Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu hiệu âm thầm cảnh báo bạn đang bị gan nhiễm mỡ

Những người bị gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng. Một số dấu hiệu cảnh báo như vàng da, chướng bụng...

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất, đảm nhiệm cùng lúc chức năng ngoại tiết và nội tiết. Đây còn là trung tâm chuyển hóa quan trọng của cơ thể, giúp chuyển đổi thức ăn thành nhiên liệu, xử lý chất béo từ máu và đào thải độc tố có hại, tạo các protein làm đông máu.

Tuy nhiên, cơ quan này dễ gặp phải tình trạng nguy hiểm và khó phát hiện. Đó chính là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (Non-alcoholic fatty liver disease - NAFLD).

Theo thống kê của Đại học Y Harvard (Harvard Health), Mỹ, gan nhiễm mỡ không do rượu được hiểu là các tế bào gan chứa trên 5% chất béo. Đây là bệnh gan phổ biến nhất, ảnh hưởng 1/4 người Mỹ trưởng thành, tương đương 80-100 triệu người. Trong đó, 60% bệnh nhân là nam giới. Đặc biệt, 1/3 ca mắc gan nhiễm mỡ là người gầy.

Chất béo tích tụ trong gan đến từ đâu?

Theo USA Today, NAFLD là bệnh xảy ra khi có lượng chất béo dư thừa tích tụ trong gan. Giống gout, gan nhiễm mỡ xảy ra do rối loạn chuyển hóa lipid hay acid uric trong cơ thể. Uống nhiều rượu là nguyên nhân gây tích tụ chất béo trong gan. Tuy nhiên, ở những người mắc gan nhiễm mỡ không do rượu, thủ phạm đến từ lượng mỡ dư thừa sản sinh từ quá trình bị rối loạn lipid máu, huyết áp cao, tiểu đường.

Khi gan nhiễm mỡ đi kèm tình trạng viêm, xơ hóa tiến triển, tình trạng này được gọi là viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH). Nếu NASH tiếp tục diễn biến nặng, nó có thể dẫn tới xơ gan, suy gan, cuối cùng là ung thư gan.

Những chất béo tích tụ trong gan đến từ thói quen ăn uống thiếu khoa học hàng ngày. Nghiện rượu, chế độ ăn nhiều chất béo bão hóa, chất béo chuyển hóa, thực phẩm chiên rán, chế biến sẵn, lượng arbohydrate cao và lượng đường dư thừa đều góp phần tạo ra các axit béo tích tụ trong gan.

Gan nhiem mo anh 1

Thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, chứa nhiều đường là những món người bị gan nhiễm mỡ cần tránh xa. Ảnh: Freepik.

Một người gầy gò, cơ thể ốm yếu, suy dinh dưỡng hay giảm cân quá nhanh cũng góp phần khiến bệnh gan nhiễm mỡ bùng phát. Cơ thể gầy yếu đồng nghĩa một số dưỡng chất cần thiết cho quá trình thanh lọc mỡ thừa, đào thải độc tố bị mất đi. Dinh dưỡng giống như dầu bôi trơn, nuôi sống bộ máy thải độc. Mất hoặc thiếu hụt nó là nguyên nhân khiến nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ tăng cao.

Ngoài ra, ở những người không nghiện rượu, NAFLD là kết quả của sự tác động giữa nhiều bệnh chuyển hóa như tiểu đường, suy giáp, cholesterol cao, huyết áp cao, béo phì.

Dấu hiệu cảnh báo

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, gan nhiễm mỡ không do rượu là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim. Căn bệnh này được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng” với đa số người mắc không có triệu chứng hoặc ít khi có các triệu chứng rõ ràng.

Những biểu hiện đầu tiên thường chỉ là bụng ấm ách và hơi khó chịu. Trên lâm sàng, bác sĩ có thể khám thấy gan của bạn hơi to ra một chút. Khi lượng mỡ trong gan quá nhiều sẽ gây nên tình trạng viêm gan. Lúc đó, các triệu chứng chính sẽ là chán ăn, sụt cân, đau bụng hoặc mệt mỏi nhiều và vàng da.

Những bệnh nhân mắc bệnh nặng hơn như viêm gan nhiễm mỡ không do rượu hoặc xơ gan có thể bị phù tay hoặc chân, bụng to, vàng da, vàng mắt.

Hầu hết người mắc đều phát hiện mình mắc gan nhiễm mỡ tình cờ khi đi khám vì đau bụng. Siêu âm bụng, xét nghiệm chức năng gan có thể chỉ ra mức độ viêm và nhận biết người bị gan nhiễm mỡ. Nhưng biến chứng của nó rất nặng nề nên nếu không phát hiện sớm, người bệnh thường ít cơ hội điều trị, tuổi thọ bị rút ngắn.

Gan nhiem mo anh 2

Người bị gan nhiễm mỡ tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe. Ảnh: iStock.

Cách phòng ngừa

Gan là cơ quan quan trọng thực hiện nhiều nhiệm vụ như chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và giải độc cơ thể. Mặc dù gây nhiều biến chứng nguy hiểm, gan nhiễm mỡ có thể hồi phục và điều trị bằng nhiều biện pháp không dùng thuốc.

Biện pháp đầu tiên để cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ là giảm cân. Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên tập luyện ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần. Tuy nhiên, giảm cân nhanh rất nguy hiểm và có thể làm trầm trọng thêm bệnh NAFLD. Với người béo phì, chúng ta nên giảm 7-10% trọng lượng cơ thể trong một năm để tránh nguy hiểm.

Ngoài ra, bạn nên duy trì chế độ ăn lành mạnh, ít carb, thay thế đường đơn như sucrose và fructose bằng các loại trái cây có lượng đường thấp, thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa (bơ, cá béo, hạnh nhân, bí ngô, dầu ô liu...).

Protein nên có nguồn gốc từ thực vật, thịt nạc và hải sản giàu omega 3, thỉnh thoảng có thể ăn thịt đỏ; tránh thực phẩm chế biến sẵn và rượu. Hiện nay không có thuốc được phê duyệt để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Bởi vậy, duy trì lối sống tích cực, khoa học, cân bằng là cách để phòng ngừa và giảm nguy cơ biến chứng từ căn bệnh này.

Sự thật về ‘vi khuẩn ăn thịt người’

Nhiều người lầm tưởng Whitmore là “vi khuẩn ăn thịt người”. Nhưng trên thực tế, đây là tên gọi dành cho Vibrio vulnificus, không phải Whitmore.

Hạt vi nhựa xuất hiện ngày càng nhiều ở những nơi khó tin nhất

Không chỉ máu, nhau thai, hạt vi nhựa đã được phát hiện trong mẫu mô phổi người sống. Gần đây nhất, chúng được tìm thấy trong tuyết mới rơi tại Nam Cực.

Bảo Hân

Bạn có thể quan tâm