Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dạy Ngữ văn nhìn từ khác biệt của đề thi lớp 10 ở Hà Nội và TP.HCM

Theo một số giáo viên, đề thi Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội và TP.HCM có nhiều khác biệt. Điều này có ảnh hưởng lớn trong cách dạy và học.

Hà Nội và TP.HCM đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Qua so sánh về đề thi Ngữ văn ở hai thành phố lớn, giáo viên đưa ra những nhìn nhận về xu hướng dạy và học hiện nay.

Sự khác biệt của hai đề thi

Đề thi vào lớp 10 ở Hà Nội có hai phần. Phần I, đề kiểm tra học sinh kiến thức về văn bản Nói với con. Bên cạnh đó, đề tích hợp một câu nghị luận xã hội, bàn về: Niềm hạnh phúc khi được sống trong tình yêu thương. Phần II, đề kiểm tra kiến thức cơ bản văn bản Làng.

Đề thi vào lớp 10 ở TP.HCM bao gồm: Câu 1, thông qua 2 văn bản ngắn cho sẵn có kèm hình ảnh minh hoạ, kiểm tra các kiến thức cơ bản về liên kết câu, đồng thời yêu cầu học sinh nêu nhận xét về cách thể hiện sự hâm mộ của các bạn trẻ ngày nay đối với thần tượng.

Câu 2, yêu cầu học sinh viết một bài văn ngắn trả lời cho câu hỏi: "Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?".

Câu 3 cho học sinh chọn một trong hai đề. Đề 1 nêu cảm nhận về hai khổ thơ trong tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác hoặc với thực tế cuộc sống để thấy tình yêu, sự gắn bó của con người Việt Nam với biển quê hương.

Đề 2 yêu cầu học sinh từ trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, viết bài văn với nhan đề: "Đọc một tác phẩm - đi muôn dặm đường".

Khac biet ve de van lop 10 anh 1
TS văn học Phạm Hữu Cường. Ảnh: NVCC.

Theo tiến sĩ văn học Phạm Hữu Cường, câu nghị luận luôn là điểm được chú ý trong đề văn. Câu hỏi trình bày suy nghĩ về quan niệm “được sống trong tình yêu thương là hạnh phúc của mỗi người” rất có ý nghĩa nhưng không mới. 

Câu nghị luận ở đề thi vào lớp 10 tại TP.HCM nêu vấn đề: "Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?". Vấn đề nghị luận vừa gần gũi với giới trẻ đồng thời sâu sắc, ý nghĩa trong việc định hình suy nghĩ, lối sống của tuổi teen. Nhiều học sinh rất tâm đắc với vấn đề này.

Nhìn chung, TS Cường nhận định, đề thi của Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn có cấu trúc tương tự các năm trước, nghiêng về tính truyền thống, không khó, không độc đáo.

Đề thi ở TP.HCM gần gũi với cuộc sống, thiết thực với tuổi trẻ, khơi gợi mạnh mẽ cảm hứng làm bài của học sinh, giàu chất văn, khả năng phân loại thí sinh cao.

Cấu trúc đề thi đến câu hỏi trong đề, cách trình bày đến kiến thức và kỹ năng đều hợp lý hơn, mới lạ và độc đáo hơn.

Đề thi ảnh hưởng đến dạy và học

Cô Nguyễn Hòa (giáo viên dạy Ngữ văn ở Hà Nội ) cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của đổi mới giáo dục là đổi mới kiểm tra, đánh giá. Những đề thi có tính chất quyết định sẽ ảnh hưởng rất lớn xu hướng dạy và học của thầy cô và học sinh.

Trong khi đó, Ngữ văn từ xưa đến nay luôn được coi là "môn chính", được nhà trường quan tâm. Vì thế, đề thi cũng nhận được sự kỳ vọng ở giáo viên, học sinh, đặc biệt là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Đồng tình với ý kiến này, TS Phạm Hữu Cường đánh giá đề thi ở Hà Nội có phạm vi kiến thức và kỹ năng chủ yếu nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 9, không đề cập các vấn đề thời sự. Để làm được đề thi, học sinh vẫn cần thuộc và chép lại thơ, nhớ tên tác phẩm, tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Học sinh vẫn phải thuộc lòng và nhớ máy móc, ít nhiều hạn chế tư duy sáng tạo.Theo cô Nguyễn Hòa, đề thi ở Hà Nội nặng về kiểm tra kiến thức, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới là có tính tính dụng trong thực tế. Vì vậy, với cách ra đề này, những năm sau, tình trạng học sinh còn phải ôn đi luyện lại kiến thức có sẵn trong sách vở là điều dễ đoán trước.

Khac biet ve de van lop 10 anh 2
Đề thi vào lớp 10 ở TP.HCM nhận được sự khen ngợi. Ảnh: Minh Nhật.

Đề văn ở TP.HCM, cô Nguyễn Hòa cho rằng không quá nặng về kiến thức, giúp phát triển kỹ năng vận dụng thực tế nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phải nắm chắc chương trình. Đó cũng chính là xu hướng ra đề thi Ngữ văn của nhiều nước phát triển hiện nay mà Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã triển khai. 

Các câu hỏi của đề thi đều hướng đến mục tiêu phát triển năng lực học sinh, đồng thời mang đậm tính thực tế gần gũi, giáo dục lý tưởng sống, tình yêu quê hương..., tạo điều kiện để các em thể hiện quan điểm, suy nghĩ riêng. Việc dạy và học văn từ đó trở nên thú vị hơn nhiều.

Giáo viên này chia sẻ dù mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng có lẽ, những người làm trong ngành giáo dục nên nhìn thẳng vào sự thật để có cách dạy và học phù hợp với xu thế. Bởi, dạy và học môn Ngữ văn giữ vai trò quan trọng trong định hình cách sống, cách suy nghĩ, vận dụng thực tế của thế hệ tương lai. 

Giáo viên nhận xét đề thi Ngữ văn vào lớp 10 ở Sài Gòn Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng nhận xét đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 ở Sài Gòn có nhiều câu hỏi hay.

Thi lớp 10 ở Sài Gòn: Rất hiếm điểm cao

Ngày 12/6, dự kiến Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ công bố điểm thi vào lớp 10. Phổ điểm thi năm nay thấp hơn mọi năm, hiếm điểm 8 trở lên.

Điểm chuẩn vào lớp 10 trường chuyên tại TP.HCM

Chiều 12/6, Sở GD&ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn vào 9 trường chuyên THPT trên địa bàn thành phố.




Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm