Trong cáo trạng vụ mua chế phẩm Redoxy 3C trái quy định, VKSND Tối cao truy tố ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và 2 đồng phạm do gây thiệt hại hơn 36 tỷ đồng cho Nhà nước.
VKS xác định ông Chung là người quyết định việc mua hóa chất trái pháp luật, phân công, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước để Công ty Arktic (do vợ ông Chung thành lập) được hưởng khoản lợi nhuận bất chính.
Theo cáo buộc, ngày 20/8/2016, ông Chung ban hành Thông báo số 308 để chỉ đạo đàm phán mua độc quyền Redoxy 3C từ Công ty Watch Water (ở nước Đức). Tuy nhiên sau đó, bị can lại nói với ông Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty Thoát nước) không mua hóa chất của hãng với giá 8,5 Euro/kg mà yêu cầu mua qua Công ty Arktic với giá 295.000-326.000 đồng/kg. Điều này mang lại lợi ích không chính đáng cho công ty của gia đình.
Các bị can Nguyễn Đức Chung (trái), Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng. |
Cáo trạng cáo buộc cựu Chủ tịch UBND Hà Nội vi phạm Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014; Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Ngoài ra, bị can còn vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 với quy định "người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp".
VKS thấy quá trình điều tra, ông Chung không thừa nhận sai phạm. Tuy nhiên, bị can có nhiều thành tích công tác, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều bằng khen. Do đó, VKS đề nghị xem xét đánh giá trong quá trình xét xử.
Bị can Võ Tiến Hùng thực hiện chỉ đạo của ông Chung, đã sai cấp dưới ký 15 hợp đồng mua Redoxy 3C với Công ty Arktic khi chưa được UBND TP phê duyệt. Ông Hùng vi phạm các quy định về đấu thầu, biết chỉ đạo của ông Chung là trái luật nhưng vẫn thực hiện.
Còn bị can Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty Arktic) đã tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của ông Chung để hợp thức hóa việc phân phối độc quyền chế phẩm Redoxy 3C, cùng bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ của ông Chung) mua, bán phần vốn góp của Công ty Arktic lòng vòng, không rõ ràng để đối phó, che giấu các sai phạm của Giang và ông Chung.
VKS còn xác định bị can Giang sử dụng tiền của công ty, trong đó có phần tiền lãi từ việc kinh doanh chế phẩm, để tặng quà, tài trợ cho một số cơ quan, tổ chức theo yêu cầu của ông Chung.
Công ty Arktic nhập hơn 489 tấn chế phẩm rồi bán cho Công ty Thoát nước. Ảnh: Lê Hiếu. |
Giai đoạn điều tra, ông Võ Tiến Hùng và Nguyễn Trường Giang hợp tác tích cực, chủ động khai báo để làm rõ bản chất vụ án. Riêng ông Hùng có nhiều thành tích, không được hưởng lợi và phạm tội do bị chỉ đạo, ép buộc. VKS đánh giá đây là các tình tiết giảm nhẹ đối với 2 bị can.
Đối với một số lãnh đạo, cán bộ UBND TP Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước, họ đã tin tưởng và thừa hành theo chỉ đạo của cấp trên, nể nang bỏ qua công đoạn kiểm tra khi mua bán, quản lý và sử dụng chế phẩm. Hành vi của những người này có dấu hiệu thiếu trách nhiệm nhưng không tư lợi.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật một số trường hợp và đề nghị Thành ủy Hà Nội tiếp tục kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan. VKS xét thấy không cần thiết xử lý trách nhiệm hình sự những lãnh đạo, cán bộ này; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật là đủ nghiêm.
Đây là vụ án thứ 3 khiến ông Chung vướng lao lý. Tháng 12/2020, ông này bị phạt 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước liên quan đến đại án xảy ra tại Công ty Nhật Cường.
Ngày 21/9, trong vụ án thứ 2, VKSND Tối cao truy tố ông Nguyễn Đức Chung do sử dụng quyền của Chủ tịch Hà Nội để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng 2 gói thầu số hóa của Sở KH&ĐT Hà Nội.