Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đau đáu kinh doanh giáo dục

Với các cơ sở kinh doanh giáo dục ngoài công lập, dịch Covid-19 cũng khiến các nhà đầu tư trong cảnh khó chồng khó.

Những ngày đầu tháng 4, dư luận không khỏi chạnh lòng khi nhìn bức ảnh thầy giáo tiếng Anh J.D (53 tuổi, người Anh) đứng góc đường Võ Văn Kiệt - Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM) xin sự giúp đỡ với tấm biển: “Không có công việc, giúp tiền mua thức ăn. Cảm ơn!”.

Thầy giáo J. cũng chỉ là một trong rất nhiều các thầy, cô dạy tại các trường, cơ sở giáo dục ngoài công lập ở TP.HCM, Hà Nội và địa phương khác chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

kinh doanh giao duc anh 1

Bao giờ mở cửa lại các cơ sở mầm non để trường hoạt động trở lại là câu hỏi không ai biết chắc. Ảnh: Tiền Phong.

Lực bất tòng tâm

Chia sẻ với Tiền Phong, chị M.N., thành viên HĐQT một hệ thống trường mầm non với 2 cơ sở tại quận Ba Đình và quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho hay dịch Covid-19 kéo dài đã làm đảo lộn toàn bộ hoạt động của trường kéo theo những gánh nặng chi phí rất lớn cho chủ trường, cũng như đối mặt những suy giảm về thu nhập của các thầy, cô giáo.

Chị M.N cho biết với bề dày hoạt động lâu năm, trải qua nhiều thăng trầm, chưa lần nào trường phải đối mặt khó khăn ghê gớm như hiện giờ. Dù được giảm một phần chi phí cho thuê mặt bằng nhưng mỗi tháng, trường vẫn phải chi nhiều tỷ đồng để duy trì đội ngũ và trang trải chi phí hoạt động.

Cụ thể, với mỗi tháng không hoạt động, dù đã được giảm 30% và 50% cho 2 cơ sở, chi phí thuê vẫn còn 200 triệu đồng/tháng. Ngoài chi phí thuê mặt bằng, trường phải lo quỹ lương và bảo hiểm hàng trăm triệu/tháng cho gần 60 nhân sự bao gồm bảo vệ, nhân viên bếp, y tế, hiệu trưởng, giáo viên, nhân sự marketing, kế toán, tư vấn tuyển sinh…

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường chỉ thu 30% học phí tháng 2. Tháng 3, 4, 5 không thu học phí. Dù trong thời gian nghỉ dịch, các cô giáo vẫn duy trì hoạt động kể truyện cho các con vào lúc 19h mỗi ngày, đồng thời triển khai đào tạo làm giáo cụ online, trang trí lại lớp chờ đến khi hết dịch để đón các học sinh trở lại trường.

“Thiệt hại của cơ sở chúng tôi do việc đóng cửa trường vì dịch bệnh từ đầu năm đến tháng 5 dự kiến trên 2 tỷ đồng. Chính sách trả lương cho cán bộ công nhân viên vì vậy cũng phải điều chỉnh theo”, chị M nói.

Chị M cho hay ban đầu nhà trường vẫn trả 1/2 tháng lương cho cán bộ công nhân viên, sau đó chỉ đủ trả mức lương cơ bản, rồi điều chỉnh còn 1/2 tháng lương cơ bản. Đến giờ, không đủ tiền để trả lương cán bộ công nhân viên trừ một số vị trí vẫn đang thực hiện một số các dự án online được trả phụ cấp dự án.

Hiện, nhà trường nợ tiền bảo hiểm. Các cô giáo cũng cảm thông với trường vì biết mọi người đều lực bất tòng tâm khi chi phí mỗi tháng quá lớn mà trường không có nguồn thu.

“Các cổ đông đã tính tới việc đóng thêm tiền để cố gắng duy trì hoạt động của trường chờ khi hết dịch để sớm vận hành trở lại”, chị M.N cho hay.

Nhưng đau lòng nhất, theo chị M.N, ngành nghề khác có thể làm thêm bên ngoài, các giáo viên mầm non vất vả hơn rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh dịch kéo dài.

Đến nay, một số giáo viên xin nghỉ, chuyển nghề đi tìm việc khác. Có cô giáo, cả hai vợ chồng cùng làm giáo viên. Nghỉ dạy đồng nghĩa không có nguồn thu nhập nên nhiều cô phải chuyển sang bán hàng online, bán đồ ăn, làm shipper (người giao hàng), còn chồng đi làm công trình bên ngoài để kiếm thêm tiền duy trì cuộc sống.

“Thông cảm với khó khăn của trường, một số phụ huynh vẫn tự nguyện tài trợ 40% học phí cho trường trong thời gian nghỉ học. Những hành động này khiến các thầy cô hết sức xúc động”, chị M.N tiết lộ.

Đối mặt khó khăn, chuyển sang đào tạo online, thực hiện giảm lương, thu nhập của các thầy, cô giáo, nhân viên trong tập đoàn là cách Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng - đơn vị có hơn 20 năm hoạt động trong ngành giáo dục với 50 cơ sở giáo dục, trải dài 18 tỉnh, thành phố thực hiện trong thời gian qua.

Trong thư động viên gửi hơn 4.000 cán bộ, nhân viên mới đây, bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo, Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng, cho hay khi bắt đầu xuất hiện những khó khăn trong đời sống xã hội, đặc biệt khi bắt đầu có những doanh nghiệp phải sa thải hay cho nhân viên nghỉ việc không lương vì dịch Covid-19, lo lắng cho sự phát triển của tập đoàn, nhiều thầy, cô, nhân viên trong tập đoàn đã đề nghị được chia sẻ khó khăn bằng cách tự nguyện xin giảm lương, giảm thu nhập.

Hàng chục nghìn thầy, cô giáo trường tư trước nguy cơ mất việc

Trước những khó khăn của ngành, tháng 3 vừa qua, gần 150 đơn vị giáo dục tư thục đã có bản kiến nghị gửi Thủ tướng và các bộ, ngành kêu cứu vì đang đứng trước nguy cơ phải sa thải lao động và đóng cửa, phá sản.

Theo khảo sát nhanh, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu - chi.

Các cơ sở giáo dục ngoài công lập cho hay 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, các bảo vệ, lao công, sẽ mất việc.

Khối trường phổ thông tư nhân cũng đang bị áp lực khủng khiếp khi chi phí đầu tư trung bình cho một trường tư chất lượng vừa phải (mức học phí 5-10 triệu/tháng), là khoảng 80-200 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là tiền vay đối với các trường mới xây.

Theo tính toán, các trường tư cũng chỉ có thể kéo dài thời gian xoay xở không quá 3 tháng theo thời gian đóng tiền học trung bình của học sinh. Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP.HCM và Hà Nội, sẽ có hàng nghìn giáo viên mất việc, hàng nghìn tỷ tiền vay ngân hàng không được trả đúng hạn.

Để hỗ trợ vượt qua khó khăn, các cơ sở giáo dục ngoài công lập kiến nghị, miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội..., đặc biệt là được miễn nộp tối đa các khoản bảo hiểm, thuế, phí, lệ phí trong thời gian nghỉ hoạt động do dịch.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Các cơ sở giáo dục kiến nghị Chính phủ sớm hướng dẫn về vấn đề pháp lý, tạo điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ khẩn cấp, đồng thời giải quyết nhanh các thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp cho giáo viên để các trường vượt qua khó khăn, từng bước đi vào ổn định hoạt động.

Chậm đóng cửa trường học, 63 nhân viên tử vong vì Covid-19

Giáo viên trường công lập ở New York, Mỹ, cho rằng nếu thị trưởng nhìn xa trông rộng, đóng cửa trường sớm, số nhân viên ngành giáo dục chết vì dịch đã không lên đến 63 người.

https://www.tienphong.vn/giao-duc/dau-dau-kinh-doanh-giao-duc-1649053.tpo?fbclid=IwAR0X96QcqIZau5TRrGq-LoaO2e3TX2CujOYRq5bt9H1cjn-evcFYSJ5Amr0

Theo Thục Quyên / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm