Sáng 2/6, sau 120 phút làm bài môn Ngữ văn vào lớp 10 ở Hà Nội, nhiều học sinh đánh giá đề thi dễ, tự tin đạt điểm cao.
TS Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội - cho hay cấu trúc đề thi gồm hai phần kết hợp đọc hiểu với nghị luận xã hội và nghị luận văn học; dạng câu hỏi về kiến thức văn học, tiếng Việt, cuộc sống xã hội quen thuộc, đề tuyển sinh năm nay không làm khó thí sinh.
Đề thi Ngữ văn lớp 10 tại Hà Nội. |
Với đề thi này, có thể lưu ý một số chi tiết về diễn đạt câu chữ hoặc diễn đạt ý cho sáng và chuẩn mực hơn.
Ví dụ, ý 2 câu 2 phần I viết: “Cũng trong khổ thơ này, các từ 'bỗng' và 'hình như' giúp em hiểu gì về cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ?”.
Theo TS Trịnh Thu Tuyết, nên thay hai từ “cảm xúc, tâm trạng” bằng "tâm trạng và cách cảm nhận” sẽ phù hợp hơn. Bởi, “hình như” không hướng tới thể hiện tâm trạng, cảm xúc mà là cách cảm nhận thế giới xung quanh phút giao mùa.
Ở phần II, câu lệnh chung cho đọc hiểu nên bỏ bớt cụm từ “bên dưới”. Câu hỏi 1 nên thay “hai câu văn in nghiêng ở trên” bằng “hai câu văn in nghiêng trong đoạn trích" để đảm bảo tính chuẩn mực của phong cách khoa học; thêm từ “những” cho lệnh “chỉ rõ từ ngữ dùng làm phương tiện liên kết".
Câu 3 viết đoạn văn nghị luận xã hội, diễn đạt vấn đề chưa sáng. Hơn thế nữa, câu lệnh “trình bày suy nghĩ về ý kiến...” hướng tới yêu cầu luận về toàn bộ vấn đề, đó là yêu cầu phù hợp bài văn hơn là đoạn văn vốn chỉ nghị luận về một bình diện của vấn đề.
Nhìn tổng thể, TS Trịnh Thu Tuyết nhận định đề thi vừa sức thí sinh. Tuy nhiên, nhiều năm nay, đề thi có sự lặp lại kiểu dạng, cấu trúc và nội dung kiến thức. Điều này ít nhiều tạo ra tâm lý học văn theo mẫu, công thức, giảm bớt hứng thú cho học trò.
Đoạn văn nghị luận xã hội cũng cần thống nhất lại yêu cầu nghị luận trong câu lệnh, và cả trong đáp án chấm để học sinh hiểu yêu cầu viết đoạn văn, phân biệt với bài văn thu nhỏ, làm nền tảng cho ôn luyện thi THPT quốc gia sau này.
Cũng trong sáng nay, thí sinh kết thúc bài thi Ngữ văn tại TP.HCM. Đề thi dài 2 trang giấy A4 với nhiều hình vẽ minh họa mới lạ, TS Trịnh Thu Tuyết nói hai câu đầu đặt vấn đề sâu sắc, gần gũi với tâm lý con người trong cuộc sống hàng ngày.
Phần nghị luận văn học cho học sinh hai lựa chọn chính là tạo khả năng phân loại, phù hợp hứng thú, năng lực từng đối tượng, mở ra cơ hội cho những học trò muốn có sự sáng tạo mới mẻ, tránh nhàm chán, đơn điệu.
Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 tại Sài Gòn. |
Đồng tình với sự mới mẻ của đề thi, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân, cho hay ông thích
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên môn Văn trường THCS Nguyễn Du, TP.HCM, cho rằng đề không khó, có tính phân hóa cao. Thầy Bảo dự đoán phổ điểm môn Văn khoảng 6-8.
"Đề năm nay hay và khoa học. Mức độ đề khá vừa sức học sinh, không đánh đố mà vẫn đảm bảo tính phân loại cao. Câu một mang tính thời sự, ưu điểm là không bắt buộc học sinh phải trả lời theo lối thuộc lòng, đặc biệt câu c, yêu cầu khả năng phân tích tổng hợp tốt. Đề cho phép học sinh thể hiện quan điểm cá nhân, mặt khác yêu cầu học sinh phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, thể hiện ưu điểm phân loại thí sinh của đề thi năm nay", giáo viên trường THCS Nguyễn Du nhận xét.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cũng khen đề thi Ngữ văn vào lớp 10 ở Sài Gòn hay, "tạo cảm hứng", giúp thí sinh thể hiện được kiến thức của mình hơn.