Ngày 22/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết đã kết luận điều tra vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức Nhà nước do hàng loạt các nhân viên ngân hàng tham gia, đồng thời đề nghị truy tố đối với 2 bị can Nguyễn Hữu Hoàng và Đinh Tiến Cường về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, đề nghị truy tố 9 bị can Trần Quốc Dương, Đinh Tiến Cường, Phạm Thị Thanh Hoa, Tạ Văn Quyết, Lê Thanh Huyền, Phạm Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Dung, Lê Đức Công và Phạm Bảo Quốc về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Trong số đó, riêng đối tượng Đinh Tiến Cường bị truy tố 2 tội danh.
Cơ quan điều tra thực nghiệm quá trình Trần Hữu Hoàng làm giấy tờ giả. |
Đường dây này do Nguyễn Hữu Hoàng (SN 1993, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) là nhân viên ngân hàng cầm đầu.
Theo kết luận điều tra, ngày 10/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa tiếp nhận tin báo của Công an phường Ngã Tư Sở và UBND phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa về việc ngày 7/4, có một nữ giới tự giới thiệu là cán bộ ngân hàng đến trụ sở UBND phường Ngã Tư Sở, đề nghị xác minh về 1 đơn xin xác nhận kinh doanh đề tên Trần Quốc Dương và chữ viết, chữ ký đề tên lãnh đạo và dấu tròn của UBND phường... Qua kiểm tra, UBND phường Ngã Tư Sở phát hiện chữ ký, chữ viết đề tên lãnh đạo và con dấu là giả mạo.
Ngay khi nhận được thông tin, Đội cảnh sát hình sự Công an quận Đống Đa phối hợp cùng Công an phường Ngã Tư Sở đã vào cuộc điều tra, xác minh, triệu tập một số người liên quan để làm rõ.
Các con dấu giả được Nguyễn Hữu Hoàng sử dụng. |
Tại cơ quan công an, Trần Quốc Dương (SN 1989; HKTT: TDP số 8, phưỡng Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là người đứng tên trong giấy tờ giả khai nhận xuất phát từ nhu cầu vay vốn kinh doanh, Dương sử dụng nhắn tin với Đinh Tiến Cường (là nhân viên ngân hàng) để tư vấn vay vốn. Cường nói phải có một giấy xác nhận kinh doanh và một bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngày 28/3, Cường gửi mẫu đơn hướng dẫn anh Dương làm xác nhận. Tuy nhiên, do chưa có đăng ký kinh doanh, anh Dương nhờ Cường giúp đỡ. Cường đã giới thiệu cho anh Dương đầu mối là Nguyễn Hữu Hoàng để đặt làm giấy tờ giả với giá 2 triệu đồng.
Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, anh Dương đã nhận được một bộ giấy tờ có xác nhận của UBND phường Ngã Tư Sở, được "shipper" giao đến. Sau đó, Cường tiếp tục hỗ trợ anh Dương sử dụng bộ giấy tờ giả này để làm thủ tục vay vốn.
Cơ quan điều tra đã triệu tập làm việc với Nguyễn Hữu Hoàng và xác định đối tượng này đã sử dụng các thiết bị in ấn, chế bản tại nhà để “chế” mẫu giấy xác nhận, sau đó tải hình ảnh dấu đỏ của UBND phường Ngã Tư Sở rồi cắt ghép vào mẫu đơn. Xong xuôi, Hoàng in giấy xác nhận và thuê "shipper" chuyển cho anh Dương.
Hai đối tượng Trần Quốc Dương và Đinh Tiến Cường. |
Qua khám xét, lực lượng chức năng đã thu giữ một máy tính, một máy ép nhiệt, một máy in, 100 con dấu của các cơ quan tổ chức Nhà nước khác nhau, trong đó có 67 con dấu tròn của UBND các phường, quận, Công an, ngân hàng, Sở tài nguyên môi trường, văn phòng công chứng…và 5 tài liệu nghi bị làm giả của ngân hàng.
Ngoài ra, Hoàng khai nhận đã lập nhóm có sự tham gia của nhiều thành viên là nhân viên các ngân hàng. Mục đích của nhóm này là kết nối, nhận làm các giấy tờ giả để các nhân viên ngân hàng này giúp khách hàng làm hồ sơ vay tiền. Các giấy tờ giả này được Hoàng “phát giá” từ vài trăm nghìn đồng đến 2-3 triệu đồng; làm giả sao kê ngân hàng với giá 3 triệu đồng.
Hoàng khai xuất phát từ việc nhận thấy nhiều khách hàng gặp khó khăn trong việc làm các hồ sơ vay vốn do không xin được các giấy tờ của cơ quan chức năng. Cùng với đó, có nhân viên ngân hàng vì muốn đạt chỉ tiêu, nên đã tìm mọi cách hỗ trợ khách "tròn" hồ sơ vay được tiền. Do vậy, Hoàng đã tạo đường dây chuyên cung cấp các giấy tờ giả để bán cho những người này.
Nhóm các đối tượng bị bắt giữ. |
Thông qua hình thức, cách thức, phương thức, thủ đoạn như trên trong khoảng thời gian từ khoảng tháng 9/2022 đến ngày 10/4/2023, bị can Nguyễn Hữu Hoàng đã trực tiếp làm giả 67 con dấu tròn của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau trên địa bàn TP Hà Nội và một số tỉnh thành khác và làm giả hàng trăm tài liệu của cơ quan, tổ chức. Bị can Nguyễn Hữu Hoàng hưởng lợi số tiền khoảng trên 253 triệu đồng.
Căn cứ hành vi phạm tội, cơ quan điều tra đã bắt giữ Nguyễn Hữu Hoàng, Trần Quốc Dương, Đinh Tiến Cường. Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa đã củng cố hồ sơ bắt giữ thêm 7 đối tượng liên quan về hành vi “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức Nhà nước”.
Danh tính các đối tượng gồm Phạm Thị Thanh Hoa (SN 1998, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, nhân viên ngân hàng ở chi nhánh Láng Hạ, Tạ Văn Quyết (SN 1990, trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, nhân viên ngân hàng ở chi nhánh Láng Hạ), Nguyễn Thị Dung (SN 1999, quê Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), Phạm Thị Kim Oanh (SN 1999, trú tại Bảo Khê, TP Hưng Yên, nhân viên Ngân hàng) và Lê Đức Công (SN 1998, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, nhân viên Ngân hàng TPbank), Phạm Bảo Quốc (SN 1995, trú tại phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhân viên ngân hàng ở Láng Hạ) và Lê Thanh Huyền (SN 1995, ở phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Theo tài liệu điều tra, cả 7 đối tượng bị khởi tố đều là các nhân viên ngân hàng Saccombank…, cộng tác viên tổ chức tín dụng. Trong quá trình thực hiện các gói hồ sơ cho khách nếu gặp phải vướng mắc về giấy tờ, nhóm này sẽ móc nối và liên hệ với Hoàng để đặt làm giấy tờ giả nhằm “tròn” hồ sơ.
Cụ thể, trong quá trình làm hồ sơ cho khách hàng làm thẻ tín dụng, Dung thấy thiếu một số giấy tờ như giấy xác nhận bảng lương; nên đã liên hệ với Oanh nhờ Oanh hỗ trợ đặt mua cho khách với giá 300.000 đồng/tờ xác nhận lương. Do đã ở trong nhóm có đông thành viên là nhân viên ngân hàng do Hoàng lập ra để phục vụ làm giấy tờ giả từ trước đó, Oanh đã liên hệ đặt mua tại đây.
Sau khi nhận đơn hàng, Hoàng sẽ chuyển shipper giao tận nơi cho Oanh. Oanh đưa lại cho Dung để làm “tròn” hồ sơ với hạn mức tín dụng 60 triệu đồng. Sau khi hoàn thành hồ sơ, Dung nhận tiền công là 10% giá trị của hạn mức tín dụng tức 6 triệu đồng từ khách.
Hai đối tượng Phạm Quốc Bảo và Lê Thanh Huyền. |
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ Oanh đã 4 lần mua giấy tờ giả của Hoàng rồi chuyển cho Dung.
Còn đối với Lê Đức Công, đối tượng này thông qua nhóm, đã đặt mua của Hoàng giấy xác nhận tất toán thẻ tín dụng với giá 1 triệu đồng, mục đích để mở thẻ tín dụng cho khách.
Hai đối tượng Hoa và Quyết cùng làm tại một chi nhánh ngân hàng ở Láng Hạ, đặt mua sao kê ngân hàng với giá 2,5 triệu đồng để lập hồ sơ vay vốn tín chấp 200 triệu đồng cho khách.
Từ ngày 6/12/2022 cho đến ngày 10/4/2023, Lê Thanh Huyền đã mua của bị can Nguyễn Hữu Hoàng trên 28 tài liệu giả (là sao kê, xác nhận CMND) với tổng phí mua tài liệu là 70 triệu đồng. Sau đó, Huyền đưa lại tài liệu cho một số đối tượng (cũng là cộng tác viên với Huyền) sử dụng tài liệu giả thực hiện hành vi trái pháp luật tại Ngân hàng trong khoảng thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 4/2023; Lê Thanh Huyền khai nhận hưởng lợi được 71 triệu đồng từ hành vi phạm tội.
Đối với Phạm Quốc Bảo, qua trò chuyện với một số đồng nghiệp làm việc cùng bộ phận tại phòng giao dịch Ngân hàng ở 89 Láng Hạ, trong đó có nhân viên tên Phạm Thị Thanh Hoa và Tạ Văn Quyết; Quốc liên lạc với bị can Nguyễn Hữu Hoàng để mua 4 tài liệu giả sao kê tài khoản khách hàng với tổng tiền phí mua tài liệu là 10 triệu đồng. Sau đó, bị can Phạm Bảo Quốc sử dụng tài liệu giả lập hồ sơ vay vốn tín chấp 200 triệu đồng tại Ngân hàng ở 89 phố Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.
Đến thời điểm này, liên quan đến vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa đã khởi tố bị can đối với 10 đối tượng về các hành vi “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức”.
Tủ sách pháp luật sẽ giúp độc giả của Znews có thể tìm đọc những cuốn sách về Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự.