Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dạy bơi trong nhà trường: Giáo dục làm không xuể

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), cho rằng, để thực hiện phổ cập, đại trà việc dạy bơi cho học sinh trong trường học, mỗi ngành giáo dục làm không xuể.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những biện pháp mà Bộ GD&ĐT thực hiện để phòng chống đuối nước cho học sinh, ông Ngũ Duy Anh đánh giá: Chỉ mình ngành giáo dục sẽ không có kinh phí và không đủ nguồn lực để thực hiện việc này.

- Bộ GD&ĐT đã đưa nội dung bơi lội vào chương trình giáo dục thể chất, thể dục trong trường học chưa?

- Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đưa môn bơi là môn học tự chọn vào chương trình giáo dục thể chất trong các trường phổ thông từ những năm 1980, tuy nhiên việc triển khai còn gặp vô cùng khó khăn.

Việc tổ chức dạy bơi trong nhà trường vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến số lượng trường học được đầu tư bể bơi là rất ít (hầu như chưa có), chỉ có ở một số trường điểm, trường chuẩn quốc gia (số trường này rất ít).

Đội ngũ giáo viên môn giáo dục thể chất biết bơi và biết dạy bơi còn hạn chế và thiếu, hơn nữa trường không có bể bơi, họ cũng không có cơ sở vật chất để dạy.

Việc triển khai công tác phòng tránh tai nạn đuối nước trong nhà trường mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền nhận thức giáo dục hành vi.

Đầu năm 2010, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 664/BGDĐT-CTHSSV hướng dẫn các sở GD&ĐT triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học, bộ đều nhắc nhở các địa phương chú trọng thực hiện việc này.

Hàng năm, Bộ GD&ĐT cũng thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức xã hội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao về kỹ năng dạy bơi và cứu đuối nước cho các giáo viên dạy bơi cốt cán của các tỉnh.

xay be boi trong truong hoc anh 1

Một buổi học bơi của học sinh Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, TP HCM. Ảnh:Tuổi Trẻ.

- Trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã có giải pháp gì để hạn chế tình trạng đuối nước của học sinh?

- Thời gian qua Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương thực hiện một số nội dung như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội, đặc biệt là với phụ huynh về phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh; có biện pháp cảnh báo, nhắc nhở học sinh về tai nạn đuối nước; quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng bể bơi, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy bơi trong nhà trường; đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội về vấn đề trên...

Tuy nhiên, đến nay, số lượng các trường được trang bị bể bơi rất hạn chế. Sau khi có văn bản chỉ đạo, mới chỉ được một số tỉnh thành triển khai.

Cụ thể, TP Đà Nẵng có hơn 20 trường tiểu học và THCS được trang bị bể bơi mini (5mx12m) theo chương trình dự án Bơi an toàn Đà Nẵng của Hiệp hội Cứu hộ hoàng gia Úc, duy trì triển khai dạy bơi cho học sinh từ năm 2009 đến nay và đạt hiệu quả cao.

UBND tỉnh Hải Dương đầu tư xây dựng 20 bể bơi ở các trường tiểu học và THCS hiện đã phổ cập bơi cho học sinh.

TP HCM thực hiện mô hình xã hội hóa việc dạy bơi bằng cách nhà trường, gia đình kết hợp với các trung tâm thể thao, các tổ chức, tư nhân có bể bơi, sắp xếp và bố trí dạy bơi cho học sinh trong các giờ học giáo dục thể chất (gia đình đóng góp kinh phí, đưa đón con em đến địa điểm học bơi; nhà trường bố trí giáo viên quản lý và trung tâm bố trí giáo viên dạy bơi cho học sinh).

Ngoài ra, một số tỉnh khác cũng dạy bơi dưới nhiều hình thức như: dạy bơi trên cạn, mô hình lồng bơi trên sông, kênh, rạch... Tuy nhiên, cách làm này được đánh giá là chưa hiệu quả, chưa kể gặp nhiều khó khăn như: môi trường nước ô nhiễm, học sinh dễ nhiễm các loại bệnh tật; phụ huynh cũng rất ngại cho con em tham gia các lớp học bơi theo mô hình lồng bơi này.

- Vì sao bộ chưa triển khai xã hội hóa việc dạy bơi cho học sinh?

- Theo tôi, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, thời gian tới ngành giáo dục phải tạo điều kiện xã hội hóa trường học, thu hút các tổ chức, cá nhân vào xây bể bơi để dạy bơi cho học sinh. Ngoài ra, cần vận động phụ huynh, các tổ chức xã hội chung tay cùng nhà trường, phối hợp với các đơn vị, tổ chức có bể bơi, bố trí thời gian dạy bơi hợp lý cho học sinh.

Tuy nhiên, để làm được như vậy rất cần sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội. Bởi nếu chỉ có ngành giáo dục cố gắng mà không được sự ủng hộ của phụ huynh và các tổ chức xã hội thì cũng khó để triển khai.

Quan trọng là địa phương có tích cực làm hay không!

Theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, chương trình dạy bơi cho trẻ em manh nha triển khai từ năm 2006, trong khuôn khổ dự án phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em do UNICEF tài trợ.

Chương trình này kéo dài đến năm 2011 nhưng từ đó đến nay thì gần như ngưng vì không có tiền.

“Khi còn làm việc tại Cục Trẻ em, chúng tôi đã có nhiều công văn cho Bộ GD-ĐT để triển khai chương trình dạy bơi trong trường học, nhưng Bộ GD-ĐT nói không có kinh phí nên để tùy từng địa phương, nơi nào triển khai được thì làm. Thực tế, dạy bơi theo hình thức của chúng tôi thì không cần kinh phí nhiều, quan trọng là người đứng đầu ngành giáo dục hay địa phương đó có tích cực hay không” - ông An bình luận.

Theo ông An, dạy bơi theo phương pháp mà dự án phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đã từng triển khai là làm khung sắt, trùm bạt và đổ nước vào khung bạt ngay sân trường, hoặc làm lưới ngăn ở ao hồ để dạy bơi cho trẻ, không tốn quá nhiều kinh phí và cũng không cần xây dựng bể bơi tại trường học.

Tuy nhiên dù rẻ tiền và có hiệu quả, nhưng cũng chưa có nhiều địa phương tiếp tục triển khai chương trình.

“An Giang, Đồng Tháp là hai trong số các tỉnh khu vực ĐBSCL có số trẻ đuối nước giảm hẳn, vì địa phương thấy sự cần thiết của việc dạy bơi cho trẻ em. Nhưng ở khu vực phía Bắc thì Nghệ An, Thanh Hóa hay ngay Hà Nội đều có số trẻ tử vong do đuối nước hằng năm không giảm nhiều. Từng có địa phương 15 ngày đầu hè có 20 trẻ tử vong vì đuối nước.

Chúng tôi rất muốn đẩy nhanh chương trình dạy bơi cho trẻ. Ngay chương trình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ vừa mới ký tháng 3 vừa qua cho giai đoạn 2016-2020 cũng đặt mục tiêu rõ ràng lắm, nhưng triển khai lại chưa rõ ràng vì cũng chưa có tiền.

Mà dạy bơi thì thực tế không cần nhiều tiền, chưa kể là còn có thể xã hội hóa để phụ huynh tham gia đóng góp” - ông An cho biết.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160422/day-boi-trong-nha-truong-giao-duc-lam-khong-xue/1088479.html

Theo Thanh Hà - Lan Anh/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm