Khi yêu có thể giải phóng hormone "hạnh phúc" Dopamine. Ảnh: MaaHoo. |
Tình yêu, hai chữ tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến người ta bị mê hoặc, có khi khờ dại. Không có một quy chuẩn hay công thức nào để biết bao lâu ta sẽ yêu, thật khó để diễn tả cảm nhận và cách yêu của mỗi người.
Chỉ cần một khoảnh khắc đã khiến bạn rung động, tuy nhiên đối với nhiều người phải mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để có thể nảy sinh tình cảm.
Có một số tín hiệu phổ biến được khoa học chứng minh cho thấy chúng ta có khả năng đang yêu. Nếu cảm thấy băn khoăn hoặc mơ mộng về người kia, khoảnh khắc đó chính là rung động, theo Oprahdaily.
Muốn chia sẻ cả thế giới
Dawoon Kang, đồng sáng lập và đồng Giám đốc điều hành của nền tảng hẹn hò trực tuyến Coffee Meets Bagel, chia sẻ: “Mỗi người đều có thể yêu theo nhiều cách khác nhau”.
Đồng thời, bà tin vào lý thuyết tam giác tình yêu của nhà tâm lý học người Mỹ Robert J. Sternberg, trong đó xác định ba khía cạnh chính: Mong muốn được kết nối chặt chẽ, kích thích thể chất, cảm xúc, và quyết tâm/cam kết gắn bó với nhau.
Tình yêu khiến cuộc sống trở nên thi vị, đậm đà. Ảnh: Lifestylememory/Freepik. |
“Không cần hội tụ cả ba yếu tố trên để biết rằng mình đang yêu, nhưng đó là những dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy bạn đang sa vào lưới tình. Tuy nhiên, đừng vội kết luận rằng ai đó không yêu mình chỉ vì họ không phát tín hiệu chính xác”, Dawoon Kang nói.
Theo bà Kang, dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi yêu một ai đó là muốn tiết lộ càng nhiều càng tốt bản thân với nửa kia.
Khoảnh khắc bà Kang nhận ra mình đã yêu Jack (hiện là chồng bà) khi Kang luôn muốn gọi điện cho Jack hàng đêm, muốn kể từng chi tiết nhỏ trong ngày và muốn tìm hiểu rõ đối phương.
Luôn nằm trong suy nghĩ
Chắc chắn, điều này có thể sáo rỗng nhưng đó là sự thật. Khi hình ảnh của ai đó luôn hiện trong đầu, luôn nhớ lại các cuộc trò chuyện giữa giờ làm việc, lên kế hoạch trước về những ngày hẹn hò tiếp theo hoặc thậm chí hình dung về tương lai của hai người đó có thể là dấu hiệu bạn đang yêu.
Đối với Kang, bà nhớ mình đã đọc đi đọc lại những tin nhắn của chồng và xem đi xem lại những bức ảnh của ông khi họ mới bắt đầu hẹn hò vì bà thường xuyên nghĩ về đối phương.
Tự hỏi có được yêu hay không
Jacqueline Olds, phó giáo sư tâm thần học lâm sàng tại trường Y của Đại học Harvard, cho rằng một khi yêu chúng ta sẽ luôn tự hỏi liệu người này có cảm thấy tương tư mình, hay mặc định rằng nửa kia cũng đang nhớ tới họ.
Olds, người đã hoàn thành nghiên cứu sâu rộng về hôn nhân lâu dài, cùng với người chồng 41 năm, Richard Schwartz, nhận định: “Dạ dày và trái tim có thể rung động mỗi khi nửa kia liên lạc hoặc đề nghị dành thời gian hẹn hò".
Tương tư, nhớ nhung, hạnh phúc là những cảm xúc thường gặp trong tình yêu. Ảnh: Jcomp/Freepik. |
Theo bà Kang, nếu đang yêu, chúng ta sẽ luôn cảm thấy ấm áp khi nghĩ về nửa kia của mình. Có thể lúc đó họ sẽ không thể ngừng cười, hoặc cảm thấy lạc quan, yêu đời, tràn đầy hy vọng tích cực.
Cảm giác như trẻ lại
Theo Kelifern Pomeranz, chuyên gia tâm lý học lâm sàng và nhà trị liệu tình dục tại California (Mỹ), tình yêu khiến ta cảm thấy mình như một thiếu niên với đôi mắt to tròn, trái tim hoang dã và đó không phải ngẫu nhiên.
"Khi yêu, cơ thể con người giải phóng các hormone bao gồm: Dopamine (cảm thấy hạnh phúc, lạc quan), Noradrenaline ( tạo hưng phấn, tập trung và chú ý), Testosterone (tạo hứng thú và ham muốn tình dục) và giảm Serotonin (giảm căng thẳng, cáu kỉnh). Những chất này khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc, hưng phấn, tràn đầy năng lượng và trẻ trung".
Khi nghĩ về người thân yêu, cơ thể bạn sản sinh ra dopamine - đây là một loại hormone chịu trách nhiệm tạo ra cảm giác hạnh phúc. Ảnh: Rodnae/Pexels. |
Đặt đối phương thành ưu tiên
Rachel DeAlto, chuyên gia của ứng dụng hẹn hò Match cho hay: “Nếu một chàng trai/cô gái gác bỏ sở thích, đam mê cá nhân để có thể ở bên đối phương thì có thể người đó đang tương tư".
Ngoài ra, tình yêu luôn khiến con người tự nguyện thay đổi lịch trình để ở bên người mình yêu chứ không phải cảm giác bị sai khiến hay o ép.
Bị hấp dẫn bởi điều kỳ quặc
Ngoài cảm giác muốn kiểm soát và say mê đối phương, bạn có thể bị thu hút bởi mọi hành động của người kia.
DeAlto giải thích: “Khi yêu, ta thường say đắm mọi điều của nhau, cho dù đó có thể là những điều kỳ quặc, phong cách kỳ lạ và mọi hành động đặc biệt của họ, tất cả đều trở nên đáng yêu".
Hơn cả, mọi người bắt đầu cảm nhận được niềm vui nỗi buồn của đối phương, thấu hiểu những điều họ phiền lòng, điều gì mang đến hạnh phúc và lo lắng cho họ. Từ đó cảm thấy đồng cảm và tăng lòng trắc ẩn dành cho đối phương.
Giúp bạn tốt lên
Theo Theresa E. DiDonato, tiến sĩ, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Loyola Maryland (Mỹ), những người đang yêu thường cảm thấy biết nhiều hơn hoặc có thể làm được nhiều hơn mức tưởng tượng.
Điều này thường xảy ra khi hai người yêu nhau, luôn có chiều hướng cùng nhau phát triển và tốt lên. Ví dụ, yêu một người thích đi bộ đường dài cũng sẽ khiến bạn thích thú hoặc bắt chước hành động đó.
Yêu một người năng động sẽ khiến bạn cảm thấy tích cực, lạc quan. Ảnh: Miriam Alonso/Pexels. |
Phớt lờ sự hấp dẫn khác
Khi gặp đúng người, con người ta thường quan niệm: Đã qua rồi cái thời vuốt sang phải tìm đối tượng trên các ứng dụng hẹn hò hoặc gửi tin nhắn tán tỉnh các đối tác tiềm năng.
Rơi vào tình yêu khiến bạn chỉ tập trung vào nó và không dễ khiến ta bị xao nhãng hoặc bị thu hút bởi những sự hấp dẫn bên ngoài.
Cảm thấy tình yêu ở khắp nơi
Những rung cảm của tình yêu có thể giúp mọi người đột nhiên thấy thích trò chuyện với đồng nghiệp kém hòa đồng hoặc bắt chuyện với người hàng xóm cáu kỉnh.
Tình yêu có thể giúp ta có cái nhìn mới mẻ, góp phần làm tăng cảm giác hạnh phúc và dẫn đến suy nghĩ, hành động tích cực.
Theo DiDonato, khi một cặp đôi lãng mạn tìm hiểu nhau, nhận thức của họ về bản thân bắt đầu hợp nhất. Hai bạn có thể hòa hợp về suy nghĩ, đồng điệu về lời nói, cách cư xử hoặc thậm chí có thể bắt đầu ăn mặc hoặc nói năng giống nửa kia.
Một khi cảm nhận được tình yêu của người kia, dù cho thông qua trực giác hay dấu hiệu, đừng ngần ngại đối mặt và đón nhận bởi tình yêu là gia vị của cuộc sống, giúp chúng ta sống vui vẻ và ý nghĩa hơn.
Sau đại dịch, nhiều khách hàng chán ngấy thời gian phải giải trí trên màn hình và tìm đến mua sách ở cửa hàng theo cách truyền thống. Với cửa hàng mới, không gian sẽ được phân chia, có khu vực đọc sách và nơi bán nước giải khát, cà phê. Riêng tại Mỹ, trong năm qua, hơn 300 hiệu sách độc lập mới mọc lên khắp cả nước, trong một sự hồi sinh đáng ngạc nhiên và đáng hoan nghênh sau thời kỳ đầu suy thoái do đại dịch.