Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi

Theo thống kê, viêm phổi cộng đồng là bệnh lý nhiễm trùng gây tử vong cao nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

viem phoi cong dong anh 1

Viêm phổi là một trong những lý do chính trẻ đi khám ngoại trú tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh minh họa: Pexels.

Bé gái 21 tháng tuổi có biểu hiện sốt, ho, thở mệt suốt 4 ngày liên tục. Đến khi trẻ được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), lượng bạch cầu xuống rất thấp, men gan cao hơn 3 lần so với bình thường.

Khi bác sĩ chọc dịch màng phổi thấy dịch đục sữa. Ba ngày sau nhập viện, bé được dẫn lưu màng phổi. Bác sĩ nghi ngờ bé bị viêm phổi do tụ cầu hoặc phế cầu.

Thông tin được PGS.TS Phạm Thị Minh Hồng, Giảng viên cao cấp bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, công bố tại Hội nghị Nhi khoa Pháp - Việt lần thứ 10 diễn ra sáng 14/12.

Bệnh nhiễm trùng gây tử vong cao nhất

Viêm phổi cộng đồng là bệnh lý nhiễm trùng gây tử vong cao nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Đây là bệnh thường gặp, nhiều nhất ở trẻ em. Với tình trạng tiêm ngừa không đầy đủ các mũi khuyến cáo hiện hành phế cầu 13 chủng, bệnh viêm phổi cộng đồng gây ra do vi khuẩn hiện nay ngày một nhiều.

Theo thống kê năm 2019, toàn thế giới có 740.189 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì viêm phổi cộng đồng, chiếm 14% nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra, so với các lứa tuổi, viêm phổi cộng đồng vẫn là bệnh lý gây tử vong cao nhất, cao hơn cả Covid-19.

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 2, viêm phổi là một trong những nguyên nhân chính trẻ đi khám ngoại trú.

Biểu hiện thường gặp ở trẻ em bị viêm phổi cộng đồng là ho và sốt cao. Bệnh có thể gây biến chứng ở trẻ em như tràn dịch màng phổi, đông đặc phổi, hoại tử nhu mô phổi, thậm chí nặng hơn là viêm màng não.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, PGS Hồng khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không nên tự chấn đoán viêm phổi qua các triệu chứng ho, sổ mũi, sốt.

"Trẻ bị ho, sổ mũi, sốt có thể là nhiễm hô hấp trên. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dấu hiệu chẩn đoán sớm trẻ viêm phổi là thở nhanh hoặc thở co rút lồng ngực hoặc có cả 2 hiện tượng này", chuyên gia nhấn mạnh.

Trẻ được xác định thở nhanh nếu thở 60 nhịp/phút đối với bé dưới 2 tháng, 50 lần/phút đối với trẻ 2-12 tháng và 40 lần đối với trẻ 1-5 tuổi.

Ngoài ra, trong lúc đếm nhịp thở, phụ huynh cần kết hợp song song đo nhiệt độ. Bệnh nhi được xác định thở nhanh nếu tăng 5-7 nhịp cùng lúc với nhiệt độ cơ thể.

viem phoi cong dong anh 2

PGS.TS Phạm Thị Minh Hồng báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Linh Thùy.

Ví dụ, trẻ trên một tuổi được xác định là thở nhanh nếu sốt 38 độ, thở 40 nhịp/phút hoặc 47 nhịp/phút nếu sốt 39 độ.

Người nhà khi xác định được 2 triệu chứng trên, cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, tránh tự mua thuốc điều trị vì có thể dùng không đúng kháng sinh, bệnh sẽ kéo dài.

Theo chuyên gia, việc đi khám sớm rất quan trọng, giúp trẻ được điều trị đúng kháng sinh, nếu nhẹ có thể không cần nhập viện và điều trị ngoại trú.

Gánh nặng tiêm vaccine phế cầu

Theo PGS Hồng, Chương trình vaccine Tiêm chủng mở rộng đang bảo vệ trẻ rất tốt khỏi influenza, một trong các vi trùng gây viêm phổi.

Tuy nhiên, chương trình này chưa thể bảo vệ trẻ khỏi một yếu tố khác gây viêm phổi là vi khuẩn phế cầu. Hiện tại, vaccine phế cầu ở Việt Nam vẫn chưa được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng và có giá khá cao, hơn 1.000.000 đồng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, phụ huynh nên cố gắng cho con tiêm vaccine này, vì vừa có thể bảo vệ trẻ cũng như những người xung quanh.

viem phoi cong dong anh 3

Chuyên gia khuyến cáo trẻ cần được tiêm đủ vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng kết hợp vaccine phế cầu để phòng bệnh tốt hơn. Ảnh minh họa: Pexels.

"Vi khuẩn phế cầu thường nằm phía trong tai mũi họng. Nếu trẻ tiêm ngừa, tỷ lệ vi khuẩn sẽ giảm từ khoảng 90% còn dưới 50%. Từ đó, việc lây lan vi khuẩn sẽ được hạn chế. Anh chị em, những người xung quanh trẻ cũng sẽ được hưởng lây", chuyên gia phân tích.

Hiện tại, hầu như bệnh nhân bị viêm phổi cộng đồng đều là trẻ lớn. Theo PGS Hồng, điều này có thể liên quan đến thời gian khuyến khích tiêm chủng phế cầu.

"Vaccine phế cầu mới được khuyến khích tiêm vào năm 2019. Những trẻ được tiêm trong thời gian gần đây sẽ ít có khả năng nhiễm khuẩn phế cầu hơn những trẻ lớn hơn. Những trẻ lớn không tiêm không được tiêm, không có kháng thể sẽ dễ mắc viêm phổi và biến chứng hơn",PGS Hồng phân tích thêm.

Chuyên gia khuyến cáo ở thời điểm này, trẻ vẫn có thể tiêm vaccine phế cầu. Nếu tiêm đủ 3 mũi cơ bản có thể bảo vệ trẻ khỏi 90% khả năng bị viêm phổi do phế cầu.

Nếu trong nhà có người bị cảm, người này cần chú ý vệ sinh tay, đeo khẩu trang khi chăm trẻ để tránh lây cho bé. Nếu em bé có hiện tượng ho, sốt, gia đình cần nhớ đo nhịp thở và đo nhiệt độ kèm theo dõi ngực co rút

PGS Hồng nhấn mạnh phụ huynh cần chú ý yếu tố chủng ngừa cho trẻ. Nếu không có điều kiện tiêm vaccine phế cầu, phụ huynh cần cho trẻ tiêm hết các mũi tiêm chủng mở rộng.

Cuốn sách Ăn gì, khi nào của các tác giả Michael Crupain, Michael Roizen, Ted Spiker khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.

Căn bệnh tàn phá sức khỏe Châu Hải My

Diễn viên Châu Hải My qua đời ở tuổi 57 trong sự tiếc thương của người hâm mộ. Cô đã nhiều năm chịu đựng với bệnh lupus ban đỏ.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm