Nhiều người chuẩn bị hàng chục bộ quần áo mới để diện trong dịp nghỉ Tết kéo dài. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
"Dịp nghỉ Tết năm nay, tôi chuẩn bị 12 bộ quần áo mới. Tôi lên kế hoạch chụp nhiều ảnh đẹp dịp đầu xuân, không dịp nào mặc trùng trang phục", Trâm Đào (TP Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ với Zing.
Treo loạt quần áo mới vào tủ, Trâm cho biết đã tiêu tốn vào đây hơn 11 triệu đồng. Suốt 7 ngày nghỉ Tết, mỗi ngày, cô đều diện một bộ váy áo mới không tính đồ mặc ở nhà. Thậm chí, có ngày cô thay đổi 2 bộ khác nhau để phù hợp với dịp gặp gỡ họ hàng, bạn bè.
Trâm Đào chi 11 triệu đồng để mua 12 bộ quần áo mặc Tết. |
Chuẩn bị kỹ
Tương tự Trâm Đào, Nhật Vy (24 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng chuẩn bị số lượng quần áo lớn để diện cho dịp nghỉ Tết.
Từ cuối tháng 12/2022, nhân viên văn phòng này đã đi lùng mua các mẫu áo dài độc đáo. Tuy nhiên, các sản phẩm may sẵn lại không vừa vặn, buộc cô phải chi thêm tiền và chờ đợi để đặt may riêng một chiếc phù hợp với vóc dáng.
Cô lựa chọn kiểu áo dài vải trơn, dáng suông truyền thống với màu đỏ trầm. Đây cũng là trang phục mà cô cùng gia đình đi chúc Tết, lễ chùa đầu năm.
Những ngày Tết còn lại, trong các dịp hẹn hò hoặc gặp gỡ bạn bè, cô mặc những chiếc váy, đầm cắt xẻ trẻ trung.
"Trước Tết một tháng, đêm nào tôi cũng thức đến khuya để xem và tìm mua quần áo trên Internet. Có shop thời trang đăng hàng nghìn sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, tôi xem không sót mẫu nào", Vy kể lại.
Nhật Vy tính toán việc mua quần áo từ trước Tết một tháng. |
Trong khi đó, đến đêm 30 Tết, Ái Vi (25 tuổi, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) mới có thời gian đi mua sắm quần áo.
Vào dịp năm mới, cô muốn mặc nhiều màu sắc nổi bật thay vì những tông màu trung tính như trắng, đen, be, xám đã theo đuổi suốt cả năm qua.
Chen chân vào những cửa hàng quần áo đang giảm giá vào ngày cuối năm, Vi cố chọn cho mình vài chiếc áo kiểu và 2 chiếc quần jean. Chiếc áo dài cách tân và áo khoác vải dạ tweed cũng được cô nhanh tay đặt lên bàn thanh toán.
Xách túi lớn quần áo ra khỏi cửa hàng, Vi cho biết chừng đó là chưa đủ để mình diện những ngày du xuân. Nhưng vì thời gian mua sắm hạn hẹp, cô đành chấp nhận tận dụng lại những món đồ cũ ít mặc hoặc chưa từng chụp hình đăng mạng xã hội.
"Tôi cũng sẽ thử phối đồ theo nhiều cách khác nhau để ra outfit mới", Vi hào hứng.
Tết năm nay, Ái Vi muốn mặc trang phục nổi bật hơn. Tuy nhiên, cô vẫn sẽ tận dụng lại những item cũ chưa chụp ảnh hoặc ít mặc. |
Thùy Dương (25 tuổi, TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng yêu thích việc ăn diện vào dịp Tết, song lại ưu tiên việc mua sắm những mẫu quần áo có thể mặc lại trong nhiều dịp khác nhau.
Năm nay, cô sắm cho mình 2 chiếc váy và một bộ đồ gồm quần, áo sơ mi và áo khoác blazer.
"Tôi chủ yếu mua đồ qua các trang thương mại điện tử. Năm nay, tôi chỉ chi khoảng 1,5 triệu đồng cho tất cả giày dép, túi xách và quần áo mặc Tết", Dương chia sẻ.
7 ngày không trùng nhau
Những bộ đồ mà Thùy Dương lựa chọn đều theo phong cách tối giản, có màu đen chủ đạo nên khá dễ mặc và phối hợp cùng phụ kiện.
"Nhiều người quan niệm rằng năm mới không nên mặc đồ màu đen vì khá u ám và thiếu sức sống. Tuy nhiên, tôi lại thấy đồ đen rất thực tế, mặc đi chơi hay đi làm đều sang trọng và lịch sự", cô bộc bạch.
Ngày đầu năm mới, Dương diện một chiếc váy đen có phần cổ và tay áo bằng ren điệu đà giúp tạo điểm nhấn. Để phù hợp với bộ trang phục, cô thả tóc và uốn xoăn nhẹ nhàng.
Những ngày còn lại, cô thường mặc váy đen và set đồ blazer lịch sự để đi cà phê chụp ảnh cùng bạn bè.
Muốn 7 ngày quần áo không "đụng hàng" nhau, Dương ưu tiên phối các kiểu áo khác nhau với 1-2 chiếc váy "ruột" đã có sẵn để tránh sự nhàm chán.
Thùy Dương ưu tiên việc mua sắm các item có thể sử dụng lại trong nhiều dịp. |
Trong số 12 bộ đồ mới của Trâm Đào, phần lớn là những bộ áo dài với đủ kiểu dáng, họa tiết và màu sắc.
"Tôi thích mặc áo dài vào dịp Tết vì vừa phù hợp với truyền thống, vừa góp phần tạo bầu không khí sắc xuân. Đa số bộ sưu tập là áo dài cách tân rộng rãi, thoải mái, có tà suông và tay dài", Trâm chia sẻ.
Ngoại trừ việc trang phục phải phù hợp với địa điểm, Trâm còn đặt yếu tố thời tiết lên hàng đầu. Vì vậy, những bộ áo dài cô chọn đều có chất liệu thoáng mát để thoải mái dạo phố và di chuyển giữa các nơi.
Màu sắc của áo dài cũng rất phong phú. Bên cạnh đỏ, vàng, Trâm cũng thích những bộ có màu sắc nhẹ nhàng như trắng, xanh, vàng nhạt in họa tiết hoa, lá.
Trâm Đào chú ý tìm mua những mẫu áo dài để đi du xuân. |
Trong khi đó, Nhật Vy thừa nhận những trang phục để mặc vào dịp Tết của cô chủ yếu chỉ để chụp ảnh một lần rồi thôi. Không có quá nhiều dịp trong năm để cô gái trẻ sử dụng lại những outfit đặc biệt nổi bật này.
Khi đã có ảnh đẹp đăng tải lên mạng xã hội, Vy cho biết cô cũng hiếm khi muốn mặc lại để chụp ảnh.
Từ mùng 1 đến mùng 3 Âm lịch, cô thay đến 6 bộ trang phục khác nhau, sáng một bộ, chiều lại một bộ khác. Vy cho rằng với số quần áo đã kịp mua trước Tết, cô có thể mặc liên tục 6 ngày đầu năm không trùng nhau.
"Qua Tết, tôi sẽ đăng bán lại những bộ quần áo đắt tiền mà mình chỉ mặc một lần. Từ trước đến nay, tôi vẫn hay sử dụng cách này để vừa được mặc đẹp, có ảnh đẹp và quần áo vẫn có thể đến tay người cần", cô nói với Zing.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.