Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề nghị điều tra nhân viên tư vấn dự án chống ngập 10.000 tỷ bị đe dọa

Chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỷ kiến nghị công an vào cuộc điều tra việc một số nhân viên Đoàn Tư vấn bị đe dọa, phải làm việc trong trạng thái bất an.

Trước cáo buộc của phía liên danh tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) về việc một số nhân viên Đoàn Tư vấn bị đe dọa, phải làm việc trong trạng thái bất an,… chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng có công văn kiến nghị cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật.

Những bất thường…

Ngày 29/9, lãnh đạo Văn phòng UBND TP.HCM xác nhận vừa nhận được văn bản của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) kiến nghị thành phố chỉ đạo công an vào cuộc làm rõ cáo buộc của liên danh TVGSHĐ về việc một số nhân viên tư vấn giám sát bị các đối tượng xã hội đe dọa.

“Đây là vấn đề rất nghiêm trọng nên thường trực ủy ban sẽ xem xét, xử lý nghiêm túc”, đại diện UBND TP.HCM cho hay.

Theo điều tra của Tiền Phong, chiều 25/9, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập (gọi tắt là trung tâm chống ngập) mời đại diện các bên liên quan (nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, TVGSHĐ…) đến làm việc theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến.

Du an chong ngap 10.000 ty anh 1
Siêu dự án gần 10.000 tỷ đồng ngưng thi công nửa năm qua, hàng nghìn tỷ đồng sắt thép ngâm dưới nước đang dần bị hoen rỉ...

Buổi họp nhằm tháo gỡ vướng mắc của dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1” quy mô gần 10.000 tỷ đồng.

Khi tất cả các bên có mặt, bất ngờ đại diện phía liên danh TVGSHĐ tuyên bố không đồng ý họp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và trao cho lãnh đạo trung tâm chống ngập một văn bản.

Đó là văn bản số HTFC-SCFC/LO-18-067 ngày 24/9 của TVGSHĐ, có nội dung: “Một số nhân viên của Đoàn Tư vấn GSHĐ dự án đã nhận được những lời đe dọa từ các đối tượng xã hội vì lý do đang làm việc cho Liên danh TVGSHĐ khiến cho các nhân viên của Đoàn TVGSHĐ phải làm việc trong trạng thái bất an và đã có trường hợp xin nghỉ việc vì không chịu được sức ép đe dọa…”.

Trước tình huống này, Trung Nam Group đã có văn bản gửi UBND và Công an TP.HCM, đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ thực hư và xử lý theo quy định.

Là “lính đánh thuê”, trách nhiệm của TVGSHĐ là giám sát, yêu cầu các bên liên quan tuân thủ hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, gần đây liên danh nhà thầu liên tục “tố” nhà đầu tư, nhà thầu, “ông chủ” (trung tâm chống ngập), thậm chí cả các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đầu tiên là việc “tố” nhà thầu thay thép G7 bằng thép Trung Quốc tại một số cửa cống, dù Trung tâm chống ngập đã lên tiếng khẳng định trong hợp đồng BT với nhà đầu tư không có điều khoản nào bắt buộc phải thi công thép G7 và đơn vị thiết kế đã khẳng định việc quy định xuất xứ vật liệu trong thiết kế là vi phạm pháp luật.

Du an chong ngap 10.000 ty anh 2
Văn bản của TVGSHĐ cho biết bị các đối tượng xã hội đe dọa.

Việc sử dụng vật liệu thép đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (cơ quan được UBND TP.HCM ủy quyền) thẩm định, phê duyệt và Bộ Xây dựng nhiều lần xác nhận phê duyệt này là đúng thẩm quyền, cũng như Chủ tịch UBND TP đã có thông báo đồng ý. Hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu của Bộ NN và PTNT, Kiểm toán Nhà nước rồi các đơn vị tham gia tư vấn thiết kế dự án… đều đánh giá dự án đảm bảo chất lượng.

Hết vụ thép, TVGSHĐ tiếp tục “tố” Trung tâm chống ngập xác nhận cho nhà đầu tư tạm ứng cho nhà thầu là sai quy định và nhà đầu tư không cung cấp hồ sơ tài chính nhà thầu phụ để giám sát việc thực hiện hợp đồng.

TVGSHĐ còn đề nghị UBND TP.HCM buộc nhà đầu tư thu hồi khoản tiền hơn 1.500 tỷ đồng đã tạm ứng cho nhà thầu. Tuy nhiên, số tiền hơn 8 tỷ đồng nhà đầu tư trước đó tạm ứng cho mình để trang trải chi phí thì TVGSHĐ lờ đi.

Trước cáo buộc trên, “ông chủ” Trung tâm chống ngập đã có văn bản gửi UBND TP.HCM khẳng định đề xuất của TVGSHĐ là không đúng quy định, không có cơ sở.

Tư cách của TVGSHĐ “có vấn đề”?

TVGSHĐ tham gia vào siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ theo hợp đồng thuê ký giữa liên danh tư vấn với Trung tâm chống ngập vào ngày 5/6/2017 theo hình thức hợp đồng trọn gói.

Mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp Cục thuế TP.HCM làm rõ và có ý kiến cụ thể về việc công ty Meinhardt, thành viên chủ chốt của liên danh TVGSHĐ nợ thuế kéo dài thì có đủ tư cách thực hiện các hợp đồng tư vấn hay không… báo cáo kết quả cho Bí thư Thành ủy.

Theo thông tin từ Cục Thuế TP.HCM, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Mainhardt (Việt Nam) có vốn đăng ký 7,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 9, công ty còn nợ cơ quan thuế TP.HCM khoảng 28 tỷ đồng. Cục thuế đã nhiều lần áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế, kể cả biện pháp thông báo hóa đơn của doanh nghiệp hết hiệu lực.

Du an chong ngap 10.000 ty anh 3
Cam kết của công ty Meinhardt trước khi ký hợp đồng tư vấn .

Ngoài ra, khi còn là nhà thầu chính tư vấn giám sát thi công dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, công ty Meinhardt còn nợ Cục thuế TP Hà Nội hơn 33,6 tỷ đồng và Cục thuế này đang nhờ TP.HCM hỗ trợ. Không chỉ nợ thuế, suốt thời gian dài, công ty Meinhardt nợ BHXH với số tiền tính đến 31/8 là gần 4,1 tỷ đồng.

Nợ đầm đìa, thậm chí từng có văn bản xin cơ quan thế xóa nợ, tuy nhiên, để “qua mặt” cơ quan chức năng nhận gói thầu TVGSHĐ béo bở trị giá hơn 33 tỷ đồng của siêu dự án chống ngập, đơn vị tư vấn sẵn sàng ký cam kết không đúng sự thật.  

Trước khi được chỉ định tham gia vào dự án quan trọng này, để ràng buộc trách nhiệm theo quy định của luật Đấu thầu, cả ba thành viên trong liên danh TVGSHĐ (gồm Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Mainhardt (Việt Nam), Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình Hàng hải và công ty cổ phần tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ Thăng Long 12) phải làm bản cam kết với bên mời thầu.

Trong văn bản ký ngày 12/4/2017, công ty Meinhardt cam kết không vi phạm 3 điều khoản, trong đó đáng lưu ý là công ty “không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, tại thời điểm công ty Meinhardt cam kết không bị lâm vào tình trạng nợ không có khả năng chi trả (tháng 4/2017), theo thống kê của Cục thuế TP.HCM, công ty này đang nợ khoảng 30 tỷ đồng, chưa kể các khoản nợ cơ quan thuế TP Hà Nội và nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Vì vậy, chữ ký trên hợp đồng chưa ráo mực thì công văn đòi nợ, công văn thông báo cưỡng chế thuế đối với công ty Meinhardt của Cục thuế TP.HCM dồn dập gửi đến Trung tâm chống ngập. Chưa hết, cả cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng xúm vào đòi tiền.

Bị cơ quan thuế “bủa vây”, vừa qua, công ty Meinhardt có văn bản xin xóa nợ và bị Cục thuế TP.HCM từ chối. Thế nhưng, khi gửi công văn giải trình cho lãnh đạo TP.HCM, công ty Meinhardt tuyên bố đã …hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế.

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, trong báo cáo gửi Sở Tư pháp, Trung tâm chống ngập thừa nhận tại thời điểm xem xét việc ký hợp đồng, do chưa nhận được thông báo từ Cục thuế TP Hà Nội và Cục thuế TP.HCM về việc công ty Meinhardt nợ thuế nên Trung tâm chống ngập mới ký hợp đồng với liên danh này.

Sự thật chuyện “đổ bậy bùn thải”

Cứ ngỡ những chuyện không đáng xảy ra sẽ dừng lại, mới đây, TVGSHĐ tiếp tục “tố” nhà đầu tư đổ bùn thải không đúng nơi quy định ban đầu.

Sự việc này đã được Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) giải quyết xong từ nhiều năm trước. Theo trung tâm chống ngập, bi hài là trước đó khi kiểm tra hồ sơ, TVGSHĐ đã ký xác nhận việc này và căn cứ vào xác nhận trên của TVGSHĐ, phía ngân hàng mới thực hiện giải ngân.

Du an chong ngap 10.000 ty anh 4
Cục Thuế TPHCM báo cáo Thành ủy tình trạng nợ thuế của công ty Meinhardt.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Sở TNMT nói nhà đầu tư đã tiết kiệm rất nhiều tiền cho ngân sách.

Cụ thể: Bùn nạo vét lên từ lòng sông, nhà đầu tư gửi mẫu cho một số cơ quan kiểm nghiệm có uy tín. Kết quả là các chỉ số độc hại, ô nhiễm trong bùn đều dưới quy định chuẩn độc hại. Nếu đem hàng nghìn mét khối bùn sạch để xử lý cho đúng theo ý kiến của TVGSHĐ thì sẽ lãng phí rất lớn cho ngân sách vì đơn giá xử lý bùn thải khá cao. Dù vậy, với “tình ngay, lý gian”, nhà đầu tư đã chấp hành quyết định xử lý hành chính của thành phố.

Dự án giải quyết tình trạng ngập do triều cường (và trong tương lai sẽ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu) cho khu vực 570 km² thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM vẫn đang tạm dừng hơn nửa năm qua khi đã đạt hơn 72% khối lượng.

Theo một số chuyên gia, thay vì buông xuôi mặc TVGSHĐ và các bên tố nhau khiến hàng nghìn tỷ đồng sắt thép đang hoen rỉ dưới sông, đã đến lúc cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ sự thật, để dự án quan trọng này được tái khởi động, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn.

TP.HCM kiểm tra tư cách tư vấn giám sát dự án chống ngập 10.000 tỷ

Bí thư Thành ủy yêu cầu làm rõ về việc nợ thuế kéo dài của công ty Meinhardt và xem doanh nghiệp này có đủ tư cách thực hiện các hợp đồng tư vấn hay không.



https://www.tienphong.vn/xa-hoi/de-nghi-cong-an-tphcm-vao-cuoc-sieu-du-an-chong-ngap-10-nghin-ty-1328848.tpo

Theo Huy Thịnh/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm