Thạc sĩ, lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội, cho hay mật ong có tác dụng sát trùng và kháng khuẩn nên nhiều người cho rằng bôi chúng lên vết thương hở sẽ có tác dụng diệt trùng. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo không nên dùng phương pháp này bởi mật ong hiện nay trên thị trường không đảm bảo chất lượng. Khi đó, chúng sẽ gây phản tác dụng, gây nhiễm khuẩn. Tương tự, dùng đường để bôi vào vết thương chỉ làm gia tăng bội nhiễm.
Bôi mật ong vào vết thương hở không tốt. Ảnh: Boldsky. |
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Xuân Khoát, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện 198 (Hà Nội), cũng cho biết từng tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm trùng khi dùng như thuốc bôi theo truyền miệng như nước mắm, đường, kem đánh răng,…
Theo bác sĩ, nếu không xử lý đúng cách, từ những vết thương rất nhỏ rất dễ nhiễm trùng khu trú, hoại tử, uốn ván, nặng và hiếm gặp hơn là nhiễm trùng lan tỏa và nhiễm trùng yếm khí. Những nhiễm trùng này có nguy cơ gây tử vong.
Do đó, khi bị thương trầy da, chảy máu nhẹ, người dân cần rửa vết thương bằng nước sạch hoặc dưới vòi nước có áp lực để pha loãng vi khuẩn và đẩy chất bẩn ra ngoài. Nếu vết thương ra máu và nhiều bùn, đất, cát, có thể dùng oxy già để sát khuẩn, đẩy các hạt bụi, cát bẩn và cầm máu.
Những vết thương hở, chảy nhiều máu nên dùng tay ép vào vết thương liên tục trong ba phút để cầm máu, dùng vải sạch băng chặt vết thương.
Lúc này, tuyệt đối không được đắp bất cứ vật gì lạ lên vết thương như đường, kem đánh răng, thuốc lá, lá cây, vì sẽ làm bẩn thêm vết thương và đưa vi trùng vào cơ thể. Ngoài ra, người dân cũng không được bôi cồn trực tiếp vào vết thương vì sẽ làm tổn thương mô.
Với vết thương hở nặng, người dân cần đến khám tại các cơ sở y tế để được dùng kháng sinh và tiêm ngừa uốn ván.
Khi điều trị vết thương cần tuân theo quy trình: cầm máu, sát trùng, xử lý để vết thương mau lành và chống sẹo. Ở giai đoạn cầm máu, các thầy thuốc đông y hay sử dụng cỏ mực, bột gạo, lá trắc bá diệp… nhưng phải qua xử lý (ví dụ bột gạo phải đảo sơ để nguội, cỏ mực phải rửa sạch bằng nước muối rồi giã nát), không sử dụng khi đang còn bẩn.
Sau khi cầm máu, nên sát trùng vết thương. Nhiều người hay xé thuốc lá, mật ong, nghệ để đắp lên vết thương nhưng điều này không cần thiết, thậm chí còn gây nhiễm khuẩn.
Với nghệ, lương y cho biết việc bôi chúng vào vết thương hở và mới sẽ rất nguy hiểm, dễ gây dị ứng, có thể làm vết thương thêm trầm trọng hoặc gây loét vùng da non tại vết thương. Khi vết thương chưa kịp kéo da non, nếu bôi nghệ vào sẽ khiến vết sẹo sau này đen bóng lại. Chỉ nên thoa nghệ khi vết thương đã kéo da non (cảm giác ngứa ở vết thương) sau khi rửa sạch.