1. Giấc ngủ không ổn định: Khi học online, trẻ phải tiếp xúc với thiết bị điện tử trong thời gian dài. Nghiên cứu chỉ ra việc tiếp xúc với ánh sáng xanh hơn 2 giờ trước khi ngủ có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ của con người. Tiến sĩ Dawn Dore-Stites từng nghiên cứu vấn đề này đã bày tỏ lo ngại về tình trạng rối loạn giấc ngủ của trẻ trong mùa dịch. Sự căng thẳng và mệt mỏi khi học trực tuyến, kèm theo việc tương tác xã hội bị hạn chế, khiến nhiều đứa trẻ khó ngủ hơn trước. Bà Dore-Stites khuyên cha mẹ cần chú ý đến thời gian dùng thiết bị điện tử của con, nếu trẻ gặp vấn đề về giấc ngủ nên có biện pháp can thiệp kịp thời. Ảnh: National Eczema Association. |
2. Tâm trạng thất thường: Không chỉ người lớn, trẻ em cũng phải vật lộn khi bị "mắc kẹt" trong mùa dịch. Tâm trạng của các em cũng dần thay đổi và trở nên tồi tệ hơn. Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển kỹ năng và học cách điều chỉnh cảm xúc. Khi đối mặt với những tác nhân gây căng thẳng như tuổi dậy thì, học online, giãn cách xã hội, các em dễ trở nên "quá tải" ở mặt cảm xúc. Nói cách khác, sự "quá tải" này biểu hiện dưới dạng thay đổi tâm trạng thất thường. "Giãn cách xã hội khiến trẻ tổn thương vì các em mất cơ hội tương tác với bạn bè, thầy cô", Tiến sĩ tâm lý Keita Franklin nói với Parents. Ảnh: Medical News Today. |
3. Tìm cách lảng tránh việc học: Nếu trẻ kiếm cớ để nghỉ học, hoặc cố tình bỏ qua bài tập, lịch thi, rất có thể các em đang gặp vấn đề khi học trực tuyến. Mặt hạn chế của học online là trẻ không được đến trường, trao đổi trực tiếp với thầy cô, bạn bè. Việc tiếp xúc với mọi người qua màn hình máy tính trong thời gian dài có thể khiến các em mệt mỏi, mất tinh thần học tập. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần chú ý, động viên con, giúp con vượt qua khoảng thời gian khó khăn này. Ảnh: Verywell Family. |
4. Ghét camera: Nếu bạn thấy con trở nên cáu kỉnh khi đến giờ đăng nhập lớp học online, hoặc tìm mọi cách để tránh camera, rất có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ gặp căng thẳng khi học trực tuyến. Nhà tâm lý học lâm sàng Kate Eshleman khuyên cha mẹ có thể giúp trẻ giảm bớt tình trạng này bằng cách thay đổi vị trí học, hoặc cho trẻ dậy sớm vận động để chuẩn bị sẵn sàng cho buổi học mới. Nếu tình trạng của trẻ nghiêm trọng hơn, cha mẹ có thể bàn với giáo viên để tìm hướng xử lý phù hợp. Ảnh: Moms. |
5. Chán ăn: Theo Scholastic, căng thẳng thường biểu hiện thông qua thói quen ăn uống của trẻ. Khi gặp vấn đề này, trẻ có thể thay đổi cảm giác thèm ăn, ăn nhiều hơn hoặc không muốn ăn. Các nghiên cứu chỉ ra đây cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp vấn đề khi phải giãn cách xã hội quá lâu và mệt mỏi khi học trực tuyến. Nếu nhận thấy trẻ thay đổi thói quen ăn uống, cha mẹ nên tâm sự cùng con để tìm ra nguyên nhân. Ảnh: Riley Children's Health. |