Đến nay, các trường đại học đã có bước chuẩn bị nền tảng để tiến tới thực hiện tự chủ theo lộ trình. Thực tế cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai trên thực thế vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.
Góp phần thúc đẩy sáng tạo
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019 cùng với Nghị định 99 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dân thi hành một số điều của Luật này có hiệu lực từ 15/2/2020 đã đánh dấu sự thay đổi và tạo điều kiện về hành lang pháp lý thông thoáng cho các trường đại học có định hướng phát triển mạnh mẽ hơn, được quyền tự quyết định nhiều hơn.
Trường Đại học Nông lâm TP.HCM là trong số các trường kiện toàn bộ máy có tổ chức hội đồng trường theo quy định. Cùng với xu thế chung, trường đang thực hiện tự chủ một phần chi thường xuyên.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, tự chủ đại học, có nhiều mặt ưu điểm như giúp các trường đại học tháo gỡ được nhiều vướng mắc về quản lý nhà nước, về hoạt động của nhà trường, quản lý của bộ chủ quản. Đây là cơ hội tốt để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Triển khai cơ chế tự chủ, trường đại học sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn từ việc đầu tư nghiên cứu khoa học đến đổi mới chương trình đào tạo và khẳng định thương hiệu nhà trường.
Cơ chế tự chủ đại học sẽ giúp nhà trường chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong các hoạt động. Tự chủ đại học gồm 4 khía cạnh, tự chủ về tổ chức, về tài chính, về học thuật và tự chủ về nhân sự. Khi chuyển sang tự chủ hoàn toàn, trường đại học sẽ được đánh giá bằng chất lượng uy tín, thương hiệu, có khả năng thu hút được sinh viên và những chế độ chính sách miễn học phí cho sinh viên.
Đại học Quốc gia TP.HCM có 7 đơn vị thành viên, với quy mô đào tạo khoảng 60.000 sinh viên, học viên ở các trình độ đại học, cao học. Năm 2020, Đại học Quốc gia TP.HCM đã thiết lập các thiết chế nền tảng để thực hiện tự chủ đại học. Hội đồng đại học Đại học Quốc gia TP.HCM đã phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị gồm ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - luật và ĐH Quốc tế.
Theo kế hoạch chiến lược, các trường thành viên ĐH quốc gia sẽ dần đổi mới cơ chế hoạt động theo hình thức tự chủ trong giai đoạn 2021-2025. Năm 2021, các đơn vị thành viên gồm ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - luật và và Khoa Y sẽ bắt đầu áp dụng cơ chế tự chủ tài chính. Trước đây ĐH Quốc tế cũng đã thực hiện tự chủ tài chính.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, tự chủ đại học là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Với chủ đề hoạt động năm 2021 “Mô hình tự chủ - vươn tầm thế giới”, ĐH Quốc gia TP.HCM xác định nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới cơ chế hoạt động, xây dựng và phát triển mô hình tự chủ đại học tiên tiến trên nền tảng hệ thống thiết chế quản trị đại học hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng tự chủ gắn liền với tự chịu trách nhiệm và nâng cao trách nhiệm giải trình của đơn vị, đảm bảo công khai, minh bạch về chất lượng đào tạo để xã hội giám sát hoạt động của nhà trường.
Tự chủ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học thể hiện qua việc tự chủ trong việc quyết định mở ngành đào tạo, phương thức tuyển sinh và chỉ tiêu, chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng, liên kết đào tạo. Cùng với đó là tự quyết định trong triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và phương hướng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, xây dựng và đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo gắn với chuyển giao tri thức.
Tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng quá trình thực hiện tự chủ đại học cũng gặp không ít khó khăn.
Tự chủ đồng nghĩa với việc nhà nước cắt ngân sách chi thường xuyên, thậm chí chi đầu tư. Do vậy, nguồn tài chính của trường gần như đặt lên vai người học, trong khi khả năng chi trả của người học là chưa cao nên trường phần lớn gặp khó khăn về quyết định nâng mức học phí.
Trong khi đó, hoạt động đa dạng hóa nguồn thu của nhà trường còn gặp rào cản bởi các luật và văn bản pháp quy khác như Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật đất đai, Luật sở hữu trí tuệ… Tự chủ về tổ chức còn bị chi phối, chồng chéo trong các Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật Lao động…
Mặt khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong cho rằng, để triển khai tốt chủ trương tự chủ trong toàn hệ thống, ĐH Quốc gia TP.HCM cần có ban, tổ chỉ đạo thực hiện về vấn đề tự chủ, đồng thời, cần có sự thống nhất khung chung để các đơn vị thành viên thực hiện.
Chia sẻ về thực trạng thực hiện tự chủ tài chính của ĐH Quốc gia TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính cho biết, thời gian qua việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị được đẩy mạnh, bước đầu khai thác được khá nhiều các nguồn thu.
Quản lý chi cũng được chú trọng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, tự chủ tài chính tại ĐH Quốc gia TP.HCM thời gian qua vẫn còn hạn chế, khai thác nguồn thu chưa hiệu quả, chủ yếu dựa vào nguồn học phí, các nguồn thu tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả.
Thực hiện chi còn hạn chế, thu nhập chưa tạo động lực, khuyến khích người lao động. Để thực hiện hiệu quả tự chủ tài chính, ĐH Quốc gia TP.HCM sớm đề xuất sửa đổi, ban hành văn bản quy định hoặc hướng dẫn cụ thể đến các cơ sở giáo dục đại học thành viên và đơn vị trực thuộc. Đồng thời, các ban ngành rà soát các văn bản pháp luật, sửa đổi, bổ sung để tạo cơ chế rõ ràng cho các cơ sở giáo dục đại học.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, tự chủ đại học bao gồm nhiều mặt, tuy nhiên tự chủ tài chính là vấn đề quan trọng trong tự chủ đại học, nếu không đảm bảo nguồn thu sẽ là một thách thức lớn đối với các trường trong duy trì hoạt động và phát triển.
Nhà trường đào tạo đa ngành đa lĩnh vực, nhưng thế mạnh của trường là đào tạo nhóm ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp, trong đó đào tạo chuyên ngành kỹ sư phần lớn các môn học là thực hành, thực tập đòi hỏi kinh phí đầu tư trang thiết bị rất lớn. Nguồn thu của trường hiện nay chủ yếu vẫn là từ học phí, trong khi đó mức trần học phí nhóm ngành nông nghiệp thường thấp hơn so với các ngành khác. Nếu tự chủ tài chính buộc nhà trường phải tăng học phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật với mức học phí rất cao.
Tuy nhiên, sinh viên của trường đa số đến từ vùng nông thôn, có hoàn cảnh khá khó khăn về kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác học tập. Vì vậy, để tăng nguồn thu trường phải tăng quy mô đào tạo. Từ thực tế này, nhà trường cho rằng cần có cơ chế để tăng các nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ hỗ trợ, tư vấn giáo dục đào tạo theo hợp đồng cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước.
“Từ thực tế thực hiện từ thí điểm đến nhân rộng cho thấy, tự chủ đại học mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít các khó khăn thách thức đối với các trường đại học. Điều này đòi hỏi các trường đại học phải nỗ lực, thay đổi để đạt được các mục tiêu đặt ra, ngày càng phát triển. Khi đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, được nhiều người học, đối tác trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ… biết đến và lựa chọn thì vấn đề tài chính sẽ được giải quyết” - Tiến sĩ Trần Đình Lý nhận định.