Cổ tử cung là phần dưới của tử cung mở vào đầu trên của âm đạo. Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào bất thường của cổ tử cung phát triển ngoài tầm kiểm soát.
PGS.TS Ngô Thị Kim Phụng, Trưởng phòng khám Phụ khoa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đây là một trong các loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ.
Nguyên nhân
Ung thư cổ tử cung khởi phát khi tế bào khỏe mạnh bị đột biến gene trở thành bất thường. Các tế bào ung thư phát triển, nhân đôi mất kiểm soát và chúng không chết theo quy luật.
Chúng tạo thành khối u, tế bào ung thư xâm lấn các mô kế cận, di căn đến nhiều nơi trên cơ thể.
Virus HPV gây nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục ở người, trong đó có ung thư cổ tử cung. Ảnh: NFID. |
Virus HPV là nguyên nhân hay gặp nhất của ung thư cổ tử cung, chúng thường gây ra các mụn cơm đường sinh dục. Virus HPV có trên 100 type, trong đó, 40 type lây qua đường tình dục. Type virus là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là HPV 16 và 18.
Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ phát triển thành ung thư cổ tử cung, số đông sẽ tự khỏi. Diễn tiến ung thư cổ tử cung qua 4 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, các tế bào ung thư thường giới hạn ở cổ tử cung. Đến giai đoạn 2, tế bào xâm lấn phần cổ tử cung và phần trên âm đạo.
Sang giai đoạn 3, ung thư lan đến phần dưới âm đạo hoặc lan ra thành chậu, hông. Giai đoạn cuối, ung thư xâm lấn các tạng lân cận như bàng quang, trực tràng hay di căn xa đến phổi, gan, xương.
Thống kê số ca mắc ung thư năm 2020 ở phụ nữ trên toàn cầu | |||||||||
Nguồn: Globocan 2020. | |||||||||
Nhãn | Vú | Đại trực tràng | Phổi | Cổ tử cung | Tuyến giáp | Tử cung | Dạ dày | Các ung thư khác | |
Tỷ lệ mắc | % | 24.5 | 9.4 | 8.4 | 6.5 | 4.9 | 4.5 | 5 | 37.8 |
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Võ Minh Hương, phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), nhấn mạnh ung thư cổ tử cung hoàn toàn có khả năng điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm.
"Tỷ lệ sống sót là gần 100% khi người bệnh được phát hiện và điều trị các biến đổi tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm", bác sĩ Hương nói.
Những dấu hiệu cảnh báo
Theo PGS Phụng, đa số ung thư cổ tử cung gây ra bởi virus HPV. Người lành có thể bị lây nhiễm do quan hệ tình dục với người có virus HPV.
Lúc này, hệ thống miễn dịch sẽ có phản ứng chống lại virus gây hại. Đa số người lớn nhiễm HPV sẽ tự khỏi nhưng một tỷ lệ thấp có thể gây ra các mụn cơm đường sinh dục hoặc dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Cũng như nhiều ung thư khác, trong giai đoạn sớm, ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng gì rõ rệt. Trong giai đoạn muộn, bệnh có các biểu hiện sau:
- Đau khi quan hệ tình dục; đau vùng chậu.
- Xuất huyết âm đạo không bình thường, ví dụ xảy ra sau giao hợp, xuất huyết giữa kỳ kinh hoặc xuất huyết khi đã mãn kinh.
- Dịch tiết âm đạo bất thường, dịch nhầy lẫn máu, có thể có mùi hôi hoặc tiết dịch kéo dài.
- Khi ung thư lan đến các cơ quan khác, có thể gây ra biểu hiện đau vùng chậu, rối loạn đi tiêu tiểu, phù chân, suy thận, đau xương, sụt cân, mệt mỏi, chán ăn,...
Đau vùng bụng chậu, xuất huyết âm đạo bất thường là những dấu hiệu cho thấy cơ thể nữ giới không khỏe. Ảnh minh họa: NHS. |
Chính vì các triệu chứng chỉ thể hiện rõ rệt ở giai đoạn muộn, do đó, chuyên gia khuyến cáo phụ nữ đã quan hệ tình dục nên khám phụ khoa ngay khi xuất hiện các dấu hiệu trên hoặc tầm soát phụ khoa định kỳ để kịp thời phát hiện sớm bệnh lý ung thư cổ tử cung.
PGS Phụng cũng cảnh báo những trường hợp có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung là người quan hệ tình dục sớm (trước 16 tuổi), quan hệ không dùng biện pháp phòng vệ an toàn.
Phụ nữ càng có nhiều bạn tình và trong số này có người có nhiều bạn tình khác thì nguy cơ nhiễm HPV càng cao. Người nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như Chlamydia, bệnh lậu, giang mai, HIV/AIDS cũng là yếu tố nguy cơ cao.
Ngoài ra, một số yếu tố khác người quan hệ tình dục với nam giới không có cắt bao quy đầu; người có hệ miễn dịch kém (như HIV/AIDS); người hút thuốc và hít khói thuốc (từ người khác) liên quan ung thư tế bào gai.
Bác sĩ Hương khuyến cáo để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ngoài biện pháp khám phụ khoa định kỳ, phụ nữ nên chủ động giảm nguy cơ nhiễm HPV bằng cách áp dụng các biện pháp quan hệ tình dục lành mạnh và an toàn, phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Tiêm phòng vaccine HPV là biện pháp tốt trong việc phòng bệnh đối với cả nam giới lẫn phụ nữ. Độ tuổi tốt nhất nên tiêm vaccine là từ 9 đến 26 và trước khi có quan hệ tình dục lần đầu (theo khuyến cáo của FDA, Mỹ).