Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Để không bị 'chặt chém' mùa Tết?

Thông tin Vũng Tàu xử lý hình sự chủ quán ăn quẹt thẻ của khách Nhật nhầm 20 triệu đồng và sẵn sàng mạnh tay với những "chặt chém" khác là điều bạn đọc chú ý.

Dịp Tết sắp đến, với lịch nghỉ khá nhiều ngày, du lịch sẽ vào kỳ cao điểm. Làm thế nào để không bị “chặt chém” ở khách sạn, nhà hàng, quán ăn, phương tiện đi lại? Cần chuẩn bị những gì trước chuyến đi để bảo vệ cho túi tiền của mình?

Chiều 3-2, quán Hào Long Sơn đã được tháo dỡ và di dời - Ảnh: Đ.Hà.
Chiều 3-2, quán Hào Long Sơn đã được tháo dỡ và di dời - Ảnh: Đ.Hà.

Nhờ hỗ trợ của Google

Vũ Mai (H.Bình Chánh, TP HCM), một cô gái luôn đi du lịch một cách ngẫu hứng kiểu “xách ba lô lên là đi” cho biết bí quyết để không bị hét giá khi đi du lịch chính là công cụ tìm kiếm của Google.

“Nói là ngẫu hứng nhưng mình đều “thủ” sẵn những thông tin cần biết trước khi đi. Mình tham khảo trên mạng những khách sạn chất lượng tốt, giá cả phải chăng, những quán ăn được nhiều người nhận xét ngon - rẻ. Nói chung những gì liên quan đến túi tiền thì đều phải tìm hiểu để nắm được khung giá nhất định”, Vũ Mai chia sẻ.

Một người thường xuyên đi du lịch bụi như Vân Anh (Q.10, TP HCM) cũng chọn cách chuẩn bị đầy đủ những “thông tin nền” trước khi đặt chân đến một địa điểm nào đó.

Theo Vân Anh, một kênh thông tin nữa để tham khảo là những người đã từng đến đó trước mình. Trên những diễn đàn phượt, mọi người thường chia sẻ kinh nghiệm về giá cả, chỗ ăn, chỗ ngủ… cho nhau.

Nên chuẩn bị đầy đủ thông tin trước khi đi du lịch - Ảnh: diendandulich.
Nên chuẩn bị đầy đủ thông tin trước khi đi du lịch - Ảnh: diendandulich.

Còn có một cách khác để không bị “chặt chém”, đó là “thâm nhập vào cuộc sống ở đó giống như người dân địa phương để họ không thấy mình là người lạ mà đưa giá trên trời”, Vân Anh chia sẻ.

“Nếu rơi vào trường hợp bị chặt chém thì có thể liên hệ với những bạn bè cùng đi phượt hoặc bạn bè trên các diễn đàn phượt ở địa phương đó để được sự hỗ trợ”, Vân Anh nói thêm.

Theo chị Thùy Trang (Q.Bình Tân, TP HCM), cách tốt nhất để không bị hớ, bị “khủng bố túi tiền” khi đi du lịch tự túc chính là chuẩn bị thật kỹ và nắm được thông tin về nơi mình đến.

“Nhiều người nói với mình họ đi Đà Lạt, đi Hà Nội bị chặt chém nhưng bản thân mình đi cả hai nơi đó thì chưa bao giờ bị”, chị Trang chia sẻ.

“Tụi mình luôn chuẩn bị sẵn lịch trình như mấy giờ đến mấy giờ thì đi đâu, làm gì, có thể mua được gì ở đó, tỉ giá ra sao, quán nào ăn ngon… Chuẩn bị như vậy sẽ không bị thụ động khi đến một nơi xa lạ”, chị Trang nói về kinh nghiệm đi du lịch nhiều nơi của mình.

Chuẩn bị chu đáo để bảo vệ mình

Với thâm niên 11 năm hoạt động trong ngành du lịch, anh Minh Mẫn (TP.HCM) cho biết Tết là một trong hai cao điểm của du lịch và du khách cũng nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính khi đến các điểm tham quan, mua sắm.

“Thời điểm này các điểm tham quan, mua sắm, ăn uống đều rất đông người. Mọi người nên cẩn trọng để tránh bị chặt chém”. Anh Mẫn đưa ra những lời khuyên để bảo vệ túi tiền khi đi du lịch:

“Đối với hình thức thanh toán bằng thẻ thì phải nhận lại và xem xét kỹ biên lai thanh toán để tránh bị nhầm lẫn”, anh Minh Mẫn khuyến cáo.

Anh Lâm Hưng Mỹ, hướng dẫn viên du lịch cho biết mình thường nói với khách du lịch là nên chụp lại hoặc ghi lại bảng số xe, thông tin tài xế khi bước lên taxi.

“Trong trường hợp có chuyện không hay xảy ra thì khách sạn hoặc hướng dẫn viên có thể căn cứ vào số xe để tìm và giúp khách lấy lại tiền đã bị chặt chém”, anh Mỹ nói.

Phượt rất được đam mê tại Việt Nam. Ảnh nhomphuot
Phượt rất được đam mê tại Việt Nam. Ảnh nhomphuot.

Anh Mỹ cũng cảnh cáo đã có trường hợp đưa thực đơn - giá tiền lúc gọi món cho khách khác hoàn toàn với thực đơn - giá tiền khi thanh toán.

“Trong trường hợp này, khách cũng nên chụp lại menu lúc gọi món để lỡ có tranh cãi thì sẽ đưa ra làm cơ sở đối chiếu”, anh Mỹ chia sẻ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Văn Thành cho biết nếu không an tâm về những hàng quán mình thấy trên đường thì có thể nhờ lễ tân khách sạn chỉ giúp những quán ăn uy tín của địa phương.

Bên cạnh đó, tất cả các thành phố du lịch đều có trung tâm hỗ trợ, du khách cũng có thể tham khảo thông tin về quán ăn, khách sạn ở tại đó.

Theo anh Minh Mẫn, trên mạng có rất nhiều thông tin về điểm đến và mọi người tham khảo trước khi đi. Những bình luận, nhận xét của những người đã từng đi cũng là một kênh để mọi người lựa chọn dịch vụ phù hợp nhất cho mình.

Anh Minh Mẫn cũng cho biết nên chuẩn bị trước lộ trình, đặt trước khách sạn để tránh trường hợp đến nên thì không có khách sạn hoặc bắt buộc phải ở khách sạn với giá cao hơn bình thường, nhất là trong dịp Tết.
Một nhóm bạn đam mê phượt. Ảnh Dulichdanang.
Một nhóm bạn đam mê phượt. Ảnh Dulichdanang.

Xử lý nghiêm để bảo vệ hình ảnh du lịch

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng hiện tượng chặt chém, lừa dối khách du lịch sẽ gây tác động xấu cho ngành du lịch và cần phải xứ lý nghiêm những cá nhân vi phạm để bảo vệ hình ảnh du lịch, hình ảnh con người Việt Nam.

“Khi khách du lịch gặp những trường hợp tương tự thì nên phản ánh ngay vào đường dây nóng hoặc chính quyền địa phương để có hướng xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật”, luật sư Hậu nói.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/tieu-diem

Theo Đặng Tươi - Trà My / Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm