Nhiều cha mẹ không ngần ngại chia sẻ kiến thức giáo dục giới tính khi con đang ở tuổi mầm non, tiểu học. Ảnh: Pexels. |
Từ khi con gái lên 2 tuổi, chị Trần Thư (sống tại Hà Nội) đã dạy con các kiến thức về vấn đề giới tính. Ở tuổi chưa biết đọc, nói cũng chưa thạo, con chị Thư đã biết em bé là kết quả của việc trứng gặp tinh trùng. Tuy nhiên, em chưa biết rõ vì sao quá trình này có thể xảy ra.
Chị Thư cũng cho con xem các kênh truyền hình về khoa học. Thông qua các chương trình về thế giới động vật, con chị đã biết các hoạt động sinh sản của động vật.
Khi lên 4-5 tuổi, trẻ bắt đầu hình thành các khái niệm giới tính. Đối với người mẹ, dạy con các chủ đề liên quan giáo dục giới tính là một điều tốt, dạy càng sớm, con càng có thêm nhiều kiến thức và nhận thức để bảo vệ bản thân.
Con chị Triệu Biển đọc sách về giáo dục giới tính từ khi mới lên lớp 1. Ảnh: NVCC. |
Kiến thức ở trường chưa đủ nên cho con đọc thêm sách
Chị Triệu Biển (sống tại Hà Nội) cũng dạy con nhiều điều về giới tính, tuổi dậy thì từ khi con mới lên tiểu học. Chị Biển có hai con, con gái học lớp 3 và con trai học lớp 1. Ở trường, hai bé được tham gia môn tự chọn về kỹ năng sống. Chương trình này có các nội dung liên quan giáo dục giới tính, nhưng trẻ lớp 5 mới được học kỹ, trẻ lớp bé hơn chưa được học quá nhiều.
Chị Biển đánh giá cao những hoạt động, kiến thức nhà trường cung cấp cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chị không thể chờ đến khi con lên lớp 5 mới được tiếp cận đủ nội dung cần thiết liên quan giới tính, sức khỏe sinh sản.
Do đó, ngay từ khi con học lớp 1, chị đã mua sách liên quan giới tính để con tự đọc và tìm hiểu. Tuần trước, khi có hội sách, con chị Biển cũng chủ động xin mẹ mua hai cuốn sách về giới tính để đọc thêm.
Dù mới chỉ học lớp 3, nhưng nhờ được mẹ cho đọc sách sớm, bé Na (con gái chị Biển) đã biết bản thân đang ở giai đoạn nào của tuổi tiền dậy thì. Em còn chủ động kể lại cho mẹ mỗi khi đọc được những điều hay trong sách.
Bé Na còn chủ động xin mẹ mua áo lót dù em chưa dám mặc đi học vì ở lớp các bạn chưa ai mặc. Với những kiến thức phức tạp như chuyện kinh nguyệt, chị Biển sẽ giải thích cho con bằng những từ đơn giản để con dễ hiểu và nhớ lâu hơn.
Không chỉ dạy con gái, chị Biển cũng dạy con trai loạt thông tin liên quan sức khỏe, giới tính dành cho bé trai. Con trai út của chị biển không thường xuyên đọc sách như con gái lớn, nhưng chị vẫn chọn một số cuốn sách phù hợp với độ tuổi của con, nhiều hình minh họa dễ hiểu để con tự đọc.
Cá nhân chị Biển đánh giá việc để con đọc sách sẽ hiệu quả hơn việc người lớn giải thích suông bằng lời. Lý do là sách giáo dục giới tính cho trẻ thường được xây dựng thành câu chuyện, nhiều hình ảnh minh họa dễ hiểu, câu chữ cũng phù hợp với trẻ nhỏ nên các em có thể tiếp thu tốt hơn.
Dạy con mọi lúc, kể cả lúc tắm cho con
Không chỉ cho con đọc sách, chị Triệu Biển còn tranh thủ dạy hai con biết tự bảo vệ bản thân, không đi cùng người lạ, không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm, kể cả người quen.
Những thông tin này không thể dạy một lần mà trẻ nhớ ngay, nên chị Biển nhắc nhở con thường xuyên để con rèn thói quen ghi nhớ và thực hiện. Ngay cả lúc tắm cho con, chị cũng tranh thủ chỉ cho con những bộ phận nào con phải bảo vệ, không được cho người khác chạm vào.
Phụ huynh cho rằng giáo dục giới tính, tình dục cho con là điều nên làm, không phải "vẽ đường cho hươu chạy". Ảnh minh họa: Pexels. |
Tương tự, chị Trần Thư cũng thảo luận những chủ đề này với con khi rảnh rỗi. Chị Thư thông tin chị bắt đầu thảo luận chuyện tình yêu với các con khi con mới lên lớp 1. Bí quyết của chị là để con sẵn sàng chia sẻ, cha mẹ phải chủ động kể chuyện của mình trước.
Với trẻ ở độ tuổi tiểu học, còn non nớt, phụ huynh nên kể những câu chuyện phù hợp với độ tuổi của con. Khi con lớn hơn, cha mẹ có thể đào sâu hơn các khía cạnh liên quan để dạy con, dạy thêm cho con lúc đó cũng chưa muộn.
Bên cạnh chuyện tình cảm, chị Thư cũng giáo dục con về cảm xúc. Theo đó, chị dạy con rằng cảm xúc khác giới là điều bình thường, đây cũng là cách thế giới duy trì nòi giống. Thông qua những câu chuyện của mẹ, con chị Thư được biết về hormone trong cơ thể con người như serotonin, endorphin, dopamine hay oxytocin.
Trong đó, hormone oxytocin tiết ra khi 2 người có tình cảm có hành động thân mật với nhau. Khi lồng ghép các kiến thức khoa học, chị Thư dạy con chọn bạn trai theo các yếu tố khách quan thay vì chạy theo cảm xúc cá nhân.
“Mình dạy con hormone oxytocin cũng giống như các loại hormone khác trong não, sau một thời gian sẽ ít đi, khiến con người thấy ít yêu hơn, hoặc không yêu nữa. Do vậy, sau này, con yêu ai, lấy ai, con phải nhìn vào 3 yếu tố là tốt tính, chăm chỉ, thông minh”, người mẹ cho hay.
Nói thêm về lý do giáo dục giới tính cho con từ sớm, chị Triệu Biển nói rằng tâm lý của trẻ phát triển theo từng thời kỳ, mỗi thời kỳ gắn bó với một độ tuổi nhất định và không tách rời khỏi sự phát triển của sinh lý.
Nói cách khác, sinh lý và tâm lý có mối quan hệ biện chứng với nhau nên cha mẹ không thể chỉ dạy con vấn đề tâm lý khi tách rời vấn đề sinh lý.
Hiện nay, nhiều cha mẹ vẫn cho rằng giáo dục giới tính sớm cho con là “vẽ đường cho hươu chạy”, khiến con tò mò và càng muốn thử. Chị Biển lại không nghĩ như vậy.
Chị nói rằng nếu cha mẹ không dạy, không cho con biết, con sẽ càng tò mò và càng muốn tìm hiểu. Khi đó, rủi ro lớn nhất là con lên mạng đọc thông tin ở những trang không chính thống hoặc bắt chước bạn bè. Nếu vậy, hậu quả để lại sẽ càng nghiêm trọng hơn.
“Khi cơ thể của trẻ phát triển, trẻ thường thắc mắc về sự phát triển đó. Khi đó, lời giải thích của cha mẹ chính là cách giáo dục tốt nhất. Hơn nữa, giáo dục giới tính không đơn giản là dạy con quan hệ tình dục an toàn, mà còn dạy con biết bảo vệ cơ thể mình, không để bị xâm hại. Do đó, phụ huynh không thể đánh đồng khái niệm giáo dục giới tính cho con với việc ‘vẽ đường cho hươu chạy’”, chị Biển nhấn mạnh.
Mục Giáo dục của Zing giới thiệu đến bạn những cuốn sách giúp trẻ tìm hiểu về giới tính, tình dục. Những cuốn sách dưới đây là lời giải đáp cho những băn khoăn, lo lắng của tuổi mới lớn, đồng thời giúp cha mẹ có thêm phương pháp giáo dục giới tính cho con.