Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Ủy ban nhân dân (UBND) TP.Hải Phòng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan thực hiện các bước xây dựng hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo đúng quy định của Công ước Di sản thế giới năm 1972.
Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) nằm phía đông nam TP.Hải Phòng gồm 367 đảo nhỏ, có vịnh Lan Hạ hoang sơ hơn Hạ Long. Đây là điểm du lịch lý tưởng, phù hợp với mọi người. Cát Bà vừa có biển, rừng, lại có đèo. Du khách có thể khám phá bằng xe máy với hệ thống đường xá và bến phà thuận tiện.
Quần đảo Cát Bà ở Hải Phòng gồm 367 đảo nhỏ, nằm ở phía đông nam TP.Hải Phòng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Đến năm 2015, Việt Nam có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận cho 3 loại hình là di sản thiên nhiên thế giới, văn hóa thế giới và hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới:
- Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) được công nhận năm 1993
- Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) năm 1994 - bổ sung năm 2000
- Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) năm 1999
- Phố cổ Hội An (Quảng Nam) năm 1999
- Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) 2003 - bổ sung năm 2015
- Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) năm 2010
- Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) năm 2011
- Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) năm 2014.
Tu bổ, tôn tạo khu di tích Óc Eo
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khu di tích Óc Eo (đầu tư bổ sung một số hạng mục).
Dự án trên được thực hiện từ năm 2016-2020 với tổng mức vốn đầu tư dự kiến 6.740 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh An Giang.
Mục tiêu đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất nhằm phục vụ công tác quản lý, bảo tồn di vật; tôn tạo mỹ quan cho khu di tích; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho di tích quốc gia đặc biệt.
Dự án còn phục vụ việc xây dựng hồ sơ di sản để trình lên UNESCO công nhận di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.