Mặc dù liên hệ trước 1-2 tháng, nhiều người trẻ vẫn không tìm được địa điểm tận hưởng đêm lễ hội. Ảnh: Cottonbro Studios/Pexels. |
Vừa làm việc, Bảo Hà vừa lướt mạng xã hội để tìm kiếm địa điểm hẹn hò đêm 31/12. Với mong muốn được ngắm pháo hoa, nhân viên văn phòng này và người yêu muốn đặt chỗ tại một nhà hàng skyview để có tầm nhìn từ trên cao.
"Tôi tìm chỗ trước hàng tháng trời, không ngờ vẫn gặp phải tình trạng này", cô kể.
Thậm chí, Bảo Hà còn nhắn nhủ một số nhà hàng hãy thông báo nếu khách khác hủy bàn. Cô sẵn sàng đặt cọc trước vài triệu đồng nhằm giữ chỗ, tuy nhiên vẫn không dám hy vọng nhiều.
"Năm ngoái, dường như do mọi người còn lo ngại dịch bệnh, tôi đặt bàn dễ dàng hơn. Năm nay, tôi và bạn trai lo rằng khó có cơ hội ăn tối và ngắm pháo hoa", cô tâm sự với Zing.
Chật vật tìm nơi tiệc tùng
Bảo Hà cho biết một tối hẹn hò dịp lễ, Tết của mình thường bao gồm 2 hoạt động chính là đi ăn và đi uống. Cô và người yêu thường chọn một nhà hàng kiểu Âu và một quán cocktail bar để vừa thưởng thức những ly vang đỏ, vừa trò chuyện. Tổng chi phí cho 2 người khoảng 3-5 triệu đồng.
Bảo Hà và người yêu lo lắng vì không tìm được địa điểm hẹn hò đêm giao thừa. |
"Bây giờ, đặt bàn tại một nhà hàng thôi đã rất khó khăn. Việc giữ chỗ tại 2 địa điểm cho một buổi tối trọn vẹn là nhiệm vụ bất khả thi", cô nói.
Theo nữ nhân viên văn phòng, nhiều nhà hàng đăng tải bài viết quảng cáo trên mạng xã hội và đưa ra các chương trình giảm giá hấp dẫn cho ngày lễ cuối năm.
Tuy nhiên, khi liên hệ trực tiếp, cô vẫn phải nhận lời xin lỗi vì hết bàn.
Một vài cơ sở nổi tiếng thậm chí không nhận đặt bàn. Họ cho biết muốn đón tiếp khách vãng lai để không phải giữ chỗ.
"Khách đặt chỗ thường đến trong một khung giờ nhất định. Cụ thể, nếu khách hàng đặt lịch lúc 19h. Nhà hàng không thể nhận bàn khác lúc 18h30. Vì thế, nhiều địa điểm tôi thích chỉ ưu tiên phục vụ khách vãng lai", cô cho biết.
Năm ngoái, Bảo Hà đã giải quyết khó khăn này bằng cách đưa ra quyết định mạo hiểm. Cô và người yêu chọn một nhà hàng nhỏ, mới mở để tận hưởng buổi tối cuối năm.
Tuy nhiên, trải nghiệm tại đó khiến cô ái ngại đến tận bây giờ. Nhà hàng có quy mô tương đối nhỏ nên không thể phục vụ số lượng lớn khách hàng một cách chu đáo. Hà và người yêu đã phải chờ tới 45 phút để được thưởng thức bữa tối.
"Với tình trạng khó giữ chỗ tại các nhà hàng như hiện tại, tôi dự định sẽ gọi đồ ăn về nhà hoặc nấu nướng tại nhà", cô cho hay.
Hoàng Nam gặp nhiều rắc rối trong quá trình đặt tiệc tất niên cho công ty. |
Trong khi đó, Hoàng Nam (25 tuổi, quận 1, TP.HCM) lại rơi vào tình huống "mừng hụt" khi đặt bàn cho tiệc tất niên của công ty.
Với tổng ngân sách 50 triệu đồng cho 35 người, anh chọn một gastro bar quen thuộc. Đây là nơi phục vụ cả đồ ăn và đồ uống, phù hợp với nhu cầu vui chơi của tập thể nhân sự.
"Ban đầu quán nhận lịch hẹn của tôi. Nhưng khoảng 3 ngày sau, quản lý gọi điện hủy bàn với lý do không nhận nhóm đông người trong đêm Giáng sinh. Tôi rất giận vì biết rằng họ muốn tiếp đón nhiều lượt khách hơn trong ngày lễ", Hoàng Nam chia sẻ.
"Chín người mười ý", nam nhân viên văn phòng buộc phải xin lại ý kiến từng nhân sự để chọn ra địa điểm khác cho tiệc tất niên. Quy trình này tốn khá nhiều thời gian.
Sau khi liên hệ với khoảng 5-7 đơn vị, Nam mới nhận được xác nhận đặt chỗ thành công từ một nhà hàng. Anh biết đây không phải quán bar mà tất cả đồng nghiệp ưa thích. Tuy nhiên, mọi người đều hiểu không còn lựa chọn nào khác.
Không chỉ chịu trách nhiệm sắp xếp sự kiện tất niên cho cơ quan, Hoàng Nam còn là người tổ chức bữa tiệc cuối năm cho hội bạn thân. Nhóm của anh gồm 5-7 người, việc tìm địa điểm vui chơi dường như dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, Nam không ngờ đến vấn đề phát sinh. Cụ thể, quán bar mà anh đặt lịch đưa ra yêu cầu đặt cọc trước.
"Nhóm chúng tôi chưa chốt số lượng thành viên tham gia buổi tiệc. Vì vậy, tôi không thể kêu gọi tất cả đóng góp tiền cọc. Là người đặt chỗ, tôi đành ứng tiền ra trước", Nam ái ngại.
Theo Hoàng Nam, hầu hết nhà hàng, bar, pub đều yêu cầu khách hàng cọc tiền giữ chỗ trong ngày lễ. Anh đã phải bỏ ra 2 triệu đồng để đảm bảo được phục vụ dịp này.
Cái khó của ngành dịch vụ ăn uống mùa lễ hội
Đang giám sát một chuỗi quán bar, Duy Hiển (29 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết đây là thời gian cao điểm trong năm của ngành dịch vụ ăn uống. Các quán mà Hiển quản lý đều đã gần kín yêu cầu đặt chỗ vào đêm Giáng sinh, giao thừa...
Anh cho biết khách hàng tổ chức sự kiện lớn thường liên hệ trước 2 tháng. Các đôi hoặc hội nhóm hay đặt bàn trước 2 tuần - một tháng.
Các bar, pub do Duy Hiển giám sát đã gần kín bàn các ngày lễ lớn. |
"Châm ngôn của chúng tôi là ‘First come, first served’ (Tạm dịch: 'Ai đến trước được phục vụ trước'). Vì thế, nếu khách hàng thân thiết đặt chỗ muộn, chúng tôi cũng buộc phải cáo lỗi", Hiển chia sẻ.
Mức giá đặt cọc cho các loại bàn cũng khác nhau. Cụ thể, khách đặt chỗ tại quầy bar phải cọc 500.000 đồng. Khách hàng chọn bàn đứng phải bỏ một triệu đồng giữ chỗ. Đối với những bàn gần sân khấu, số tiền này là 2 triệu đồng.
Theo chia sẻ của Hiển, việc vận hành quán trong ngày lễ cũng không phải vấn đề đơn giản. Các quán anh giám sát đều cung cấp bàn chờ cho khách hàng chưa đặt lịch. Đồng thời, nhân viên cũng phải liên tục kiểm tra khách đặt chỗ nhưng không tới. Bàn sẽ chỉ được giữ tối đa 30 phút sau thời gian hẹn lịch.
Duy Hiển cho biết hoạt động quan trọng nhất những ngày này là điều phối nhân sự. Hầu hết nhân viên từ bartender, chăm sóc khách hàng đến lễ tân đều phải tăng ca.
"Tôi hiểu và thông cảm cho sự vất vả của nhân viên dịp lễ, Tết. Mặc dù lương được tăng gấp 2-3 lần, nhân sự của tôi phải bỏ bữa và không có thời gian nghỉ ngơi. Mỗi ca làm thường kéo dài 10-12 tiếng", Hiển tâm sự.
Nhân viên ngành dịch vụ ăn uống phải tăng ca, bỏ bữa để phục vụ khách hàng dịp lễ hội cuối năm. |
Làm việc tại một nhà hàng tại trung tâm quận 1, TP.HCM, bếp trưởng Phan Minh (30 tuổi) đồng tình với Duy Hiển. Anh cho biết hiện nay nhà hàng của anh đã kín bàn đặt trong các ngày lễ lớn.
Đội ngũ nhân sự đang tiến hành trang trí Giáng sinh và chuẩn bị menu ngày lễ. Một số khách hàng tổ chức sự kiện cuối năm yêu cầu menu riêng phải làm việc trực tiếp với đầu bếp trước 2 tuần.
"Không phải cứ liên hệ đặt lịch là xong. Chúng tôi cần trao đổi kỹ lưỡng với khách hàng để tránh sự cố trong những dịp đặc biệt", Phan Minh chia sẻ.
Mặc dù toàn bộ nhân viên nhà hàng đã "lên dây cót" tinh thần trước đêm lễ hội, Minh cho biết nhiều vấn đề ngoài tầm kiểm soát vẫn xảy ra. Số lượng khách lớn gấp đôi ngày thường gây áp lực cho đội ngũ đầu bếp và bồi bàn.
Tình trạng thực khách phải chờ đợi là điều khó tránh khỏi. Theo chia sẻ của Phan Minh, việc anh làm nhiều nhất trong những ngày lễ là thay mặt nhà bếp đi xin lỗi từng bàn.
"Nhiều khách hàng tỏ thái độ khó chịu, thậm chí to tiếng với nhân viên phục vụ bàn. Chúng tôi phải lập tức nhận lỗi về phía nhà hàng để không phá hỏng không khí chung", Minh cho biết thêm.