Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dạy thêm là 'cái bóng' của giáo dục chính khóa, cần tiến tới bỏ hẳn

TS Đặng Tự Ân cho rằng Thông tư 29 như luồng gió mới, làm triệt tiêu tận gốc những tiêu cực dạy thêm học thêm và chấm dứt hoạt động dạy thêm học thêm trong các nhà trường.

Thông tư 29 Bộ GD&ĐT ban hành như luồng gió mới, làm triệt tiêu tận gốc những tiêu cực dạy thêm học thêm, hướng tới sẽ tự mất đi và chấm dứt hoạt động dạy thêm học thêm trong các nhà trường.

Hoạt động dạy thêm, học thêm, vốn đã để lại hậu quả thiếu tích cực và kéo dài trong giáo dục và xã hội. Không ít hơn 4 lần, Bộ GD&ĐT ban hành các chỉ thị hay thông tư về chấn chỉnh dạy thêm tràn lan hay hạn chế tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.

Quan hệ giữa người dạy và người học bị biến tướng

Nhiều người có chung ý kiến rằng dạy thêm học thêm hiện nay không làm cho chất lượng giáo dục nhà trường nâng lên mà quan hệ giữa người dạy và người học đã bị biến tướng theo hướng không lành mạnh, ở ngay trong chính môi trường học đường.

Chính vì vậy, nhà trường sẽ gặp khó, bị ảnh hưởng nhiều khi phải triển khai các hoạt động giáo dục rất đặc trưng, như tính văn hóa nhà trường, tính nhân văn cao và tuyệt đối hoạt động phi lợi nhuận.

Những năm gần đây, khi Nhà nước ta chuyển mạnh sang nền kinh tế theo xu hướng thị trường, việc quản lý dạy thêm học thêm càng rối, càng khó khăn và phức tạp hơn.

Do đó, Thông tư 29 Bộ GD&ĐT ban hành như luồng gió mới, làm triệt tiêu tận gốc những tiêu cực dạy thêm học thêm, hướng tới sẽ tự mất đi và chấm dứt hoạt động dạy thêm học thêm trong các nhà trường.

quy dinh cam day them anh 1

TS Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam.

Cần hạn chế tiến tới bỏ hẳn học thêm

Giáo dục ở Việt Nam, ở phương Đông và rộng hơn là ở nhiều nước châu Á khác, một thời gian dài đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi truyền thống và tư tưởng Nho giáo.

Với những đặc điểm điển hình như, đề cao việc học, chỉ nhằm có nhiều kiến thức sâu rộng cho người học; “dùi mài kinh sử”, cố thi đỗ vượt qua các kỳ thi nghiêm ngặt hay quan niệm chỉ có người thầy là trung tâm, duy nhất nơi cung cấp cho trò nền tảng kiến thức lý thuyết vững chắc, ít áp dụng vào thực tế.

Quan điểm giáo dục trên, tiếp tục tồn tại cho tới năm 2013 khi chúng ta có Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nghị quyết khẳng định (được hiểu như triết lý đổi mới giáo dục) chương trình giáo dục chính khóa cần phải giúp học sinh phát triển toàn diện và năng lực tư duy sáng tạo, rèn luyện các kỹ năng mềm và phi nhận thức thay vì chỉ tập trung vào cung cấp kiến thức theo cách cũ cho học sinh.

Người ta nói dạy thêm học thêm là cái “bóng” của giáo dục chính khóa, do đó cần hạn chế tiến tới bỏ hẳn hoạt động này để phù hợp với triết lý của đổi mới giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, đây là cuộc vận động gian truân, đòi hỏi sự kiên trì để thực hiện hiệu quả nội dung của Thông tư 29. Không những phải thay đổi cách nghĩ, loại bỏ cách làm cũ kỹ, tồn tại quá lâu, mang tính truyền thống, mà cần phản biện lại những ý kiến băn khoăn, thậm chí không đồng tình do đụng chạm tới quyền lợi của một bộ phận giáo viên và cả cán bộ có trách nhiệm trong việc tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong trường.

Cần cú hích thay đổi thi cử

Nội dung mới trong Thông tư 29 lần này của Bộ GD&ĐT đó là, quy định cụ thể ba nhóm đối tượng học sinh được học thêm không thu tiền trong nhà trường.

Nhóm (1) học sinh không đạt chuẩn kết quả học tập tối thiểu theo chương trình học chính khóa. Các nước có nền giáo dục phát triển họ giống ta ở việc xác định dạy thêm học thêm cho nhóm đối tượng này. Giáo viên dạy học, bồi dưỡng không thu tiền, mặt khác phối hợp cùng phụ huynh có phương án hỗ trợ để giúp nâng kết quả học tập học sinh đạt chuẩn tối thiểu.

Nhóm (2) bồi dưỡng học sinh giỏi và nhóm (3) học sinh cuối cấp tự nguyện tham gia ôn thi tốt nghiệp.

Giai đoạn chuyển tiếp quản lý dạy thêm học thêm theo Thông tư 29, các nhóm đối tượng này cần được duy trì bồi dưỡng, học thêm. Tuy nhiên nếu chúng ta thay đổi (phải là cách mạng) hệ thống thi cử thì các nhóm đối tượng cần học thêm trong nhà trường cũng tự mất đi và không còn tồn tại.

Ở một số nước phát triển, việc thi học sinh giỏi với nội dung kiến thức lý thuyết chuyên sâu đơn thuần, chỉ được coi là khuyến khích mà không coi đó là chính sách quốc gia. Họ tập trung đánh giá sản phẩm làm ra từ quá trình sáng tạo nội dung học tập trên lớp, tức là giống với nguyên lý giáo dục của chúng ta: “Học đi đôi với hành”.

Việc xác định học sinh tốt nghiệp các cấp thông qua hình thức xét kết quả học tập hoặc các minh chứng kết quả giáo dục toàn diện học sinh. Do đó, không quá căng thẳng, tổ chức học thêm dạy thêm như các kỳ thi chuyển cấp hay tốt nghiệp ở Việt Nam.

Cuối cùng, tôi cho rằng hoạt động học thêm dạy thêm trong trường phải được coi là hoạt động dạy phụ thêm, hỗ trợ cho dạy học chính khóa và nâng chất lượng giáo dục toàn diện. Tổ chức học thêm phải góp phần làm lành mạnh hóa, cũng như tôn vinh và làm sâu sắc thêm các giá trị bản chất và vốn có của nhà trường.

Người học được phát triển tối đa tiềm năng sẵn có của bản thân, luôn trưởng thành và đem lại lợi ích cho chính mình cũng như cho quốc gia và dân tộc.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, bao gồm: nguyên tắc dạy thêm, học thêm; các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm; tổ chức dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Trung Quốc nở rộ lớp học thêm do AI dạy để né lệnh cấm

Một cỗ máy sẽ thay thế một giáo viên - đó là lời quảng cáo về các phòng học AI tại Trung Quốc, nơi học sinh ngồi tại các bàn có vách ngăn, dán mắt vào màn hình máy tính bảng.

https://tienphong.vn/chuyen-gia-giao-duc-day-them-la-cai-bong-cua-giao-duc-chinh-khoa-can-tien-toi-bo-han-post1712163.tpo

TS Đặng Tự Ân / Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm