Chiều 15/3, đoàn đại biểu HĐND TP Hà Nội có buổi làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội về chương trình giảng dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường học tại 4 quận huyện (Thanh Trì, Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình).
Theo khảo sát tại một số quận, huyện về dạy tiếng Anh liên kết trong trường học, đa số lãnh đạo các trường cho biết học sinh thích, hứng thú với tiếng Anh liên kết.
Học phí khác nhau
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lê, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, cho biết số trường thực hiện liên kết 42/65 trường (19 trường mầm non, 18 trường tiểu học và 5 trường THCS).
Học sinh trên địa bàn huyện tham gia học chương trình ngoại ngữ liên kết có nhiều tiến bộ về chất lượng, đặc biệt là kỹ năng nghe, nói và kỹ năng thực hành giao tiếp bằng tiếng Anh. Học sinh phát huy được năng lực tự học, tự nâng cao trình độ tiếng Anh…
Bà Đỗ Thuỳ Dương, thành viên đoàn khảo sát HĐND thành phố, cho biết xã hội rất kỳ vọng vào việc giảng dạy tiếng Anh cho con em mình. Qua chuyến khảo sát của đoàn, hiện có 12 đến 15 đơn vị đang được sở GD&ĐT Hà Nội cho phép liên kết với các trường trên địa bàn thành phố để giảng dạy ngoại ngữ.
Với mức học phí rất chênh lệch, các cấp quản lý cần làm rõ thông tin, giúp phụ huynh yên tâm gửi con em mình vào các chương trình này.
“Đối tác của các nhà trường có hàng chục trung tâm khác nhau tham gia liên kết dạy tiếng Anh, vậy Sở GD&ĐT Hà Nội có đơn vị nào đứng ra kiểm định đánh giá, xếp hạng giúp phụ huynh căn cứ vào đó để xác định mức đóng góp phù hợp?”, bà Dương đặt câu hỏi.
Giờ học tiếng Anh của học sinh một trường tiểu học tại Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong. |
Ông Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội, khẳng định căn cứ vào số lượng nhà trường từ mầm non đến THPT triển khai liên kết dạy tiếng Anh và số lượng học sinh tham gia thì thấy chương trình này đáp ứng đúng nhu cầu thực của xã hội trong việc trang bị tiếng Anh cho con em mình.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thế Cương, thực tế khảo sát cho thấy có những điểm đúng như phản ánh trên một số cơ quan báo chí.
“Thu phí của học sinh trăm hoa đua nở, nơi 700.000 đồng nơi 400.000 đồng/tháng, có trường thu chỉ có 150.000 đồng/tháng/học sinh. Thậm chí, ngoại thành học phí cao hơn nội thành như một trường mầm non ở Thanh Trì thu tới 400.000 đồng/tháng/học sinh. Mức chênh lệch này sẽ là một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh so sánh, thắc mắc.
Ngoài ra, phần trăm trung tâm liên kết chia cho các trường cũng rất nhiều mức 60% - 40%, 82% - 18%, có nơi 93% - 7%. Dù mức học phí và phần trăm trích lại được các hiệu trưởng giải thích trên cơ sở tính toán thu đủ chi nhưng phụ huynh sẽ không hiểu”, ông Trần Thế Cương cho biết.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng Ủy khối các cơ quan TP Hà Nội cũng đặt câu hỏi tại sao phụ huynh đưa con đến các trung tâm ngoại ngữ học phí cao hơn không ai phàn nàn, nhưng học ở các trường họ lại có phản ứng?
Theo bà Hằng, đó là do nhiều trường không chú ý đến việc giám sát giảng dạy của các trung tâm tại trường và không lựa chọn trung tâm. Do đó, bà cho rằng trách nhiệm của hiệu trưởng rất quan trọng.
Cần quy định rõ trách nhiệm hiệu trưởng
Về chương trình tiếng Anh liên kết, ông Cương cho hay giáo trình các trung tâm tự biên soạn, mỗi nơi một kiểu. Kiểm định chất lượng, cách thức kiểm tra, đánh giá cũng như chất lượng giáo viên chưa được thực hiện đúng yêu cầu. Giáo viên bản ngữ chưa ổn định.
Giáo viên trợ giảng có khi thay thế giáo viên bản ngữ, liên quan đến vấn đề chi trả lương. Trang thiết bị dạy học ở một số huyện ngoại thành còn thiếu. Một số trung tâm đầu tư cơ sở vật chất nhưng đại đa số các trường phải tự đầu tư hoặc xã hội hoá. Mức thu học phí có nguyên nhân khách quan nhưng có nhiều mức chênh lệch, phần trăm trích lại khác nhau khiến phụ huynh dễ thắc mắc.
Về kiến nghị đề xuất, Ban Văn hoá xã hội sẽ đồng hành trong việc tiếp tục triển khai chương trình liên kết, tăng biên chế giáo viên giảng dạy tiếng Anh trong trường công lập. Đề xuất mức phí cho hai mức đại trà và nâng cao, nếu không định hướng sẽ xảy ra trăm hoa đua nở.
“Đề nghị quy rõ trách nhiệm hiệu trưởng các trường trong công tác liên kết dạy tiếng Anh. Các cơ quan quản lý, Sở GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra để đảm bảo chương trình đạt yêu cầu đề ra”, ông Cương yêu cầu.
Chỉ tiêu biên chế giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế.
“Hiện nay, quy định là 0.35 giáo viên ngoại ngữ/lớp, tính trung bình cả trường là 0,5 đến 0,6 giáo viên. Các trường hiện có một giáo viên biên chế dạy ngoại ngữ là 'ăn' vào suất của giáo viên dạy mỹ thuật và các môn phụ khác. Có trường dạy 400 tiết/tháng mà có một giáo viên thì dạy kiểu gì? Rồi chất lượng giáo viên tiếng Anh còn hạn chế, chưa tuyển đủ, phải ký hợp đồng nhưng không ổn định.
Ban Văn hoá xã hội hoàn toàn đồng tình trong việc đề xuất tăng biên chế giáo viên tiếng Anh trong trường công lập của Sở GD&ĐT Hà Nội”, ông Cương nói.
> Chủ đề: Đề án ngoại ngữ quốc gia 9.400 tỷ không đạt mục tiêu |