Luật sư Vũ Tiến Vinh - Công ty luật Bảo An (Đoàn luật sư Hà Nội) trả lời độc giả Lê Giang (Hà Nội) như sau:
Theo Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015, có hiệu lực từ 1/1/2017 thì cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có).
Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ. Nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.
Khoản 3 Điều này quy định: Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014), quy định Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam. Theo đó, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Như vậy, đối chiếu với các quy định nói trên thì vợ chồng bạn đều là công dân Việt Nam nên phải đặt tên con bằng tiếng Việt, không thể bằng tiếng nước ngoài.