Các loại thực phẩm, thức nói chung nếu không được bảo quản đúng cách sẽ rất dễ bị ôi thiu. Đây là hiện tượng thức ăn có mùi vị chua, xuất hiện sủi bọt, nấm mốc, biến dạng do các vi khuẩn gây hại xâm nhập và phát triển bên trong đồ ăn.
Nguyên nhân khiến thực phẩm bị ôi thiu
Tiến sĩ Luke LaBorde, Phó giáo sư tại khoa Khoa học Thực phẩm tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), cho biết: "Từ quan điểm hóa học, bất kỳ loại dầu hoặc chất béo nào cũng có thể bị ôi thiu. Đó là lý do bạn có thể đã ngửi thấy những mùi hôi thối đó trong một lọ dầu thực vật bị bỏ quên".
Tiến sĩ LaBorde giải thích phản ứng ôi thiu là do phân hủy. Khi dầu hoặc chất béo trong thực phẩm bắt đầu bị phân hủy do các enzym, oxy hoặc nhiệt, chúng "oxy hóa" thành các chất nhỏ hơn hợp chất hóa học được gọi là axit béo. Và chính những hợp chất nhỏ hơn đó tạo ra hương vị và mùi của thực phẩm.
Mỗi nhóm thực phẩm đều có thời gian bảo quản khác nhau, kể cả khi chúng được nấu chín. Việc để lâu thức ăn bên ngoài môi trường sẽ không tránh khỏi sự xâm nhập của một số vi khuẩn gây hại vốn tồn tại bên trong không khí, làm cho thức ăn bị ôi thiu. Ngoài ra, thói quen trộn lẫn nhiều thức ăn với nhau hoặc đậy quá kín đều có thể trở thành nguyên nhân làm cho thức ăn dễ bị ôi thiu.
Bảo quản không đúng cách có thể khiến thực phẩm bị ôi thiu, hỏng. Ảnh: Tasteofhome. |
Ăn thức ăn ôi thiu sẽ không làm bạn bị ốm, nhưng các phân tử mới hình thành trong quá trình oxy hóa có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa. Thực phẩm ôi thiu cũng ít dinh dưỡng hơn vì quá trình oxy hóa phá hủy chất béo tốt và một số hàm lượng vitamin.
Nếu ăn phải thức ăn bị ôi thiu, bạn có thể gặp phải tình trạng ngộ độc như khó tiêu, đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy… Đặc biệt, những người có sức đề kháng yếu như trẻ em, người lớn tuổi hay phụ nữ mang thai lại càng dễ nguy hiểm đến tính mạng hơn.
Cách nhận biết thực phẩm bị ôi thiu
Nhìn, ngửi và sờ cảm nhận là những cách dễ dàng để nhận biết thực phẩm đã hỏng hay chưa. Bạn có thể kiểm tra các món ăn, thực phẩm xem có một hoặc nhiều dấu hiệu hư hỏng này không.
Sờ có cảm giác nhầy nhụa: Nếu các món thịt, đồ ăn có cảm giác bóng, nhầy khi chạm vào hoặc có màu sáng bóng kỳ lạ, có lẽ đã đến lúc bạn nên vứt chúng đi. Các loại rau cũng có thể đã bị hỏng nếu chúng trông sũng nước. Khi đó, chúng bắt đầu bị hỏng và bạn không nên ăn.
Nhìn thấy nấm mốc: Theo Insider, đây có lẽ là cách dễ nhất để biết liệu thức ăn thừa đã hỏng chưa. Các bào tử nhỏ có thể xuất hiện và lây lan nhanh chóng khi thực phẩm để lâu. Ngoài bề mặt của thực phẩm, bạn cần kiểm tra cả mặt dưới của hộp đựng đồ. Nấm mốc có thể ẩn nấp dưới đáy lọ thủy tinh.
Thức ăn bị đổi màu: Một số loại thực phẩm, như bơ, sẽ tự nhiên đổi màu khi tiếp xúc với không khí. Nhưng nếu nó trở nên nhợt nhạt hoặc đổi sang màu xanh lục, bạn nên vứt bỏ chúng.
Có mùi hôi, ôi thiu: Đây không phải là cách dễ chịu nhất để biết thực phẩm đã hỏng hay chưa, nhưng nếu mọi thứ trông có vẻ ổn mà bạn vẫn không chắc chắn, hãy suy nghĩ xem có nên sử dụng nữa không. Nếu có thói quen lưu trữ thức ăn dài ngày trong tủ lạnh, bạn nên ngửi mùi chúng trước khi sử dụng. Nếu phát hiện thức ăn có mùi lạ, khó chịu, bạn hãy bỏ đi ngay lập tức.
Kết cấu bị biến đổi: Nếu không có gì bất thường nhưng vẫn nghi ngờ, bạn có thể kiểm tra kết cấu của thực phẩm. Nếu thực phẩm bị dính vào nhau (chẳng hạn mì ống bị đặc lại) hoặc mềm nhũn, bạn nên vứt bỏ.
Thức ăn thừa đông lạnh bị đóng băng thành sương: Theo tờ Taste of Home, nếu để dành thức ăn thừa trong thời gian dài, bạn vẫn nên kiểm tra chúng trước khi rã đông. Sương giá và các tinh thể đá không có nghĩa là thực phẩm không thể ăn được, nhưng hương vị và kết cấu của chúng sẽ bị ảnh hưởng.
Bạn nên chú trọng đến vấn đề an toàn khi xác định xem thực phẩm có bị hư hỏng hay không và luôn nhớ phương châm đơn giản này: “Khi nghi ngờ, hãy loại bỏ nó”.