Dấu tích lịch sử trong đường hầm chủ chốt thời Thế chiến II
Thứ bảy, 12/8/2017 17:00 (GMT+7)
17:00 12/8/2017
Hệ thống đường hầm ẩn trong lòng thủ đô Valleta của Malta chứa nhiều vết tích cho thấy vai trò to lớn của địa điểm này trong các chiến dịch của quân Đồng Minh thời Thế chiến II.
Sau 40 năm bị bỏ quên, hệ thống đường hầm dài hơn 27 km dưới lòng thành phố Valletta đang được khôi phục và sẽ mở cửa chào đón công chúng tham quan. 28.000 m2 đường hầm hiện trong quá trình sửa chữa.
Trong nhiều năm, nước và độ ẩm cao khiến mọi vật bị phủ bởi rỉ sét và nấm mốc. Một số khu vực đã bị phá hủy, nhưng rất nhiều dấu vết về bộ máy quân sự từng điều hành khu phức hợp này vẫn còn tồn tại. Giường cũi nhà binh, hàng búi dây cáp rối và điện thoại để bàn phủ đầy bụi nằm rải rác trong không gian chật hẹp.
Valletta là một thành phố pháo đài hùng vĩ. Nét quyến rũ bí hiểm mà mạnh mẽ khiến thủ đô của Malta trở thành bối cảnh yêu thích cho những bộ phim nổi tiếng như "Võ sĩ giác đấu" (Gladiator), "Troy" hay "Trò chơi vương quyền" (Game of Thrones). Nằm ở vị trí chiến lược giữa châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông, toàn bộ thành phố như một boong-ke ẩn, với rất nhiều lối vào ngầm xẻ ngang dọc bên dưới. Lý do vì sao nó vẫn đứng vững, không bị sụt xuống biển Địa Trung Hải còn là bí ẩn.
Trong Thế chiến II, Malta là đất nước duy nhất theo quân Đồng Minh nằm giữa Gibraltar và Ai Cập. Vừa là căn cứ không quân và hải quân, Malta đóng vai trò lớn trong việc cắt đứt đường dây hậu cần từ Italy đến châu Phi, gây khó khăn cho chiến dịch châu Phi của Thống chế huyền thoại có biệt danh "Cáo sa mạc" Erwin Rommel. Tuyến đường ngầm qua thủ đô Valletta cũng tương đối an toàn cho những chuyến tiếp tế của quân Đồng Minh đến và đi từ Trung Đông.
Malta là hố bom trong các cuộc tấn công dồn dập của phát xít Đức và Italy để giành quyền kiểm soát Địa Trung Hải những năm 1940-1942. Nhưng chúng đã không thành công trong việc buộc người Anh cố thủ trong các tuyến đường hầm này ra ngoài.
Hiểu rõ giá trị chiến lược của Malta, người Đức đã dội hơn 15.000 tấn bom vào quốc gia nhỏ bé trong 3.343 cuộc không kích. Số bom Malta phải hứng chịu trong 6 tháng nhiều hơn số bom ném xuống London trong cả cuộc chiến.
Trong sự kiện có tên Cuộc vây hãm của người Đức, lực lượng phòng vệ Malta phải đối mặt với thiếu hụt nhiên liệu, đạn dược, máy bay, tàu, thực phẩm... và rất nhiều thứ cần cho cuộc chiến. Tuy nhiên, sau khi kiểm soát được tình hình ở Anh, bộ chỉ huy cao cấp ở London cuối cùng cũng để ý đến Malta và tăng cường viện trợ.
Với sự góp mặt của Mỹ vào Thế chiến, Malta không chỉ là chốt bảo vệ của Đồng Minh, mà còn trở thành quân cờ chiến lược. Điều này được thể hiện rõ nhất trong Chiến dịch Husky, một trong những chiến dịch lớn nhất Thế chiến II, chuẩn bị cho Trận Normandie, chấm dứt sự điên rồ của Hitler và Đức Quốc xã.
Kế hoạch khôi phục hệ thống đường hầm trị giá hàng triệu USD được bắt đầu năm 2009, do nhóm bảo tồn phi chính phủ Malta Heritage Trust đứng ra điều hành.
Công chúng sắp có cơ hội tiếp cận khu tổ hợp được người Anh sử dụng cho các hoạt động hải quân quan trọng những năm 1940-1945. Sang đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hệ thống đường hầm được sử dụng để theo dõi tàu ngầm của Liên Xô.
Quyết định này khiến khiến hàng loạt người tị nạn bị bỏ lại dù đã hoàn tất quy trình phức tạp và phải đối mặt với nguy cơ xa cách người thân đã ở Mỹ trong thời gian dài.