Thiếu máu rất phổ biến ở trẻ em, đa phần trường hợp này thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu khiến trẻ mệt mỏi, hoạt động trí não và thể lực đều kém.
Ngoài ra, thiếu máu còn ảnh hưởng xấu tới các cơ quan khác của cơ thể. Tuy nhiên, trên thực tế, trẻ bị thiếu máu rất khó nhận biết vì bệnh không gây ra triệu chứng nào.
Vậy thiếu máu có biểu hiện ra sao, bài viết dưới đây giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Một số biểu hiện của trẻ bị thiếu máu
Trẻ bị thiếu máu có thể được chẩn đoán khi xét nghiệm các tình trạng bệnh khác hoặc kiểm tra sức khỏe tổng quát. Dưới đây là các biểu hiện gợi ý để cha mẹ nên cho trẻ đi khám và được kiểm tra đánh giá đúng.
Yếu ớt, kém vận động, linh hoạt
Do số lượng tế bào hồng cầu cung cấp oxy thấp, các bộ phận trên cơ thể trẻ thiếu máu không thể hoạt động bình thường. Kết quả, trẻ luôn ở trong trạng thái mệt mỏi và yếu ớt. Nhiều trẻ kém vận động, ít linh hoạt, lừ đừ.
Với trẻ đang ở độ tuổi đi học, thiếu máu còn có thể làm giảm chỉ số thông minh, giảm khả năng tư duy, sáng tạo của trẻ khiến kết quả học tập giảm sút, do kém tập trung khi làm việc, học tập.
Thiếu máu rất phổ biến ở trẻ em, đa phần các trường hợp này bị thiếu máu do thiếu sắt. |
Da xanh xao
Trẻ thiếu máu có số lượng tế bào hồng cầu ít, dẫn đến da nhạt màu hơn bình thường. Da xanh xao là một trong những dấu hiệu cơ bản của bệnh thiếu máu, không chỉ ở trẻ em mà còn gặp cả ở người lớn.
Tuy nhiên, triệu chứng này xuất hiện từ từ, nhìn quen, khó phát hiện. Nếu so sánh với các trẻ cùng trang lứa khỏe mạnh, cha mẹ sẽ thấy con mình da xanh hơn, cử động chậm chạp hơn, trông có vẻ yếu ớt.
Lười ăn, kém ăn
Trẻ thiếu máu sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, khó khăn trước những hoạt động bình thường, trong đó có hiện tượng lười ăn. Tuy nhiên, khi trẻ có biểu hiện lười ăn, kém ăn, cha mẹ thường chủ quan, không nghĩ trẻ bị thiếu máu, mà cho rằng trẻ mọc răng, thời tiết nóng bức hoặc ốm vặt.
Trong khi đó, trẻ lười ăn và ăn không ngon miệng là triệu chứng đầu tiên của việc thiếu hụt vitamin, thiếu máu…
Mặt khác, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thiếu máu ở trẻ em là cơ thể không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng để sản sinh ra hồng cầu. Như vậy, tình trạng vòng xoắn bệnh lý thêm trầm trọng.
Bữa ăn của trẻ cần đủ năng lượng và các loại thực phẩm giàu sắt. Ảnh: Pexels. |
Không tăng cân, sút cân
Tình trạng chán ăn, lười ăn, kém vận động dẫn đến trẻ ngừng tăng cân hoặc sút cân, không đạt mức cân nặng tiêu chuẩn.
Trẻ có biểu hiện chán ăn, khó ngủ và ít ngủ, hay quấy khóc vật vã, có thể chậm vận động hơn các trẻ cùng tuổi như chậm biết ngồi, chậm biết đứng, chậm biết đi; nắn thấy bắp thịt, chân tay của trẻ mềm nhẽo so với trẻ khỏe mạnh khác. Trẻ có thể kêu đau nhức trong xương.
Trường hợp bệnh thiếu máu nặng sẽ thấy tóc bị bạc màu, rụng tóc, không tăng cân, sụt cân…
Nhiều nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ, mỗi nhóm nguyên nhân sẽ có biểu hiện đặc trưng riêng. Do đó, khi thấy trẻ có một trong các biểu hiện mệt mỏi, da xanh; kém tập trung khi học tập, lười ăn, sụt cân, chậm biết ngồi, chậm biết đi ở trẻ nhỏ, chậm tăng trưởng cân nặng, chiều cao, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và tìm nguyên nhân thiếu máu, từ đó có phác đồ điều trị đặc hiệu.
Làm thế nào để trẻ không thiếu máu, thiếu sắt?
Để phòng chống thiếu máu, thiếu sắt hay thiếu máu dinh dưỡng cho trẻ, trước hết cần phòng chống thiếu máu cho người mẹ, vì ngay từ khi còn là bào thai, trẻ đã nhận chất sắt từ người mẹ để phát triển và dự trữ. Sau khi chào đời, trẻ tiếp tục nhận được sắt qua nguồn sữa mẹ.
Trẻ nhỏ cần được bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý, trẻ lớn hơn cần có chế độ dinh dưỡng đủ cả về số lượng và chất lượng.
Bữa ăn của trẻ cần đủ năng lượng và các loại thực phẩm giàu sắt:
+ Sắt trong thực phẩm động vật: Thường có trong những loại thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, thịt cừu...), hải sản (cá ngừ, cá hồi, tôm, cua, nghêu, sò...), gia cầm, trứng và nội tạng động vật (gan, thận).
+ Sắt trong thực phẩm thực vật: Hiện diện trong các loại rau có màu xanh đậm (rau bó xôi, rau muống, bông cải xanh...), các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt hoặc trái cây khô...
Nguồn sắt từ thực vật sẽ không được cơ thể hấp thu tốt như sắt từ động vật. Vì vậy, nếu ăn chay, trẻ không được bổ sung sắt đầy đủ.
Tuy nhiên, việc dùng chung với các loại thực phẩm giàu vitamin C (như cam quýt, dâu tây, đu đủ, bông cải xanh...) sẽ góp phần giúp trẻ tăng bổ sung sắt cho trẻ.
Thực phẩm chứa nhiều vitamin C hỗ trợ hấp thu sắt (có trong bưởi, cam, chanh, ổi, dâu tây, nhãn, quýt, ớt, cà chua...).
Bên cạnh chế độ ăn, việc tẩy giun định kỳ cho trẻ, quan tâm vệ sinh ăn uống và vệ sinh môi trường để tránh nhiễm giun, đặc biệt là giun móc, giữ một vai trò quan trọng trong phòng chống thiếu máu ở trẻ em.