẫn đến kết luận khoa học tự nhiên ở Việt Nam tốt hơn.

Tuy nhiên, so sánh như vậy cũng không công bằng. Chúng ta phải tính đến số lượng nhà nghiên cứu ở hai lĩnh vực, chưa kể như tôi nói ở trên, một bên được tự do từ lâu, còn một bên luôn bị quản rất chặt.

Tiến sĩ ở nước ngoài không muốn về nước

- Chất lượng tiến sĩ trong nước có phải là một trong những lý do khiến những người bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài không muốn về Việt Nam công tác vì phải “dưới trướng” người không giỏi?

Khoan hãy nói chuyện “dưới trướng” hay không. Một người thực sự muốn làm nghiên cứu phải có môi trường nghiên cứu thực sự. Cá không thể sống trên cạn.

Trong khi mặt bằng học thuật còn tương đối thấp, nhiều ràng buộc về tư tưởng, lực lượng nghiên cứu còn mỏng, thu nhập của người nghiên cứu thấp, dĩ nhiên những người học và làm nghiên cứu ở nước ngoài sẽ không muốn về Việt Nam, ít ra là không về toàn thời gian.

Tôi về Việt Nam không phải để nghiên cứu, mà muốn làm giáo dục dưới góc độ đầu tư. Tôi muốn đóng góp, dĩ nhiên là nhỏ thôi, để tạo ra môi trường tốt hơn cho những người đi học nước ngoài muốn quay về. Chuyện đó nói thì dễ mà làm không dễ.

- Ông có đề xuất gì để nâng chuẩn đào tạo tiến sĩ trong nước?

- Chúng ta không thể chờ các cơ sở đào tạo tự giác nâng chuẩn. Việc đó sẽ đến nếu chúng ta có hệ thống xếp hạng chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo thực sự tốt, công bằng, tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng tôi nghĩ, việc đó còn lâu mới đạt được.

Việt Nam cũng không thể tổ chức khảo thí đầu ra của nghiên cứu sinh được. Thế giới không làm vậy. Chỉ còn xét đầu vào thật chặt, nâng chuẩn đầu vào lên, đào tạo ít.

Việc đào tạo nên là toàn thời gian chứ không phải bán thời gian. Các nghiên cứu cũng phải công bố công khai và cũng không nên có nghiên cứu duy nhất. Tôi nhớ hồi làm nghiên cứu tại Mỹ, một luận án phải gồm 3 nghiên cứu độc lập, công bố lần lượt.

Dài hơi hơn, chúng ta cần cởi trói cho khoa học xã hội. Xây dựng môi trường tự do học thuật, tự do tư tưởng là sống còn nếu muốn phát triển khoa học xã hội. Anh không thể phát triển khoa học xã hội được khi mà nói cái gì cũng có thể bị nhắc nhở là nhạy cảm, cấm kỵ.

TS Trần Vinh Dự là Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng Việt Mỹ; Chủ tịch Đại học quốc tế Broward College Việt Nam.

Ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế (1999) và là giảng viên ĐH Kinh tế, thuộc ĐH Quốc Gia Hà Nội (1999-2001).

Ông từng tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế (2003) và tiến sĩ kinh tế (2007) tại ĐH Texas tại Austin (University of Texas at Austin), Mỹ.

Quá trình học và nghiên cứu tại đây, ông được Quỹ học bổng Harvard Yenching, thuộc ĐH Harvard tài trợ.

Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam ‘vàng thau lẫn lộn’

"Tình trạng tiến sĩ giấy đang gây tiếng xấu oan cho các nhà khoa học chân chính", TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ quan điểm.


Quyên Quyên thực hiện

Bạn có thể quan tâm