Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vừa ký công văn số 31 gửi Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc tăng cường nét đẹp văn hóa dân tộc tại các cơ sở thờ tự phật giáo.
Theo đó, nhằm tạo điều kiện cho tự viện (gồm chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện...) phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong các lễ hội Xuân Mậu Tuất (2018), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị hướng dẫn chư tôn đức tăng ni trụ trì các tự viện, nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hóa thực hiện tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, do đó cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa phật giáo.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bỏ đốt vàng mã. Ảnh: Zing.vn |
"Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa phật giáo Việt Nam", văn bản nêu rõ.
Ngoài ra, Hội đồng Trị sự cũng đề nghị trong các bài giảng chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội. Đồng thời lan toả giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn.
Liên quan đến việc đốt vàng mã, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) từng góp ý về dự thảo "Luật Tín ngưỡng tôn giáo", có quy định nguyên tắc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng; theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, việc đốt vàng mã quá nhiều, gây ô nhiễm, lãng phí, ảnh hưởng cả đến giao thông, xả rác tràn lan... không được quản lý. "Tôi kiến nghị giải pháp đánh thuế cao mặt hàng vàng mã, để hạn chế đốt vàng mã", đại biểu Quảng Bình nói.