Trước đó khoảng 2 tháng, ông M. cho biết nhận thấy xuất hiện đau vùng chậu hông bên phải, đau tăng dần, làm hạn chế vận động chân phải. Ông M. còn nghĩ do thoái hóa hoặc sai tư thế.
Ông M. đi khám phát hiện khối u xương cánh chậu phải, đã được sinh thiết chẩn đoán là Sarcoma xương chậu phải, nhập viện vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, để điều trị.
Các bác sĩ sinh thiết khối u xương chậu dưới hướng dẫn của CT, kết quả mô bệnh học và hóa mô miễn dịch phù hợp Sarcoma đa hình không biệt hóa.
Sau 6 đợt điều trị hóa chất, ông M. đáp ứng tốt với điều trị, lâm sàng và cải thiện rõ rệt, đỡ đau vùng chậu hông phải, vận động tốt hơn. Bệnh nhân có thể tự đi lại được, không cần sử dụng các thuốc giảm đau. Chụp cộng hưởng từ vùng chậu: khối u xương chậu kích thước nhỏ lại >90%.
Tỷ lệ ung thư xương gia tăng. Ảnh: Infonet. |
Theo GS Mai Trọng Khoa - nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư xương nguyên phát là loại ung thư xuất phát từ các thành phần của xương, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong ung thư (<0.2%). Có nhiều loại ung thư xương mà tên gọi dựa trên mô bệnh học của chúng.
Trong đó, sarcoma xương (35%), sarcoma sụn (30%) và sarcoma Ewing (16%) là 3 loại phổ biến nhất của ung thư xương. Sarcoma sụn phát sinh từ mô sụn, thường được phát hiện ở người trung tuổi trở lên. Còn Sarcoma xương phát sinh từ mô xương và sarcoma Ewing là loại không rõ nguồn mô học, thường phát triển ở trẻ em và người trẻ tuổi.
Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân Sarcoma xương là 20. Với những bệnh nhân trên 65 tuổi, Sarcoma xương phát triển như bệnh ác tính thứ phát liên quan bệnh Paget.
Đối với hầu hết trường hợp Sarcoma xương, đau tại chỗ là triệu chứng đầu tiên. Lúc đầu thường đau ít và không liên tục, sau đau liên tục và kéo dài, toàn thân mệt mỏi. Đau tăng làm bệnh nhân hạn chế vận động, ảnh hưởng sinh hoạt, công việc của bệnh nhân.
Có thể thấy các khối u kèm theo với đau, hay gặp tại xương dài, ở hành xương: Đầu trên xương chày, đầu dưới xương đùi, vị trí ít gặp hơn là đầu trên xương cánh tay, đầu trên xương đùi, có thể tổn thương các xương dẹt như xương chậu, xương bả vai.
Ngoài ra, bệnh có các triệu chứng khác như teo cơ, sưng nề, gãy xương tự nhiên... Sarcoma xương lan tràn theo đường mạch máu, hay di căn tới phổi nhất, có thể có hoặc không có triệu chứng tại phổi.
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, kết hợp với cận lâm sàng như Xquang, CTscan, MRI, xạ hình xương, PET/CT, xét nghiệm LDH, ALP, mô bệnh học... đưa ra chẩn đoán xác định và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.
Tiên lượng bệnh dựa vào vị trí và kích thước khối u, tuổi của bệnh nhân, có di căn hay không, vị trí di căn, mô bệnh học để lựa chọn hóa trị hay phương pháp phẫu thuật và vùng phẫu thuật...