Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đào tạo tiến sĩ: 'Phải bỏ ngay những thủ tục ngớ ngẩn'

Đây là khẳng định của giáo sư Pierre Darriulat, người gửi thư ngỏ đến bộ trưởng Bộ GD-ĐT về những chuyện nhiêu khê, “không giống ai” trong quy trình đào tạo tiến sĩ Việt Nam.

Ngay khi trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ tại châu Âu, giáo sư Pierre Darriulat chia sẻ: "Khi gửi bức thư ngỏ đến bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi không kỳ vọng sẽ nhận được hồi đáp của ngài bộ trưởng, cũng không có ý đổ lỗi cho người đứng đầu ngành giáo dục về những bất cập mà người học ĐH, sau ĐH Việt Nam đang phải hứng chịu.

Giáo sư Pierre Darriulat, nhà vật lý hạt cơ bản nổi tiếng, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Pháp, nguyên giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), một công dân Pháp đã sống ở Hà Nội 15 năm qua.

TS Phạm Ngọc Điệp (Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân):

Giáo sư Pierre Darriulat là một nhà vật lý nổi tiếng thế giới. Giáo sư đã đến và làm việc tại Việt Nam cho đến nay đúng 15 năm, hoàn toàn không nhận một đồng tiền công nào từ Việt Nam.

Nhiều nước khác trong khu vực phải trả rất nhiều tiền để mời chuyên gia có kinh nghiệm đến làm việc cho họ - riêng chuyện này đã là đóng góp không thể đo đếm được.

Giáo sư quan tâm sâu sắc đến việc nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu, cũng như ngăn chặn nạn chảy máu chất xám đang diễn ra ở Việt Nam.

Giáo sư đã thành lập, xây dựng và duy trì một nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn, cho đến nay đã hoạt động trên 13 năm, với mục đích xây dựng ở Việt Nam một nhóm nghiên cứu có trình độ tương đương các nhóm nghiên cứu tại những nước phát triển.

Qua mô hình này, giáo sư muốn tạo ra ở Việt Nam những cơ sở để sinh viên trong nước có môi trường nghiên cứu tốt, có thể học tập và làm việc ngay tại Việt Nam và sinh viên du học ở nước ngoài khi trở về có nơi phù hợp để làm việc.

Điều mong muốn lớn nhất của tôi là giáo dục ĐH Việt Nam sẽ phải thay đổi xứng đáng với sự đổi thay của đất nước. Nhìn ra xung quanh sẽ thấy xã hội chỗ nào cũng đang phát triển mạnh mẽ, trong khi nhìn vào các trường ĐH thì thấy tệ quá. ĐH Việt Nam giống như trường cấp III mở rộng, chứ chưa thể hiện được đúng chất của một trường ĐH thực thụ.

Gắn bó, sống và nghiên cứu trong môi trường giáo dục Việt Nam15 năm qua, tôi đặt ra giả thiết nếu Việt Nam cởi bỏ được quy trình ngớ ngẩn, phức tạp, vô lý từ 10 năm trước thì chất lượng đào tạo ĐH đã khác. Sự khác biệt dễ thấy nhất là chí ít cũng có vài trường ĐH xuất sắc chứ không phải như bây giờ".

- Bộ GD-ĐT cho biết đang kiểm tra các trường hợp mà giáo sư đề cập trong thư ngỏ, những nghiên cứu sinh thực hiện luận án theo phương thức đồng hướng dẫn, một bên là Pháp, một bên là Việt Nam, cuối cùng lại chỉ nhận được bằng của nước ngoài mà vướng các thủ tục nên chưa nhận được bằng của Việt Nam...

- Tôi không quan tâm đến việc giải quyết những trường hợp cụ thể đó. Điều tôi quan tâm là phải giảm bớt đi những thủ tục ngớ ngẩn, gây phiền nhiễu cho các nhà khoa học chân chính bao nhiêu năm qua. Nó khiến nhiều nhà khoa học, nhà quản lý phải làm những việc vô ích mà chẳng làm tăng thêm chút gì cho chất lượng giáo dục.

Đúng là có những bất cập, bức xúc trong giáo dục không thể thay đổi được ngay, nhưng những thủ tục phức tạp đến vô lý này có thể dỡ bỏ ngay một cách dễ dàng, mà bao lâu nay vẫn không có chút gì thay đổi cả. Quy trình nặng nề chỉ kéo theo những thủ tục mang tính hình thức, dối trá.

Thủ tục bảo vệ luận án còn nặng về hình thức

Giáo sư Pierre Darriulat chia sẻ ông có rất nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn và đánh giá luận án tiến sĩ tại nhiều nước châu Âu và châu Mỹ, nhưng chưa bao giờ gặp “những quy định phức tạp giống như ở Việt Nam” và cũng chưa bao giờ cảm thấy “những nhà quản lý học thuật lại thiếu niềm tin vào người hướng dẫn như Việt Nam”.

- Trong thư ngỏ, giáo sư có nói cách để chống lại gian dối là phạt thật nặng tác giả của nó chứ không phải làm cho cuộc sống của những người trung thực trở nên khốn khổ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng giáo dục Việt Nam vẫn còn không ít “góc khuất”, không có hàng rào, cơ quan quản lý sẽ không quản nổi chất lượng...

- Việt Nam là một quốc gia tuyệt vời, xứng đáng có những trường ĐH lớn, có nền khoa học tốt hơn, nhưng lâu nay Bộ GD-ĐT chưa giúp gì nhiều cho sự thay đổi này. Việc đặt ra hàng rào kỹ thuật bằng nhiều thứ luật lệ khiến Bộ GD-ĐT chỉ đóng vai một anh cảnh sát, chứ không làm đúng chức năng của cơ quan quản lý là phải làm trong sạch môi trường giáo dục.

Ở nước ngoài, một người bị phát hiện có sự gian dối trong khoa học bị đuổi việc, không có cửa trở lại trường ĐH, không bao giờ được giảng dạy nữa. Vậy mà ở VN tôi đã chứng kiến có trường hợp sau khi phát hiện gian dối vẫn làm việc bình thường, không bị xử lý gì.

Rồi có trường hợp học viên rất lười biếng, khi đánh giá luận văn tôi chấm điểm 7, nhưng cơ sở đào tạo lại khăng khăng học viên đến từ bộ môn vật lý lý thuyết, một bộ môn lâu nay chỉ toàn... chấm điểm 10.

Tôi đề nghị điểm 8 nhưng không được chấp thuận, nên đành phải nhượng bộ viết nhận xét và chấm 9 điểm. Nhưng đó vẫn chưa phải kết quả cuối cùng vì khi ra hội đồng, điểm số lại vọt lên bất ngờ, không đúng với giá trị thực của nghiên cứu. Tôi thật sự cảm thấy thất vọng.

Bộ trưởng biết rõ những bước chính để có thể nhận được bằng tiến sĩ ở VN là:

1 Trình bày trước hội đồng gồm ba thành viên sáu chuyên đề liên quan đến luận án: trực tiếp (ba chuyên đề) và gián tiếp (ba môn học phần tiến sĩ).

2 Trình bày trước hội đồng gồm bảy thành viên, nếu thành công luận án sẽ được đề nghị bảo vệ ở cấp tiếp theo.

3 Luận án sẽ được phản biện bởi hai phản biện kín, để đi đến bước tiếp theo luận án phải có được nhận xét tích cực từ hai phản biện này.

4 Thêm vào đó, nghiên cứu sinh phải chuẩn bị 50 bản tóm tắt luận án để gửi tới một danh sách các chuyên gia và phải thu lại được ít nhất 15 nhận xét tích cực.

5 Cuối cùng luận án được chấm trước một hội đồng gồm bảy thành viên, trong đó bao gồm ba phản biện và luận án sẽ được đánh giá bằng bỏ phiếu.

Đối với ngành thiên văn vô tuyến, lĩnh vực mà chúng tôi đang nghiên cứu, ở VN chỉ có hai chuyên gia là giáo sư Đinh Văn Trung ở Hà Nội và Phan Bảo Ngọc ở TP.HCM.

Cả hai đều là những người được biết đến trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Điều này làm cho việc phản biện kín trở nên khá hài hước, đấy là chưa nói đến 50 chuyên gia đề cập ở bước 4. Trong trường hợp đồng hướng dẫn, đối với đại học ở nước ngoài, chỉ cần bước thứ hai là cần và đủ.

(Trích thư ngỏ của giáo sư Pierre Darriulat gửi bộ trưởng Bộ GD-ĐT)

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, phụ trách quản lý mảng đào tạo sau ĐH Bộ GD-ĐT - nhận định: "Nếu đơn thuần chỉ là so sánh quy trình đào tạo tiến sĩ ở VN với quy trình tương đồng tại một số nước phát triển khác thì chúng tôi cũng đồng ý với ý kiến của giáo sư Pierre Darriulat: quy trình của VN thuộc diện phức tạp và có một số nước cũng phức tạp như chúng ta".

- Trong thư ngỏ, giáo sư Pierre Darriulat cho rằng “cách để chống lại gian dối là phạt thật nặng những tác giả của nó, chứ không phải làm cho cuộc sống của những người trung thực trở nên khốn khổ”. Với thực tế hiện nay của Việt Nam, liệu có thể thay đổi theo hướng này không, thưa bà?

- Bộ GD-ĐT luôn tin tưởng rằng đa số các thầy hướng dẫn, thành viên hội đồng chấm đều trung thực, tâm huyết. Chúng tôi rất hiểu và đồng ý với quan điểm “cách để chống lại gian dối là phạt thật nặng những tác giả của nó...” chứ không nên quy định quá nặng về quy trình, thủ tục sẽ có thể dẫn đến đối phó.

Thực tế thì không nhà quản lý nào có thể bằng quy định thủ tục mà “rào kín” tất cả ngả đường tiêu cực nếu như không có sự tự giác của chính những người trong cuộc...

Hiện nay Bộ GD-ĐT đang phối hợp với một số cơ sở đào tạo xây dựng phần mềm chống đạo văn để hỗ trợ việc chống gian lận trong đào tạo sau ĐH và nghiên cứu khoa học. Việc phạt thật nặng chỉ là biện pháp cuối cùng, đối với một số chủ thể chưa tự giác.

Đó cũng là cách ứng xử của hầu hết các nước phát triển với vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm các quy định về đào tạo tiến sĩ nói riêng.

Việc tăng nặng chế tài đối với hành vi gian dối cũng là hướng điều chỉnh cần thiết, nhưng khi các quy định khác chưa thay đổi thì khi thực hiện vẫn phải phù hợp với khung pháp luật về xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính... hiện hành.

- Với những bất cập hiện hành, các quy định có tính hành chính trong quy trình đào tạo tiến sĩ sẽ được điều chỉnh thế nào trong thời gian tới, thưa bà?

- Bộ GD-ĐT đang tiến hành sửa đổi, bổ sung cả quy định về mở ngành đào tạo và quy chế đào tạo tiến sĩ để xem xét lại các chuẩn trong quản lý đào tạo nhằm chú trọng chất lượng, dần tiếp cận chuẩn quốc tế và tiếp tục đảm bảo quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo.

Bộ cũng xem xét nghiêm túc thủ tục nào thật sự cần thiết trong quản lý đào tạo theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính, phù hợp với điều kiện Việt Nam và phải đạt hiệu quả quản lý. Bộ GD-ĐT thật sự mong muốn quy chế đào tạo chỉ cần quy định đơn giản về thủ tục mà vẫn đạt được hiệu quả quản lý, mong muốn có môi trường, ý thức tuân thủ... để thực hiện được điều đó.

Tuy nhiên, khi còn có chủ thể chưa tự giác, muốn có đủ căn cứ, chế tài mà “phạt thật nặng” những người vi phạm thì quy chế lại phải quy định tương đối chi tiết. Đó là bài toán không dễ có ngay lời giải mà chúng tôi cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định để quản lý hiệu quả vấn đề này.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140908/dao-tao-tien-si-phai-bo-ngay-nhung-thu-tuc-ngo-ngan/642805.html

Theo Ngọc Hà/Báo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm