Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Đậu mùa khỉ

Đậu mùa khỉ có thể xâm nhập Việt Nam nhưng khó thành đại dịch

Dù ít có khả năng bùng phát lớn, đậu mùa khỉ vẫn cần được xem là mối quan tâm của tất cả người dân trong thời gian tới.

Bệnh đậu mùa khỉ được WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với 16.000 ca bệnh được phát hiện ở 75 quốc gia. Năm trường hợp trong số này đã tử vong.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cùng các đơn vị hữu quan đã họp khẩn để bàn về phương án ứng phó dịch. Nhiều người dân đang lo ngại về nguy cơ bùng phát một đại dịch tương tự Covid-19.

Khác biệt về đường lây

Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp gần, thông qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp, tiếp xúc chung các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh.

Ngoài ra, sự lây truyền cũng có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang con hoặc trong quá trình tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Đáng chú ý, đường lây chủ yếu của đậu mùa khỉ đến nay được ghi nhận ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.

Tuy nhiên, vị chuyên gia thông tin từ những nghiên cứu và đánh giá hiện tại, bệnh đậu mùa khỉ ít có khả năng bùng phát thành đại dịch, giống như Covid-19 đã làm thời gian qua.

nguy co lay nhiem dau mua khi anh 1

Đậu mùa khỉ có biểu hiện khá rõ ràng với các nốt phát ban, mụn nước, mụn mủ. Ảnh: CNN.

Cùng quan điểm, trả lời Zing, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cho hay đậu mùa khỉ là bệnh do một loại virus thuộc chi Orthopoxvirus gây ra. Các loại virus trong chi này có thể gây các bệnh như đậu mùa, đậu bò, đậu mùa ở các loài lạc đà, đậu mùa khỉ…

Đậu mùa khỉ có các triệu chứng lâm sàng của nhiễm trùng toàn thân như sốt, đau đầu, đau nhức cơ kéo dài 1-10 ngày, trung bình khoảng 5-7 ngày. Sau đó, bệnh nhân sẽ phát ban ngoài da. Các nốt phát ban này tiến triển thành mụn nước và chuyển sang mụn mủ.

“Trong 2-3 tuần tiếp theo, các nốt mụn mủ này sẽ khô dần, đóng vảy và người bệnh sẽ tự hồi phục”, PGS Dũng nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ vẫn có 1% tỷ lệ tử vong hoặc nhiều hơn ở một số trường hợp nhất định.

Về đường lây, ông cho biết bệnh đậu mùa khỉ lây lan chủ yếu do sự tiếp xúc với các mụn mủ, vảy của bệnh đậu mùa qua da, niêm mạc như giao hợp, tiếp xúc gần, ôm… hoặc các giọt bắn lớn tiếp xúc trực tiếp gần người bệnh.

PGS Dũng nói: “Với đường lây như vậy, việc lây từ người sang người là tương đối khó. Với người bình thường, không quan hệ tình dục, tỷ suất tái tạo căn bản (R0) chỉ ở mức dưới 1 (khoảng 0,5-0,8). Tức bệnh đậu mùa khỉ không có khả năng tạo thành dịch ở những người được loại trừ hoạt động giao hợp”.

Tuy nhiên, ở những người có giao hợp với bệnh nhân đậu mùa khỉ, nguy cơ lây lan cao hơn hẳn với R0 từ 1,5 đến 1,8.

“Đây cũng là nguyên nhân khiến đa số trường hợp mắc đậu mùa khỉ trên thế giới là nam giới, có quan hệ tình dục đồng giới và nhiều bạn tình”, vị chuyên gia lý giải.

Trong trường hợp nam giới quan hệ tình dục đồng giới nhưng chỉ có một bạn tình duy nhất, nguy cơ lây nhiễm cũng rất thấp. Trừ khi bạn tình của họ đang nhiễm đậu mùa khỉ.

Về khả năng gây đại dịch của đậu mùa khỉ, PGS Dũng đánh giá tỷ lệ gần như bằng không. Nguyên nhân là hiện bệnh vẫn chỉ tập trung ở nhóm nam giới có quan hệ tình dục đồng giới với nhiều bạn tình.

Nguy cơ đối với Việt Nam

Theo PGS Trần Đắc Phu, bệnh đậu mùa khỉ đến nay chưa xuất hiện tại Việt Nam. Nhưng nguy cơ căn bệnh này xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể.

“Lý do là việc mở cửa trở lại sau dịch Covid-19 khiến sự giao lưu, đi lại của người dân thuận tiện hơn và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới”, ông giải thích.

Mới đây, Bộ Y tế Campuchia xác nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở nước này cũng là ca bệnh đầu tiên của Thái Lan. Trường hợp này đã được phát hiện ở Phnom Penh ngày 23/7 sau khi bỏ trốn và đưa đến bệnh viện ngay sau đó.

Dù ca bệnh được ghi nhận tại quốc gia sát biên giới với Việt Nam, PGS Phu vẫn nhận định nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới từ trường hợp này là không cao do giới chức nước này đã kiểm soát tốt ca bệnh ngay từ sớm.

nguy co lay nhiem dau mua khi anh 2

Một người đàn ông được tiêm vaccine ngừa đậu mùa khỉ ở Montreal, Canada hôm 23/7. Ảnh: AP.

Theo vị chuyên gia, với Việt Nam hiện nay, điều đặc biệt cần làm lúc này là giám sát, kiểm dịch đối với những trường hợp đi từ vùng dịch trở về, từ đó phát hiện sớm ca bệnh.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nâng cao năng lực xét nghiệm, chẩn đoán, xác định và chuẩn bị sẵn sàng các phương án điều trị.

Về vaccine, số lượng vaccine còn hạn chế do việc sản xuất không cao. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chưa quá cần thiết.

“Tôi cho rằng thời điểm này, Việt Nam cũng chưa cần triển khai tiêm vaccine phòng bệnh. Thay vào đó, điều tối quan trọng là nâng cao khả năng giám sát, phát hiện sớm ca mắc”, PGS Phu nói.

Với người dân, những biện pháp phòng, chống dịch đã được Bộ Y tế khuyến cáo rất rõ. Ngoài ra, ông cũng bổ sung người đến những quốc gia đang xuất hiện dịch đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi) cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng chứa virus đậu mùa khỉ.

“Khi quay về Việt Nam, những người này cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn”, PGS Phu nói thêm.

Về vấn đề này, PGS Đỗ Văn Dũng khẳng định đậu mùa khỉ không quá đáng lo ngại. Nguyên nhân là chúng chủ yếu lây qua tiếp xúc gần, từ người có triệu chứng rõ ràng như mụn nước, phát ban, mụn mủ… Do đó, nếu chúng ta biết về nó và phòng tránh, nguy cơ lây nhiễm là hầu như không có.

Ông khuyến cáo: “Mọi người cần tuân thủ các biện pháp vệ sinh an toàn cá nhân như rửa tay, không tiếp xúc gần với người lạ, tránh để họ hắt hơi hay ho khiến giọt bắn chạm vào mặt mình”.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên tránh tiếp xúc gần như ôm, hôn hay quan hệ tình dục với người có phát ban, mụn nước hay mụn mủ…

PGS Dũng cũng có chung quan điểm là với người khỏe mạnh, có ý thức cảnh giác, việc tiêm phòng vaccine đậu mùa khỉ không có lợi.

“Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vệ sinh cá nhân và ý thức công cộng. Việc tiêm chủng chỉ nên thực hiện khi hiệu quả của những phương pháp kể trên không chắc chắn 100%. Trên thực tế, việc tiêm chủng sẽ có những tác dụng phụ, dù nhỏ, chúng vẫn không có lợi”, ông nhận định.

Do đó, vị chuyên gia kết luận khi đứng trước đậu mùa khỉ, người dân chỉ cần cảnh giác và phòng ngừa bằng các biện pháp thông thường là đủ.

Virus đậu mùa khỉ lây lan, WHO sắp họp khẩn

Trước tình trạng số ca mắc đậu mùa khỉ tiếp tục tăng ở nhiều nơi, WHO dự kiến họp khẩn, đánh giá lại đợt bùng phát hiện tại có phải tình trạng y tế khẩn cầu hay không.

Dịch Đậu mùa khỉ

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc WHO công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng. Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus. Độc giả xem toàn cảnh các bài viết về dịch đậu mùa khỉ dưới đây:

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm