Một phụ huynh học sinh (HS) khối 6 năm học 2016-2017 Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa gửi đơn kiến nghị lên Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Hai Bà Trưng, Sở GD&ĐT TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phản ánh một số hiện trạng bất hợp lý trong việc tổ chức dạy và học tại Trường THCS Ngô Gia Tự.
Tự học cũng bị thu tiền
Theo đơn phản ánh, HS khối 6 Trường THCS Ngô Gia Tự ngay vào đầu năm học phải đóng 3 triệu đồng, gồm: Quỹ phụ huynh lớp 1 triệu đồng; tiền mua điều hòa 1 triệu đồng; 860.000 đồng (số này sau được hội cha mẹ HS thu tròn thành 1 triệu đồng) bao gồm các khoản thu của trường cộng quỹ phụ huynh.
Ngoài khoản chi phí đầu năm 3 triệu đồng đó, tại buổi họp phụ huynh đầu năm vừa diễn ra, nhà trường thông báo đến phụ huynh các khoản đóng góp như sau: Chi phí học tiếng Anh theo chương trình Language Link kỳ 1 là 3 triệu đồng (tổng 2 kỳ/năm học 6 triệu đồng); mua tài liệu Language Link 460.000 đồng;
Chi phí học thêm chiều 3 môn Văn, Toán, Anh là 1.250.000 đồng/tháng; chi phí câu lạc bộ và tự học 360.000 đồng/tháng; chi phí ăn bán trú 30.000 đồng/bữa (trung bình 22 bữa x 30.000 đồng = 660.000 đồng/tháng); chi phí trông trưa 150.000 đồng/tháng.
Như vậy, trung bình hằng tháng, mỗi HS phải đóng: 1.250.000 đồng học thêm Văn - Toán - Anh; 600.000 đồng học Language Link (tạm chia trung bình 3 triệu đồng cho 5 tháng học kỳ 1); 360.000 đồng chi phí câu lạc bộ + tự học; 700.000 đồng ăn bán trú; 150.000 đồng trông bán trú...
Tổng chi phí tối thiểu mỗi tháng là trên 3 triệu đồng.
Trường THCS Ngô Gia Tự, nơi có phụ huynh phản ánh về tình trạng thu những khoản thiếu hợp lý. Ảnh: Người Lao Động. |
Đáng chú ý, đơn phản ánh của phụ huynh cho rằng tất cả khoản mục đều bắt buộc tham gia vì nhà trường giải thích “đây là theo mô hình” và buộc phụ huynh phải thể hiện bằng các đơn đăng ký tự nguyện.
Theo phụ huynh trên, học thêm là nhu cầu của HS nhưng chi phí học thêm 3 môn Văn - Toán - Anh mà Trường THCS Ngô Gia Tự thu là quá cao: 1,2 triệu đồng/tháng/3 môn/20 buổi, trung bình mỗi HS đóng 400.000 đồng/môn/8 buổi/lớp 50 HS.
“Thiết nghĩ chương trình dạy thêm của trường tổ chức với mục đích bổ trợ kiến thức cho HS thì nên dừng ở 1 buổi/môn/tuần là hợp lý với chi phí 500.000 đồng/3 môn/ tháng như một số trường THCS trên địa bàn Hà Nội hiện đang áp dụng”, phụ huynh này kiến nghị.
Ngoài ra, chi phí đóng tiền học thêm 2 tuần trước khi khai giảng (từ ngày 15 đến hết 31/8), nhà trường thu tiền học của HS là 1.250.000 đồng/11 buổi. Với chi phí này, tính trung bình hơn 100.000 đồng/buổi/lớp 50 HS. Chi phí này quá cao và không căn cứ trên bất cứ định mức nào.
Phải công khai các khoản thu để lấy ý kiến
Năm học 2016-2017 là năm học đầu tiên các trường học trên địa bàn Hà Nội áp dụng tăng mức học phí các cấp học theo tinh thần Nghị quyết số 03. So với năm học trước, học phí năm nay tăng khá đáng kể.
Tuy nhiên, ngoài học phí là khoản thu theo quy định, trong trường học hiện nay còn có 2 loại khoản thu khác là thu thỏa thuận (tiền ăn, bán trú, nước uống, đồng phục, dạy - học thêm...) và thu tự nguyện (mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học, sửa chữa, trang trí trường, lớp...).
Tuy các khoản thu thỏa thuận đã được quy định rõ mức trần nhưng cũng là một khoản không nhỏ. Cụ thể, với bậc THCS, tiền chăm sóc bán trú không quá 150.000 đồng/HS/tháng; trang thiết bị phục vụ bán trú 100.000 đồng/HS/năm; học 2 buổi ngày 150.000 đồng/HS/tháng, tiền nước uống 12.000 đồng/HS/tháng...
Tính sơ bộ, cả tiền học phí, BHYT và các khoản thu thỏa thuận trên, một HS cấp THCS đóng khoảng 1,5-1,6 triệu đồng vào thời điểm đầu năm học.
Các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của lớp, trường luôn luôn là vấn đề làm đau đầu các phụ huynh. Theo quy định, các trường được phép huy động sự đóng góp của phụ huynh nhưng phải tuân theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp. Tuy nhiên trên thực tế, việc kiểm soát tình hình thu góp các khoản tự nguyện tại cơ sở không đơn giản.
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội), cho biết năm học 2016-2017, đối với khoản khác ngoài học phí, trong đó bao gồm cả khoản thu tự nguyện, nhà trường phải tuân thủ theo đúng quy trình 4 bước với những phần việc bắt buộc, tuyệt đối không được “làm tắt” để đạt được sự tự nguyện. Đây là cơ sở giúp các trường triển khai thực hiện, cũng là căn cứ pháp lý để cơ quan quản lý giám sát, kiểm tra.
Theo quy định thì sau khi thống nhất kế hoạch, dự trù kinh phí mua sắm, nhà trường phải công khai thông tin trong ít nhất một tuần để tiếp thu góp ý và chỉ được triển khai sau khi có sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp. Dù vậy trên thực tế, rất nhiều nơi “làm tắt” quy trình khiến phụ huynh bức xúc vì cách làm thiếu công khai, minh bạch.
TP.HCM: Chỉ được thu các khoản thu hộ, chi hộ
Ngày 16/9, Sở GD&ĐT TP.HCM có văn bản hướng dẫn các đơn vị giáo dục về thực hiện các khoản thu đầu năm học trong khi chờ hướng dẫn của liên sở.
Theo đó, căn cứ nghị quyết của HĐND và UBND TP.HCM về cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2016-2017 đến 2020-2021 trên địa bàn TP, trong khi chờ hướng dẫn của liên Sở GD&ĐT TP.HCM và Sở Tài chính TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị các đơn vị chỉ được thu các khoản thu hộ, chi hộ phục vụ cho nhu cầu của học sinh đầu năm học 2016-2017, ngoài ra không thực hiện các khoản thu khác.