Đại dịch Covid-19 đang lan rộng khắp nước Mỹ, tàn phá ngành công nghiệp nhà hàng nước này. Các chuyên gia phân tích ước tính khoảng 75% các cửa hàng hoạt động đơn lẻ đã phải đóng cửa để phòng dịch.
Nhiều nhà hàng tại các thành phố lớn ở Mỹ lựa chọn cách duy trì doanh thu bằng dịch vụ giao đồ ăn tại nhà. Tuy nhiên, dịch vụ này cũng tồn tại nhiều rắc rối như làm giảm chất lượng đồ ăn, chi phí thuê dịch vụ vận chuyển từ đơn vị thứ 3 tốn kém... Một số nhà hàng xứ cờ hoa đứng trước lựa chọn đóng cửa hoặc tìm con đường tồn tại giữa đại dịch.
Đầu bếp Michelin chật vật bán đồ ăn giao tại nhà
Theo tờ New York Times, trong gần 3 năm qua, một nhà hàng Claro đạt sao Michelin danh tiếng trên phố Brooklyn (New York, Mỹ) chưa từng nhận đơn đặt hàng mang về. Đầu bếp T.J.Steeel của nhà hàng này cho biết: “Nhà hàng chúng tôi từng phớt lờ mọi lời đề nghị từ những đối tác giao đồ ăn trực tuyến. Khi mọi thứ còn bình thường, việc tạo thực đơn đồ ăn giao hàng khá lãng phí thời gian”.
Tuy nhiên, thời thế thay đổi kể từ khi dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới. Nhà hàng của đầu bếp Steele đành phải hợp tác với các đơn vị giao đồ, chuyển đổi mô hình kinh doanh sang bán hàng online.
Đầu bếp Steele sở hữu nhà hàng đạt sao Michelin từng nói không với giao hàng tại nhà cũng phải sử dụng dịch vụ này để duy trì việc kinh doanh. |
Đầu bếp Steele dần phải làm quen với việc nhìn thấy nhân viên giao hàng xếp sai các món ăn được trình bày chỉn chu của mình, việc này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của một nhà hàng Michelin danh tiếng. Để những món ăn không bị biến dạng vì giao hàng, đầu bếp Steele đã sử dụng giấy bạc bọc thức ăn trước khi đưa vào hộp và tạo một menu đồ ăn mới với những món đơn giản, thuận tiện cho việc giao tại nhà.
“Mặc dù nhiều nhà hàng chất lượng cao không hứng thú với dịch vụ giao đồ ăn tại nhà, nhưng dịch Covid-19 đã thay đổi. Nếu muốn tồn tại trong ngành, các nhà hàng phải thích nghi với đại dịch”, Steele nói.
Công ty giao hàng Grubhub (Mỹ) tiết lộ với New York Times rằng đã có khoảng 1.000 nhà hàng sử dụng dịch vụ của họ từ đầu tháng 3 tới giờ. Trong khi hàng năm, con số các nhà hàng đăng ký giao đồ ăn chỉ khoảng 300 đơn vị.
Dịch Covid-19 đang thay đổi các nhà hàng ở Mỹ
Matt Le-Khac, một đầu bếp nhà hàng Việt nổi tiếng trên phố Brooklyn cũng chia sẻ với New York Times: “Tôi chưa từng có kế hoạch nào cho dịch vụ giao đồ ăn của nhà hàng mình”.
Tuy nhiên, trong tháng 3 vừa qua, Le-Khac đã phải xoay chuyển tình thế khó khăn của nhà hàng. Toàn bộ nhà hàng Bolero của đầu bếp này chuyển đổi hoạt động kinh doanh từ phục vụ tại chỗ sang giao đồ tại nhà. Các máy tính bảng và nhân viên luôn sẵn sàng túc trực để nhận đơn hàng của khách đặt trực tuyến.
Nhà hàng Bolero phải thay đổi thực đơn để tiện lợi cho việc giao hàng tại nhà. |
Thực đơn của Bolero cũng được thay đổi để thuận tiện cho việc giao hàng. Những món ăn phức tạp, có nước bị loại bỏ. Những món ăn gốc được chỉnh sửa lại công thức để tinh gọn hơn.
Đầu bếp nhà hàng Việt cho biết quá trình thay đổi đã khiến doanh số giảm 70%. Đội ngũ nhân viên 20 người phải cắt giảm còn 2 người. “Khách hàng nhận đồ ăn giao tại nhà sẽ không trải nghiệm hết được tinh hoa món ăn. Các loại sốt ăn kèm sẽ bị đặt lung tung. Điều này làm giảm giá trị món ăn”, đầu bếp Le-Khac nói thêm.
Theo New York Times, dịch Covid-19 đã tàn phá ngành công nghiệp nhà hàng ở Mỹ. Các chuyên gia phân tích ước tính khoảng 75% các cửa hàng hoạt động đơn lẻ đã phải đóng cửa để phòng dịch.
Hầu hết nhà hàng tại Mỹ đều đang đối mặt với câu hỏi: “Liệu có nên duy trì hoạt động kinh doanh bằng việc giao hàng tại nhà không?”. Một số địa điểm ăn uống nằm ở vị trí trung tâm sẽ khó trụ nổi nếu không được giảm phí thuê mặt bằng, ngay cả khi duy trì hoạt động kinh doanh bằng cách giao hàng tại nhà.
Thử thách tồn tại giữa đại dịch
Tuy nhiên, nhiều cơ sở kinh doanh ở New York hay San Francisco đã tinh chỉnh các hoạt động giao đồ ăn hợp lý, từng bước đứng vững trước cơn khủng hoảng đại dịch toàn cầu.
Mexicue, một chuỗi nhà hàng ở New York đã sáng tạo ra loại bao bì thân thiện với môi trường, không làm món ăn biến dạng khi vận chuyển. Ý tưởng này giúp đồ ăn của chuỗi không bị giảm giá trị khi đến tay khách hàng.
Vấn đề giao hàng cũng được tính toán, lên kế hoạch từ nhiều tháng trước để bổ sung thêm vào các dịch vụ ăn uống của chuỗi Mexicue. Hiện tại, thay vì phải đóng cửa như nhiều cơ sở khác, chuỗi nhà hàng này vẫn tồn tại dựa vào dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến.
Thomas Kelly, đồng sở hữu chuỗi Mexicue, cho biết rất nhiều thực khách có nhu cầu được phục vụ đồ ăn tại nhà. Trong nhiều năm qua, những chuỗi lớn trong ngành ẩm thực đã nhận ra tầm quan trọng của việc giao hàng. Đến năm 2030, dịch vụ này chiếm khoảng 60% doanh thu của các nhà hàng, theo ước tính của một số nhà phân tích.
Chuỗi nhà hàng Mexicue thiết kế hộp đựng bánh tacos để tránh vỡ nát khi giao hàng. |
Dịch vụ giao hàng phát triển, duy trì doanh số cho các cơ sở kinh doanh ẩm thực. Điều các nhà hàng lo ngại là chất lượng món ăn bị giảm khi được vận chuyển. Chủ nhà hàng Chilotle Mexican Grill cho biết những chiếc bánh tacos dễ bị vỡ khi gói trong giấy bạc và bị đặt dưới đấy của túi giao hàng. Chuỗi Shake Shack cũng lo lắng những chiếc burger hay bánh mì có thể bị rớt sốt ra ngoài trong quá trình vận chuyển.
Ông Landers, chuyên gia tư vấn, nói rằng dịch vụ giao đồ ăn là một nỗi ám ảnh với nhiều nhà hàng và thực khách. Ngoài kỹ năng vận chuyển đồ ăn, việc chi trả phí thuê dịch vụ giao hàng cũng đặt ra bài toán khó cho các cơ sở ăn uống. Bởi, phí thuê đơn vị thứ 3 vận chuyển hàng hóa ở Mỹ thời điểm hiện tại đang lên giá.
Đầu bếp Le-Khac chia sẻ với New York Times rằng ông không chắc nhà hàng có thể tiếp tục dịch vụ giao hàng hay không bởi doanh số cải thiện không đáng kể. Bên cạnh đó, New York đang là tâm điểm của đại dịch, các hoạt động của nhà hàng hiện tại có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân viên.