Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu hiệu tội phạm trong vụ cô gái tử vong sau khi nâng mũi

Theo luật sư, nếu hành vi của những người trong ekip phẫu thuật đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, họ có thể bị xử lý về một trong 3 tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội, đang điều tra nguyên nhân P.T.D.H. (22 tuổi, quê Long An) tử vong nghi do liên quan việc nâng mũi tại một cơ sở làm đẹp không được cấp giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ ở ngõ 174 phố Tân Mai, phường Tương Mai.

Theo cơ quan chức năng, cơ sở này do H.M.P. (28 tuổi, ở Hà Nội) làm chủ. Chiều 14/1, P.T.D.H. đến thực hiện nâng mũi. Quá trình phẫu thuật, H. có biểu hiện bất thường về sức khỏe và hôn mê nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau 2 tháng nằm viện, cô gái này qua đời.

Trong trường hợp bị xác định có lỗi, những người liên quan sẽ đối mặt tội danh nào?

co gai tu vong sau khi nang mui anh 1

Sự việc xảy ra tại một cơ sở thẩm mỹ không treo biển tên, không được cấp phép hành nghề. Ảnh: H.L.

Tiến sĩ, đại tá Lê Ngọc Khánh (Cố vấn cấp cao Công ty Luật TGS) nhìn nhận trong vụ việc này, công an sẽ tiếp tục củng cố hồ sơ để làm rõ nguyên nhân tử vong của H. Trường hợp nhận định vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự, áp dụng các biện pháp tố tụng, ngăn chặn đối với những người liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Đối với những người này, cơ quan chức năng sẽ nhìn nhận hành vi cấu thành thật chính xác, từ đó xác định họ có thể phạm tội nào trong các tội Vô ý làm chết người (Điều 128), Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp (Điều 129) hay Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 315) thuộc Bộ luật Hình sự 2015.

Đối với tội Vô ý làm chết người, tội danh này có thể áp dụng nếu xác định những người thực hiện phẫu thuật không phải bác sĩ, không có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ hoặc là bác sĩ, có giấy phép hành nghề, không vi phạm quy tắc về nghiệp vụ nhưng vẫn gây ra hậu quả chết người khi tiến hành phẫu thuật.

Đối với tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, tội danh này sẽ áp dụng với người có chuyên môn, có đầy đủ giấy phép hành nghề nhưng không tuân thủ hoặc làm sai quy định, quy tắc trong việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ dẫn tới hậu quả chết người.

Với việc ekip phẫu thuật có sự tham gia của bác sĩ L.N.A., cơ quan chức năng trước mắt sẽ xác minh xem ông A. có đầy đủ giấy phép hành nghề, có tuân thủ đúng quy trình thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ hay không. Tùy thuộc kết quả xác minh, vị bác sĩ này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh tại Điều 128 hoặc 129 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp làm chết một người, người phạm một trong 2 tội này sẽ đối diện mức án tối đa là 5 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội tại Điều 129 còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong khoảng thời gian 1-5 năm.

Đối với những người còn lại trong ekip, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục lấy lời khai để làm rõ chức danh, nhiệm vụ và vai trò của họ trong vụ việc này. Kết quả xác minh những thông tin này sẽ là căn cứ xác định trách nhiệm dân sự và hình sự của họ trong vụ việc.

co gai tu vong sau khi nang mui anh 2

Tiến sĩ, đại tá Lê Ngọc Khánh. Ảnh: TGS.

Đối với tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh hoặc dịch vụ y tế khác, để hành vi cấu thành tội phạm hình sự, cần đáp ứng các yếu tố sau:

- Về mặt chủ thể, người thực hiện hành vi có đủ năng lực trách nhiệm hình sự đạt độ tuổi theo luật định.

- Về mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý.

- Về mặt khách thể, hành vi phạm tội phải xâm phạm vào những quy định của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

- Về mặt khách quan, hành vi này vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh như hành nghề mà không có giấy phép hoặc trái với khả năng chuyên môn.

- Về hậu quả, hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu làm chết từ một người trở lên; gây tổn hại sức khỏe cho từ một người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể lớn hơn hoặc bằng 61%, hoặc gây thiệt hại tài sản ít nhất 100 triệu đồng.

Ngoài ra, Khoản 2, Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định thẩm mỹ viện không được phép sử dụng thuốc, các chất gây tê, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể. Các dịch vụ đó chỉ được thực hiện tại bệnh viện, phòng khám hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đăng ký hoạt động dịch vụ chuyên khoa thẩm mỹ.

Trường hợp này, cơ sở thẩm mỹ đã vi phạm quy định về khám chữa bệnh khi thực hiện nâng mũi mà không được cấp phép thực hiện dịch vụ này. Nếu hành vi vi phạm có đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm hình sự nêu trên, những người trong ekip thực hiện phẫu thuật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015.

Với tình tiết định khung làm chết một người, khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội là 1-5 năm tù.

Ngoài ra, những người có trách nhiệm liên quan còn phải bồi thường thiệt hại cho người thân của chị H. tiền tổn thất tinh thần, tiền mai táng phí, tiền cấp dưỡng mà nạn nhân lúc còn sống có nghĩa vụ cấp dưỡng cùng các khoản tiền hợp lý khác theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Ai chịu trách nhiệm vụ người phụ nữ tử vong sau khi nâng mũi?

Theo luật sư, tùy thuộc kết quả xác minh của cơ quan công an, những người liên quan vụ việc có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Bệnh viện 1A có trách nhiệm ra sao khi bệnh nhân nâng ngực tử vong?

Theo luật sư, cần dựa vào kết luận giám định pháp y về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân nâng ngực để xác định trách nhiệm của ê-kíp phẫu thuật và Bệnh viện 1A.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm