Trẻ sơ sinh thường bị ho nhiều hơn vào mùa thu, đông, khi tiết trời se lạnh, không khí khô hanh. Mùa thu cũng là thời điểm lá rụng, các vi khuẩn nấm mốc phát tán nhiều trong không khí gây ảnh hưởng đến hô hấp của trẻ.
Ho là biểu hiện bình thường của cơ thể nhằm tống đờm, nước mũi, vi trùng, virus, chất nhầy nhớt ra khỏi phế quản, giúp bảo vệ họng và phổi. Tuy nhiên, không phải cơn ho nào cũng an toàn, đôi khi ho kèm theo nhiều dấu hiệu khác là sự cảnh báo về một bệnh nguy hiểm nào đó mà bé mắc phải như viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiêu phế quản hoặc viêm phổi.
Các cha mẹ cần tìm hiểu kỹ và nhận biết những dấu hiệu này để kịp thời đối phó với những tình huống nguy hiểm.
Các cha mẹ cần tìm hiểu kỹ và nhận biết những dấu hiệu ho nguy hiểm ở trẻ. Ảnh: New Kids Center. |
Thông thường, trẻ sẽ có hai biểu hiện ho là ho khan và ho có đờm. Nếu trẻ bị một trong hai kiểu ho này vào thời tiết lạnh, kèm theo sổ mũi, không sốt, và ăn ngủ tốt, chơi đùa tốt và không nôn trớ, đây là biểu hiện ho bình thường.
Cha mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước lọc và các loại nước trái cây. Thông thường, trẻ sẻ tự hết ho trong khoảng một tuần.
Tuy nhiên, nếu ho kèm theo các dấu hiệu dưới đây, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện:
- Ho dai dẳng lâu ngày không khỏi.
- Ho nhiều kèm theo co thắt, cơ thể tím tái. Đây có thể là biểu hiện trẻ bị mắc dị vật trong đường thở. Trường hợp này cần sơ cứu ngay lập tức trước khi đưa trẻ đến bệnh viện.
- Ho kèm theo sốt, nôn trớ, là dấu hiệu của viêm phổi. Trường hợp trẻ ho nhiều về đêm kèm nôn trớ nhưng không sốt là dấu hiệu của trào ngược dạ dày.
- Ho nhiều kèm đờm, trong lồng ngực nghe được tiếng rên rít, là biểu hiện của viêm phế quản hoặc hen suyễn.
Cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ, không nên tự ý mua thuốc trị ho cho trẻ. Ảnh: Romper. |
Tất cả trường hợp ho kèm dấu hiệu bất thường đều cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để xác định tình trạng bệnh và điều trị kịp thời. Tình trạng ho lâu ngày không có sự can thiệp y tế có thể bị biến chứng sang các bệnh nguy hiểm hơn.
Khi trẻ bị ho, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ, không nên tự ý mua thuốc trị ho, thuốc kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc truyền miệng nào vì có thể làm tình trạng ho nặng thêm hoặc gây tiêu chảy, kháng thuốc.
Để phòng tránh ho và các bệnh hô hấp ở trẻ vào mùa đông, cha mẹ cần cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây tươi để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Không nên ủ ấm quá kỹ cho trẻ, khiến trẻ ngột ngạt khó chịu quấy khóc. Đặc biệt, việc mặc quá nhiều quần áo ấm khiến trẻ ra mồ hôi, có thể ngấm vào cơ thể gây cảm lạnh.
Thường xuyên vệ sinh mũi, miệng, mắt của trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9%.
Tuân thủ chặt chẽ đơn thuốc của bác sĩ và có thể nấu một số món ăn dân gian có tác dụng trị ho cho trẻ.