Người bệnh mắc bệnh cao huyết áp cần chú ý đến lối sống hàng ngày. Ảnh: Eat This Not That. |
Theo Eat This Not That, huyết áp cao là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng mà mọi người không nhận ra vì thường không có dấu hiệu cảnh báo. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ.
Huyết áp cao còn được gọi là tăng huyết áp, ảnh hưởng đến các động mạch của cơ thể. Tăng huyết áp là chỉ số huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên.
Đi khám bác sĩ thường xuyên luôn được khuyến khích để kiểm tra bản thân có mắc bệnh liên quan đến huyết áp. Tiến sĩ, giáo sư sức khỏe cộng đồng Jagdish Khubchandani tại Đại học Bang New Mexico nói: "Huyết áp cao tác động tiêu cực đến các cơ quan và hệ thống của cơ thể. Theo một số nghiên cứu, nhận thức và điều trị cao huyết áp ngày càng giảm và cần phải nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức".
Đau ngực
Tiến sĩ Khubchandani nói: "Đau ngực là triệu chứng có khả năng xảy ra trong cơn tăng huyết áp. Tuy nhiên, ở hầu hết người bị tăng huyết áp, đây không phải là triệu chứng thường thấy. Đau ngực có nhiều khả năng xảy ra với huyết áp cực cao, đặc biệt là khi bệnh nhân có tiền sử bị đau tim".
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết huyết áp cao có thể làm hỏng các động mạch bằng cách giảm độ đàn hồi, giảm lưu lượng máu và oxy đến tim, dẫn đến bệnh tim. Ngoài ra, giảm lưu lượng máu đến tim có thể gây ra:
- Các cơn đau thắt ngực.
- Cơn đau đầu, xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến tim bị tắc nghẽn hoặc không có đủ oxy. Càng để lâu, dòng máu bị tắc nghẽn, tổn thương tim càng lớn.
- Suy tim, tình trạng tim không thể bơm đủ máu và oxy đến các cơ quan khác.
Đau ngực là triệu chứng có khả năng xảy ra trong cơn tăng huyết áp. Ảnh: Eat This Not That. |
Thở khó khăn
Tiến sĩ Khubchandani nhấn mạnh có nhiều cách giải thích cho chứng đau ngực. Huyết áp cao có thể ảnh hưởng đến các mạch máu bằng cách làm chúng kém linh hoạt hơn, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến tim gây đau ngực. Trong thời gian tăng huyết áp, căng thẳng có thể tăng lên dẫn đến khó thở.
Theo Eat This Not That, tổn thương làm chậm quá trình lưu thông máu qua phổi và huyết áp trong động mạch phổi tăng lên. Tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua phổi khiến cơ tim trở nên yếu. Ở một số người, tăng áp động mạch phổi trở nên tồi tệ hơn và có thể đe dọa tính mạng.
Huyết áp có thể tăng lên mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Ảnh: Yasmina. |
Nhức đầu
Theo tiến sĩ Khubchandani, nhức đầu có thể xảy ra do huyết áp rất cao, là một phần của cơn tăng huyết áp.
Khi một cơn tăng huyết áp xảy ra, nó có thể gây ra áp lực lên não, dẫn đến rò rỉ máu từ các mạch máu trong não. Những cơn đau đầu như vậy có xu hướng thay đổi theo bản chất và có thể trở nên tồi tệ hơn khi có các hoạt động căng thẳng.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết: "Nhức đầu xảy ra khi huyết áp từ 180/120 mmHg trở lên. Nếu huyết áp của bệnh nhân bất thường kèm triệu chứng đau đầu hoặc chảy máu cam và cảm thấy không khỏe, hãy đợi 5 phút và kiểm tra lại. Nếu chỉ số của bệnh nhân vẫn ở mức 180/120 mmHg trở lên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức".
Nhức đầu có thể xảy ra do huyết áp tăng cao. Ảnh: Eat This Not That. |
Lú lẫn và chóng mặt
Theo tiến sĩ Khubchandani, lú lẫn, chóng mặt, co giật, tương tự đau đầu, áp lực lên não và lưu lượng máu bất thường có thể dẫn đến các triệu chứng liên quan đến não trong cơn tăng huyết áp hoặc khi huyết áp bị kiểm soát kém.
Một số người có thể bị đột quỵ hoặc xuất huyết não do tăng huyết áp. Viện Quốc gia về Lão hóa cho biết: "Điều gì tốt cho trái tim của bạn sẽ tốt cho não của bạn. Các nghiên cứu quan sát cho thấy huyết áp cao ở tuổi trung niên, khoảng 40-60 tuổi, làm suy giảm nhận thức".
Cao huyết áp là nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong cho người bệnh. Ảnh: News Medical. |
Các vấn đề về thị giác hoặc giọng nói
Tiến sĩ Khubchandani chia sẻ: "Một số ý kiến cho rằng căng thẳng cơ học lên thành mạch máu có thể dẫn đến áp lực hoặc tổn thương mạch máu và dây thần kinh. Kết quả là các cá nhân có thể gặp khó khăn trong việc nói hoặc có bất thường về thị lực trong trường hợp cấp cứu tăng huyết áp".
Cao huyết áp có thể gây ra những thay đổi về thị lực. Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết: "Đôi mắt của bạn chứa nhiều mạch máu nhỏ. Khi chịu tác động lâu dài của huyết áp cao, các tình trạng sau có thể phát triển: Tổn thương mạch máu (bệnh võng mạc), thiếu máu đến võng mạc dẫn đến nhìn mờ hoặc mất thị lực hoàn toàn. Huyết áp cao còn có thể làm suy giảm thần kinh thị giác hoặc tổn thương vùng não".
Cách duy nhất để nhận biết bệnh nhân có bị tăng huyết áp hay không là kiểm tra huyết áp thường xuyên. Ảnh: Harvard Health. |
Lựa chọn lối sống lành mạnh
Tiến sĩ Khubchandani giải thích: "Cách duy nhất để biết bệnh nhân đang bị tăng huyết áp hoặc huyết áp cao là kiểm tra huyết áp".
Một số triệu chứng trên có hoặc không xảy ra trong thời kỳ khủng hoảng tăng huyết áp. Ngay cả khi xảy ra, người bệnh không thể chắc chắn chúng hoàn toàn do huyết áp cao. Vì vậy, lưu ý về mức huyết áp và chẩn đoán là điều quan trọng.
Ngoài ra, cần tuân thủ các biện pháp lối sống lành mạnh và dùng thuốc theo chỉ định.
Xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên là cách tốt nhất để tránh xa bệnh tật. Ảnh: Life. |
Các biện pháp lối sống này bao gồm tăng cường hoạt động thể chất, ăn ít muối và nhiều trái cây rau quả, kiểm soát căng thẳng và trọng lượng cơ thể, duy trì vệ sinh giấc ngủ và thói quen hàng ngày, đồng thời tránh sử dụng rượu, thuốc lá hoặc các chất kích thích.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần chú ý các triệu chứng không nhất quán, không rõ ràng khác có thể xảy ra trong cơn tăng huyết áp là mệt mỏi, uể oải, các vấn đề về thị lực, lo lắng, đau cơ thể, buồn nôn, chảy máu cam.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những con người vượt qua bệnh tật và những trang sách yêu mến cuộc sống ở tuyển tập sách của Zing.