Nhà trị liệu tâm lý Satya Doyle Byock nhận thấy sự thay đổi rõ rệt ở những khách hàng trẻ tuổi của mình trong vài năm trở lại đây.
Họ chủ yếu thuộc nhóm 20-30 tuổi, kiệt quệ và dễ phẫn nộ với mọi thứ trong cuộc sống. Những người này luôn trong trạng thái bất an, lo sợ điều gì tồi tệ sắp xảy ra, hay còn gọi là quarter-life crisis (tạm dịch: khủng hoảng tuổi đôi mươi), theo New York Times.
Cuộc sống càng hiện đại, giới trẻ càng phải đương đầu với nhiều thử thách mới, đến mức dẫn đến suy nhược tinh thần.
“Cơn khủng hoảng có thể dẫn đến sự lắng đến tê liệt, trầm cảm, đau khổ và mất phương hướng”, bà viết thêm.
Angela Neal-Barnett, giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Kent (Vương quốc Anh), đã nghiên cứu về chứng lo âu ở giới trẻ và đồng tình với ý kiến trên.
Cô cho rằng nhiều người phải vật lộn với việc vào đại học và cách trang trải học phí. Khủng hoảng hiện sinh, việc thường xảy ra sau khi tốt nghiệp, xuất hiện sớm hơn với nhóm này.
“Hàng chục năm qua, ai cũng cho rằng cuộc sống chỉ thật sự bắt đầu sau khi hoàn thành bậc đại học. Nếu không bám theo ‘kịch bản’ gồm tốt nghiệp, kết hôn, lập gia đình, nhiều người trẻ sẽ mắc kẹt mãi trong vòng lặp tuổi thiếu niên. Họ không biết phải làm gì khác”, giáo sư nói.
Khảo sát trực tuyến của nền tảng Credit Karma cho thấy khoảng 30% người trưởng thành thuộc Gen Z vẫn đang sống cùng cha mẹ hoặc người thân chứ không có kế hoạch ra riêng.
Theo đó, đa số thấy mình bị sa vào bận tâm chi tiêu, nỗi lo vật giá leo thang và các khoản nợ đại học. Họ bất an đến mức mất khả năng tính toán chuyện tương lai cho bản thân.
Bất an về tình hình khí hậu, sự mất mát hậu đại dịch Covid-19 càng khiến tình trạng tê liệt nhận thức trở nên trầm trọng. Các nhà nghiên cứu cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể giúp người trẻ hạn chế ảnh hưởng của khủng hoảng tuổi trưởng thành.
New York Times chia sẻ 6 lời khuyên hữu ích từ chuyên gia cho những người trẻ đang đối mặt với khủng hoảng tuổi đôi mươi.
Người trẻ cần học cách vượt qua khủng hoảng. Ảnh: pexels. |
1. Nghiêm túc với bản thân
Theo giáo sư Neal-Barnett, cứ mỗi 3 tháng, người trẻ nên kiểm tra xem mình đang ở vị trí nào, hài lòng hay thấy bế tắc với những thứ xung quanh. Từ đó, họ có thể xác định dần các khía cạnh cần thay đổi để cải thiện chất lượng sống.
Nhà trị liệu tâm lý Byock cho rằng không nên tự đánh giá thấp các sở thích cá nhân. Thay vào đó, chúng ta cần dành nhiều sự quan tâm hơn cho những gì khiến mình tò mò, thích thú. Đó có thể là đến vùng đất lạ, học ngôn ngữ mới hoặc bắt đầu thói quen trước giờ chưa có.
“Bạn nên học cách trân trọng, chăm sóc đời sống nội tâm của chính mình. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa đầu tư cho sở thích với sống buông thả”, tác giả nói.
Chuyên gia khuyên giới trẻ nên dành nhiều thời gian cho bản thân. Ảnh: pexels. |
2. Hãy kiên nhẫn
Jeffrey Jensen Arnett, nhà nghiên cứu chuyên về tâm lý của tuổi trưởng thành tại Đại học Clark (Mỹ), cho rằng nhiều người vẫn mặc định thanh thiếu niên phải trưởng thành ngay lập tức sau tuổi 18. Quan điểm này khiến giới trẻ phải “chạy đua”, tìm cách để đạt được nhiều thành tựu nhất có thể.
Theo bà Byock, người trong độ tuổi đôi mươi nên nghĩ về các mục tiêu dài hạn như nâng cao thể lực, xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập tự lập và chăm sóc sức khỏe tinh thần.
3. Tự hỏi xem mình còn thiếu gì
Bà Byock chia giới trẻ làm 2 kiểu, gồm nhóm ổn định và nhóm đi tìm ý nghĩa sống.
Những người thuộc nhóm ổn định ưu tiên cảm giác an toàn, thành công trong sự nghiệp và theo đuổi việc xây dựng gia đình. Tuy nhiên, họ luôn thấy cuộc sống có một khoảng trống vô nghĩa không thể lấp đầy.
Ngược lại, nhóm thứ hai thường có đam mê riêng, tìm ra ý nghĩa cuộc đời nhưng gặp khó khăn khi giải quyết các vấn đề thông thường.
Chuyên gia cho rằng 2 kiểu này nên học hỏi lẫn nhau vì “một con người hoàn thiện phải có đam mê, mục đích cũng như biết ổn định cuộc sống”.
Cần học cách cân bằng giữa các yếu tố trong cuộc sống. Ảnh: pexels. |
4. Tĩnh tâm như Yoda
Nhà trị liệu tâm lý đồng ý rằng quá trình tìm hiểu chính mình khá mơ hồ khi con người đang sống trong thế giới hỗn mang.
“Tôi thấy sử dụng hình tượng Yoda, nhân vật hư cấu trong bộ truyện Star Wars, để nói về sự ổn định trong tâm hồn. Vị đại sư phụ này tĩnh tâm giữa nỗi đau tột cùng.
Do đó, người trong độ tuổi trưởng thành nên học cách giữ nội tâm bình ổn, bất kể cuộc sống bên ngoài có biến động ra sao. Điều này giúp họ không hoang mang trước sự thay đổi”, bà Byock cho hay.
5. Mạnh dạn tạo ra sự thay đổi
Không kể đến những khó khăn bắt buộc xảy đến, độ tuổi đôi mươi vẫn được xem là giai đoạn tự do nhất đời người. Theo chuyên gia Arnett, người trẻ thích nghi nhanh hơn khi thay đổi chỗ ở hoặc nhảy việc. Đó là lý do nhóm này nên quyết đoán hơn khi đứng trước những sự thay đổi.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là phải xác định đúng vấn đề cần được thay đổi. Bác sĩ tâm thần Gregory Scott Brown cho rằng thanh thiếu niên nên học cách cân nhắc rủi ro và lợi ích trước khi quyết định bất cứ điều gì.
6. Tự giải quyết vấn đề thay vì cầu cứu phụ huynh
“Tuổi trưởng thành là giai đoạn chuyển tiếp từ phụ thuộc sang độc lập. Các bạn trẻ nên học cách tin vào chính mình sau nhiều năm sống dựa vào cha mẹ”, chuyên gia tâm lý nói.
Thanh thiếu niên thường xác định được đâu là lúc tự đứng trên đôi chân mình. Ví dụ, bà Byock từng gọi về cho mẹ khi chia tay người yêu ở độ tuổi 20. Khi mẹ ngỏ ý muốn đến thăm nom, bà kiên quyết từ chối dù thấy được an ủi.
“Không phải tôi không cần đến cha mẹ. Tôi chỉ chợt nhận ra đã đến lúc phải tự trò chuyện với bản thân và vượt qua những cú shock. Việc này khiến tôi dần trưởng thành hơn”, chuyên gia nói thêm.