Trong vài năm trở lại đây, khi hàng loạt bê bối tình dục và nhiều phòng chat nhạy cảm bị khui ra, công chúng ngày càng quan tâm tới cách các nhà làm phim xây dựng hình tượng người phụ nữ trên màn ảnh. Chỉ cần một câu thoại hay tình tiết thiếu tinh tế liên quan đến phái yếu, tác phẩm sẽ ngay lập tức vấp phải phản ứng tiêu cực, như trường hợp của The World of the Married (Thế giới hôn nhân), The King: Eternal Monarch (Quân vương bất diệt) hay Once Again.
Thế giới hôn nhân để cô gái đổi tình lấy túi xách
Thế giới hôn nhân đang tiến xa trên đường đua rating hiện tại, đi kèm với đó là những lùm xùm liên quan tới quá khứ bất hảo của dàn diễn viên và tình tiết táo bạo trong phim. Ngoài việc lạm dụng yếu tố bạo lực, tác phẩm còn bị cho là coi thường phụ nữ thông qua tình huống đánh đổi thân xác để lấy tiền của một nữ nhân viên phục vụ nhà hàng.
Nhân vật nói trên là người tình của nam phụ Son Je Hyuk (Kim Young Min). Họ tình cờ gặp gỡ trong một lần quý ông lăng nhăng đó đưa vợ tới nhà hàng ăn tối.
Tình tiết nữ nhân viên phục vụ nhà hàng lên giường với người đàn ông mới quen để moi tiền khiến khán giả bức xúc. |
Chỉ qua thao tác đơn giản như trao đổi số điện thoại và hẹn hò qua quýt, cả hai nhanh chóng lên giường. Nữ nhân viên phục vụ dễ dàng chấp nhận ân ái với Son Je Hyuk vì muốn moi tiền. Sau cuộc đổi chác, cô mỉm cười hài lòng khi được người tình tặng cho một chiếc túi hàng hiệu đắt đỏ.
Tình tiết này khiến khán giả bức xúc. Họ cho rằng đội ngũ sản xuất dường như đang cố nhấn mạnh việc phụ nữ “đào mỏ”, phụ thuộc kinh tế vào đàn ông. Nhân vật nữ nói trên thoải mái chơi trò tình một đêm chỉ để nhận lại một món hàng. Tình tiết này bị nhận xét là không phù hợp để đưa lên truyền hình, bởi nó ảnh hưởng tới hình ảnh cũng như tinh thần của phái yếu ở ngoài đời.
Hình tượng nữ thủ tướng có vấn đề ở Quân vương bất diệt
Quân vương bất diệt cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự Thế giới hôn nhân vì xây dựng hình ảnh nữ thủ tướng Gu Seo Ryung (Jung Eun Chae) gây tranh cãi. Xinh đẹp và quyền lực, cô từng được khán giả kỳ vọng trở thành biểu tượng nữ quyền trên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc đầu năm nay.
Tuy nhiên, người xem sớm vỡ mộng khi nhân vật này bộc lộ nhiều khuyết điểm ngay từ tập đầu. Gu Seo Ryung sẽ hoàn hảo nếu cô chỉ xuất hiện với vẻ đẹp sắc sảo, phong thái mạnh mẽ, mà không buông ra một câu thoại vô tư đến mức vô duyên trước mặt nhiều người: “Áo ngực không gọng không giúp tôi nâng ngực được”.
Nữ thủ tướng của Quân vương bất diệt mất điểm vì một câu thoại kém duyên. |
Lời nói của nữ thủ tướng đi ngược lại trào lưu được nhiều phụ nữ theo đuổi ở hiện tại. Họ được khuyến khích tự tin vào cơ thể của mình, thậm chí thả rông vòng 1 để hạn chế các vấn đề về sức khỏe. Một số khán giả thất vọng khi một người đứng đầu quốc gia như Gu Seo Ryung lại có lối suy nghĩ cổ hủ và cách hành xử thiếu tinh tế như vậy.
Không dừng lại ở đó, người xem còn ngán ngẩm trước sự nhạt nhẽo của nữ thủ tướng. Cô không thể hiện tài năng hay tâm huyết đối với đất nước mà chỉ tập trung vào việc trở thành tâm điểm trên mặt báo cùng hoàng đế Lee Gon (Lee Min Ho).
Once Again và chiêu trò câu view rẻ tiền
Là bộ phim lấy đề tài gia đình, phát sóng trên đài trung ương nhưng Once Again lại phạm phải một sai lầm nghiêm trọng trong cách xây dựng hình tượng người phụ nữ. Ê-kíp đã dùng hình ảnh nhạy cảm của phái yếu như một công cụ lôi kéo lượt theo dõi cho tác phẩm.
Cụ thể, trong tập 13 và 14, bộ ba nhân vật Kang Cho Yeon (Lee Jung Eun), Lee Yuri (Kim Sora) và Kin Ga Yeon (Song Da Eun) hợp tác mở một quán kimbap. Để hút khách, họ trang trí quán ăn theo phong cách hộp đêm, xung quanh dán đầy hình ảnh các cô gái ăn mặc hở hang.
Once Again bị "ném đá" khi dùng hình ảnh phụ nữ ăn mặc hở hang, thiếu vải như một chiêu câu view. |
Ba cô chủ cũng làm liều ăn diện sexy, tạo dáng phản cảm trước cửa hàng. Cánh đàn ông không cưỡng lại chiêu trò câu khách này, thường xuyên ghé thăm quán chỉ để ngắm nhìn, tán tỉnh các nhân vật nữ trên.
Sau khi lên sóng, khán giả tỏ ra phẫn nộ, thậm chí đòi tẩy chay Once Again. Cư dân mạng bức xúc bởi loạt phim đường như đang biến chị em phụ nữ thành người rẻ tiền. Tác phẩm được chiếu vào khung giờ vàng, lại không đặt giới hạn cảnh báo hạn chế người xem ở độ tuổi thanh thiếu niên, do đó, phân đoạn nhạy cảm như trên có thể tác động xấu tới tâm lý của khán giả nhỏ tuổi.
Trước hàng loạt ý kiến chỉ trích, đài truyền hình KBS - đơn vị phát sóng Once Again - đã phải lên tiếng xin lỗi và hứa hẹn chính sửa các cảnh quay gây tranh cãi để xoa dịu tình hình.