Ngày 12/3, UBND tỉnh Bình Thuận có báo cáo tình hình tàu cá, ngư dân Bình Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý trong 2 năm 2016 và 2017.
Tàu cá neo đậu tại cảng Phan Thiết. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Theo đó, trong 2 năm 2016 và 2017 có 24 vụ với 34 tàu cá cùng 327 ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, thu mua hải sản trái phép bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Các vùng biển mà ngư dân thường xâm phạm và bị bắt giữ là Malaysia, Indonesia, Brunei.
Chỉ riêng đầu năm 2018, Thái Lan đã bắt giữ 3 tàu cá cùng 23 ngư dân ở thị xã La Gi. 3 tàu này đăng ký ở Bình Thuận nhưng chủ yếu cư trú ở các tỉnh miền Tây, chỉ về Bình Thuận để đăng kiểm. Ngoài ra, còn xảy ra 1 vụ vượt biển với 18 ngư dân ở thị xã La Gi, những người ngày đang bị giữ ở Indonesia.
Theo tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do nguồn lợi thủy sản vùng biển nước ta suy giảm, làm cho hiệu quả sản xuất tại ngư trường không cao. Ngư dân vì lợi đã cố tình xâm phạm các nước láng giềng đánh bắt trái phép.
Hàng chục tàu cá cùng hàng trăm ngư dân Bình Thuận bị nước ngoài bắt vì vi phạm vùng biển. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Việc xử lý, giải quyết của cơ quan chức năng đối với các trường hợp tàu cá, ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ và thả về còn thiếu kiên quyết (chỉ mới xử phạt vi phạm hành chính tàu cá bị bắt giữ chuộc về). Ngoài ra, chưa có chế tài kiểm soát, giám sát quá trình hoạt động của ngư dân trên các vùng biển.
Đặc biệt, một số tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá và ngư dân trong tỉnh ra nước ngoài khai thác, thu mua trái phép. Khi bị bắt giữ thì tổ chức môi giới chuộc tàu cá và ngư dân về nước, cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện xử lý được tổ chức, cá nhân nào để răn đe, ngăn chặn.
Đầu năm 2018 có 3 tàu cá ở La Gi bị Thái Lan bắt giữ. Ảnh: Google Maps. |